Bất chấp căng thẳng với Bruxelles, Ba Lan khẳng định quyết tâm ở lại Liên Hiệp Châu Âu
Đăng ngày: 08/10/2021
Trọng Nghĩa|Thanh Hà
Thủ tướng Mateusz Morawiecki hôm 08/10/2021 tuyên bố \”chỗ đứng của Ba Lan là và sẽ tiếp tục ở bên trong gia đình châu Âu. (…) Việc Ba Lan và nhiều nước trung Âu gia nhập Liêu Âu là một trong những sự kiện nổi bật nhất trong những thập niên qua\” đối với Vacxava và toàn khối châu Âu.
Phát biểu này nhằm làm hạ nhiệt căng thẳng với Bruxelles một ngày sau khi Tòa Bảo Hiến Ba Lan tuyên bố một phần của các hiệp ước châu Âu không phù hợp với Hiến Pháp của nước này, đe dọa phủ nhận tính hợp pháp của một số quyết định của Tòa Án Công Lý Châu Âu.
Phán quyết nói trên làm dấy lên căng thẳng vốn đã âm ỷ giữa Vacxava và nhiều nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Nhiều nhà quan sát cho rằng phán quyết nói trên mở đường cho Ba Lan bị khai trừ khỏi Liên Âu, qua đó mất luôn các khoản tài trợ của 26 thành viên còn lại trong khối.
Từ Vacxava, thông tín viên RFI Damien Simonart giải thích tại sao quyết của Tòa Bảo Hiến đẩy chính quyền Ba Lan vào thế kẹt :
“Không một ai nghi ngờ về việc Tòa Bảo Hiến Ba Lan ra phán quyết như vậy, nhưng phải mất vài tháng và 4 lần hoãn thì định chế này mới làm được điều này. Ngay giữa cuộc đấu tranh để giành được quỹ châu Âu cho kế hoạch khôi phục kinh tế – hơn 150 tỷ euro mà Ba Lan được phân bổ cho đến năm 2027 – Vacxava như đã tự bắn vào chân mình.
Thế nhưng đối với Beata Szydlo, một nghị sĩ bảo thủ và cựu thủ tướng, quyết định này sẽ “ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài vào hệ thống tư pháp Ba Lan.”
Phe đối lập tự do thì rất bàng hoàng. Leszek Miller vốn là thủ tướng vào năm 2004 khi Ba Lan gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, đã tỏ ý tiếc rằng rất nhiều nỗ lực để đưa đất nước Ba Lan vào EU đã bị chủ tịch Tòa Bảo Hiến vô hiệu hóa, một người bị ông mô tả là một quan chức của đảng Luật Pháp và Công Lý – PiS đang cầm quyền.
Vào lúc lãnh đạo đảng PiS Jaroslaw Kaczynski khẳng định sẽ không có \”Polexit\”, nhiều thẩm phán tin rằng Ba Lan đã ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu về mặt pháp lý. Ông Donald Tusk, cựu chủ tịch Hội Đồng Châu Âu đã kêu gọi một cuộc biểu tình lớn vào Chủ Nhật này tại thủ đô Ba Lan”.
Phản ứng quan ngại của các nước EU
Phán quyết đặt Hiến Pháp Ba Lan bên trên các hiệp định EU đã làm dấy lên các phản ứng giận dữ từ Bruxelles và nhiều thủ đô châu Âu. Ngay ngày 07/10, Ủy Ban Châu Âu đã bày tỏ thái độ “quan ngại”. Ủy Viên Tư Pháp Châu Âu Didier Reynders khẳng định là Bruxelles sẽ sử dụng “mọi công cụ” hiện hữu để đảm bảo tính tối thượng của luật pháp EU.
Về phần nước Pháp, quốc vụ khanh đặc trách châu Âu Clément Beaune cho rằng quyết định của Ba Lan là một “đòn đánh vào Liên Hiệp Châu Âu”. Theo ông, khi quyết định như trên, chính quyền Ba Lan đã chấp nhận rủi ro “mặc nhiên rời bỏ” Liên Âu.