Các tổ chức nhân quyền đòi trả tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang nhân một năm cô bị bắt
Thanh Trúc
2021-10-08
Nhà báo Phạm Đoan Trang và những cuốn sách mà cô đã viết nhưng bị chính quyền Việt Nam cấm lưu hànhFacebook Phạm Đoan TrangCác tổ chức nhân quyền đòi trả tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang nhân một năm cô bị bắt00:00/00:00
Hôm 6/10/2021, đúng một năm sau ngày nhà hoạt đông Phạm Đoan Trang bị bắt giữ và bị cầm tù, tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV) mà Đoan Trang là người đồng sáng lập, ra tuyên bố lên án việc chính quyền Việt Nam giam giữ nhà hoạt động này.
Tuyên bố của Sáng Kiến Công Lý Việt Nam LIV có đoạn viết như sau:
“Chúng tôi lên án hành vi của chính quyền Việt Nam trong việc liên tiếp sách nhiễu nhà đồng sáng lập của chúng tôi là Phạm Đoan Trang.
Việc bắt và giam giữ bà Trang là hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận một cách trắng trợn. Nói rộng hơn, hành động này còn tấn công vào nền tự do báo chí và hoạt động báo chí độc lập.”
Sáng Kiến Công Lý Việt Nam còn kêu gọi những người ủng hộ cùng lên tiếng đòi hỏi Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, tác giả nhiều bài viết có lập luận sắc bén và thức thời mà chính quyền cộng sản cho là phản động và có ý đồ chống phá nhà nước.
Trước đó một ngày, hôm 5/10, tổ chức có tên Dự Án 88 cũng cho đăng tải một bài trên báo Asia Times. Bài viết liệt kê ra quá trình hoạt động xã hội của Phạm Đoan Trang trước khi bị bắt, cùng những thành tựu mà cô gặt hái được thông qua những hoạt động xã hội. Bài viết cũng nêu yêu cầu nhà nước Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho Phạm Đoan Trang như một hành động thực tế để cải thiện tình hình nhân quyền trước khi tham dự vào tiến trình cổ xuý sự phát triển quyền con người trên thế giới.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt tại TPHCM ngày 6/10/2020 sau ba năm liên tục di chuyển cũng như thay đổi chỗ ở để tránh sự đe dọa bắt bớ của công an.
Chia sẻ cùng RFA qua điện thư, nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên, nhắc về người bạn thiết của mình như sau:
“Hôm nay 6/10/2021, vừa tròn một năm Phạm Đoan Trang bị bắt. Nhưng tôi muốn nói đến quãng thời gian trước đó, trong suốt vài năm cho tới khi Trang bị bắt, cô ấy đã phải sống với những mối đe doạ thường trực, những cuộc săn lùng bởi công an, mật vụ. Đó thật là những trải nghiệm kinh khiếp, căng thẳng không khác gì nhà tù”
“Điều đặc biệt là hình như càng gặp nguy hiểm, Trang càng thể hiện được khả năng làm việc và sức ảnh hưởng của mình lên các đồng nghiệp, đặc biệt về sự can đảm của cô.
“Từng là một người tù, tôi hiểu được thế nào là nhà tù cộng sản. Mọi thứ thật là khó khăn, nhất là đối với tù chính trị. Tôi không biết người ta sẽ dành cho Trang bản án bao nhiêu năm tù nhưng tôi e rằng bạn tôi sẽ không được tự do sớm như nhiều người mong đợi. Tôi muốn nói bên cạnh việc đấu tranh cho tự do của Phạm Đoan Trang, thì việc vận động để cô ấy được quyền chơi đàn, được quyền sở hữu một cây guitar trong nhà tù, cũng là điều cấp bách. Nhưng như tôi vừa nói, đối với nhà tù cộng sản thì mọi thứ thật quá khó”.
Là nhà báo và blogger nổi tiếng ở Việt Nam, Phạm Đoan Trang viết nhiều sách về nhân quyền, chính trị được xuất bản trong nước và nước ngoài.
Năm 2018, Phạm Đoan Trang được Giải Nhân quyền Homo Homini từ tổ chức People In Need. Năm 2019, cô được Phóng Viên Không Biên Giới RSF ở Pháp trao tặng giải Tự Do Báo Chí.
Nhà nước Việt Nam cáo buộc cô Phạm Đoan Trang tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Kể từ lúc bị bắt và bị tống giam, Phạm Đoan Trang chưa được gặp thân nhân hay luật sư cả một năm qua.
Vào ngày 6/11/2020, tức một tháng sau đó, Đại sứ phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti, đã cùng Đại sứ các nước khác có cuộc gặp với đại diện Bộ Công An liên quan vụ bắt giữ người mà EU gọi là nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang.
Tự do biểu đạt và tự do ngôn luận được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và cần phải được tôn trọng, là nhận định của Đại sứ Giorgio Aliberti trên Twitter cá nhân.
Quan điểm này được chia sẻ lại trên tài khoản Twitter của Đại sứ quán Thụy Điển, Đức và Pháp.
