Thượng Viện Pháp: Chống Trung Quốc thao túng đại học phải là \”ưu tiên chính trị\”
Đăng ngày: 07/10/2021
Thụy My
Các trường đại học Pháp là nạn nhân của mưu toan lũng đoạn ngày càng hung hăng thậm chí « thô bạo », chủ yếu từ Trung Quốc. Một báo cáo của Thượng Viện Pháp công bố hôm 06/10/2021 cảnh báo như trên, đồng thời cho biết Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước vùng Vịnh cũng có những ý đồ tương tự.
Theo báo cáo, Bắc Kinh ngày càng tiến hành « chiến lược thao túng toàn cầu có hệ thống ». Các nhà nghiên cứu Pháp phải chịu áp lực và phải tự kiểm duyệt, các viện nghiên cứu lệ thuộc vào tài chính của Trung Quốc, gây nguy hiểm cho tính độc lập của họ. Báo cáo viên, thượng nghị sĩ André Gattolin kêu gọi lập ra một quy tắc ứng xử và tăng tính minh bạch, « chấm dứt sự ngây thơ ».
Văn bản 240 trang nêu ra sự « thô bạo hóa» quan hệ quốc tế, các « mưu toan lũng đoạn không còn giới hạn ở tình báo kinh tế mà trải rộng sang lĩnh vực các quyền tự do trong giáo dục đại học và hội nhập khoa học ». Không chỉ gây ảnh hưởng về văn hóa như ngôn ngữ, văn minh, người Trung Quốc còn làm áp lực đối với những phát biểu, ngăn trở mở hội thảo về tình hình người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, về Tây Tạng, Đài Loan, Hồng Kông.
Các Viện Khổng Tử hiện diện tại nhiều nơi trên thế giới trở thành công cụ tuyên truyền, đe dọa tự do đại học và các đối tác, thậm chí chứa chấp gián điệp. Báo cáo nêu ra tình thế lưỡng nan của các trường đại học, vốn cởi mở về tri thức, nhưng nay phải thường xuyên cảnh giác, nhất là đối với những du học sinh.
Một phương diện khác là việc tiếp cận thông tin, dữ liệu nghiên cứu, đôi khi trong những lãnh vực có thể dùng cho mục đích quân sự hay chiến lược. Bắc Kinh không từ một phương tiện nào : tài trợ cho các phòng thí nghiệm hay đối tác, tuyển mộ nhân sự với lời hứa trả lương thật cao tại Trung Quốc, kể cả làm áp lực.
Thượng nghị sĩ André Gattolin nêu ra trường hợp đại sứ Trung Quốc lăng mạ và cấm nhập cảnh một nhà nghiên cứu Pháp, ông nói, khi là nhà Trung Quốc học mà không được cấp visa thì đành phải đổi nghề. Ông đòi hỏi phải kiểm soát thường xuyên, không chờ đợi đến lúc cùng chung cảnh ngộ với Úc hoặc Anh.
Các tác giả bản báo cáo khuyến nghị phải coi chủ đề nước ngoài can thiệp vào đại học là ưu tiên chính trị, và tỏ ý tiếc rằng các « tập đoàn tin giả » của Nga hoặc những vụ tấn công tin học từ Nga, Trung Quốc hiện nay vẫn được coi như chuyện bình thường.