Trao đổi với RFA nhân một năm tròn Phạm Đoan Trang bị giam giữ, Giám đốc phân ban Châu Á của Giám Sát Nhân Quyền HRW, ông Brad Adams, phát biểu:
“Thật kinh khủng khi giam giữ một người cả một năm mà không xét xử. Phạm Đoan Trang không có tội, cô chỉ muốn cuộc sống người Việt Nam tốt hơn và đã sử dụng quyền tự do ngôn luận để làm điều đó”
“Tiếp tục tranh đấu cho Đoan Trang được trả tự do, tiếp tục đòi hỏi nhà cầm quyền dưới sự khống chế của đảng cộng sản Việt Nam phải công nhận cũng như tôn trọng quyền con người của công dân, vẫn là trách nhiệm của Giám Sát Nhân Quyền trong những ngày tới. Một năm đã qua mà nếu nhà cầm quyền không có được bằng chứng hiển nhiên, cụ thể về điều gọi là phạm pháp của Phạm Đoan Trang thì phải trả lại tự do cho cô ấy ngay lập tức”.
Luật sư Nguyễn Văn Đài từng hai lần bị bắt vì tranh đấu cho quyền con người khi còn ở trong nước, cho biết ông hiểu nỗi khổ mà nhà báo Phạm Đoan Trang phải chịu đựng:
“Theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát Điều tra TP Hà Nội thì họ đã kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ qua bên Viện Kiểm Sát, sau đó chuyển sang Tòa Án để tiến hành xét xử”
“Luật qui định sau khi Cơ quan An ninh Điều tra chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm Sát thì trong thời hạn 30 ngày Viện Kiểm Sát phải ra cáo trạng và năm ngày tiếp theo phải chuyển sang Tòa Án. Tòa cũng có 30 ngày tiếp theo để lên lịch xét xử. Như vậy đến nay có thể hồ sơ đã nằm bên Tòa Án rồi. Quan điểm của tôi thì chắc chắn là không quá một tháng nữa vụ án sẽ đưa ra xét xử nêu như Viện Kiểm Sát và cả Tòa Án tuân thủ đúng Luật Tố Tụng Hình Sự của Việt Nam”.
Từ một nơi ngoài Việt Nam, ông Vũ Quốc Ngữ, tổ chức Defend The Defenders:
“Tôi là giám đốc của tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền Defend The Defenders. Tròn một năm Phạm Đoan Trang bị giam giữ biệt lập với thế giới bên ngoài, tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền đã cùng Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam phản đối việc bắt giữ và yêu cầu trả tự do ngay cho cô Phạm Đoan Trang”
“Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục vận động cho cô bằng những báo cáo lên Nhóm Công tác về Bắt giữ Độc đoán của Liên Hiệp Quốc, Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng như Ủy Ban Nhân Quyền khu vực Châu Á Thái Bình Dương; đồng thời tiếp xúc với một số tổ chức và cá nhân để kêu gọi sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế cho trường hợp Phạm Đoan Trang”.https://www.youtube.com/embed/jmram17_gDo
Tiếp lời ông Vũ Quốc Ngữ, tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng thuộc Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, là tổ chức đã vinh danh Phạm Đoan Trang bằng giải thưởng nhân quyền hồi tháng 12/2018, cho hay:
“Sau khi Phạm Đoan Trang bị bắt ngày 6/10 năm ngoái thì một ngày sau đó Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam và Người Bảo Vệ Nhân Quyền đã ra một tuyên bố chung về vụ bắt bớ này”
“Sau đó, ngày 13/7 2020, cùng với 9 tở chức quốc tế và Việt Nam như Amnesty International, Pen America, People In Need, Defend The Defenders Người Bảo Vệ Nhân Quyền một lần nữa kêu gọi trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho Phạm Đoan Trang”
Trong một năm qua, vẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam luôn đặt ưu tiên vấn đề Phạm Đoan Trang và sẽ tiếp tục như vậy trong những ngày tháng tới:
“Ưu tiên trường hợp Phạm Đoan Trang trong các báo cáo hàng năm cũng như trong những lần tiếp xúc với các vị dân cử hoặc các viên chức hành pháp Mỹ cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế. Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đánh giá cao khả năng, tâm huyết và những hy sinh của Phạm Đoan Trang”.
Đã một năm kể từ ngày nhà hoạt động, ngòi bút độc lập Phạm Đoan Trang bị bắt và bị tống giam một cách thô bạo, yêu cầu trả tự do hoặc một phiên tòa công chính đối với tù nhân lương tâm Phạm Đoan Trang hầu như vẫn là tiếng nói chung của các tổ chức nhân quyền và tổ chức ngoài chính phủ trên thế giới cũng như của Việt Nam.
Số liệu từ Defend The Defenders Người Bảo Vệ Nhân Quyền, cho thấy:
Việt Nam đang giam giữ 265 nhà bất đồng chính kiến, kể cả Phạm Đoan Trang, trong điều kiện hà khắc tại các nhà tù lớn nhỏ khắp nước.
Còn theo thống kê của CPJ Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả ở New York, trong số 15 nhà báo đang bị giam tù ở Việt Nam, trường hợp Phạm Đoan Trang bị bắt ngày 6/10/2020 xảy ra chỉ ít giờ sau vòng đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ lần thứ 24.