Viện nghiên cứu quân sự Pháp: ĐCS Trung Quốc âm mưu \’xóa sổ\’ Pháp Luân Công ở hải ngoại

\"Viện

Các học viên Pháp Luân Công thực hiện các bài công pháp chậm rãi an hòa tại một cuộc mít tinh kỷ niệm 20 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, trên Bãi cỏ phía Tây của Đồi Capitol vào ngày 18/7/2019. (Samira Bouaou / The Epoch Times)

Viện nghiên cứu quân sự Pháp: ĐCS Trung Quốc âm mưu \’xóa sổ\’ Pháp Luân Công ở hải ngoại

 Bình luận – Khải Anh • 08/10/21

Trong gần hai thập kỷ qua, một cơ quan bí mật đã và đang hoạt động để thực thi các mệnh lệnh từ lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, nhằm “xóa sổ” một môn tu luyện Phật Gia được coi là mối đe dọa đối với chế độ vô thần này.

Theo viện cố vấn quân sự của Pháp, cơ quan này được được thành lập vào năm 1999 với tên gọi “Phòng 610”, có cơ chế hoạt động như một cơ quan “ngoài vòng luật pháp\” để nhắm mục tiêu cụ thể đến những người tu luyện Pháp Luân Công. Mặc dù có rất ít thông tin công khai cũng như bộ tư lệnh của cơ quan này, nhưng có một điều rõ ràng là các hoạt động của cơ quan này không chỉ giới hạn trong biên giới của Trung Quốc.

Phòng 610 có khoảng 15.000 người ở cả Trung Quốc và hải ngoại, những người này được giao nhiệm vụ trấn áp các học viên Pháp Luân Công, theo một báo cáo dài 650 trang được công bố gần đây từ Viện Nghiên cứu Chiến lược của các Trường Quân sự — một viện cố vấn được quân đội Pháp viện trợ — báo cáo này nêu chi tiết về các hoạt động nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu của ĐCSTQ.

Pháp Luân Công còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện Phật Gia bao gồm năm bài công pháp và các bài giảng triết lý đạo đức sâu sắc dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Mức độ phổ biến của môn tu luyện này đã gia tăng đáng kể ở Trung Quốc những năm 1990, số lượng người theo học pháp môn này ước tính vào khoảng 70 đến 100 triệu người vào cuối thập kỷ đó.

Giang Trạch Dân, lãnh đạo đương thời của ĐCSTQ, rất lo ngại về mức độ phổ biến ngày càng tăng của Pháp Luân Công, báo cáo cho biết.

“Giang Trạch Dân coi đây là mối đe dọa đối với sự tồn vong của ĐCSTQ, chế độ này không thể dung thứ cho sự tồn tại của một cấu trúc xã hội nằm ngoài tầm kiểm soát của mình,” báo cáo nêu rõ.

Kết quả là Giang đã thành lập Phòng 610 vào ngày 10/06/1999 – tên này được lấy theo ngày cơ quan này được thành lập. Cơ quan này hoạt động theo cách thức tương tự như Gestapo của Đức Quốc xã, với quyền hạn bao trùm toàn bộ tòa án cũng như cảnh sát Trung Quốc.

Phòng 610 cùng với các cơ quan tư pháp, an ninh công cộng và luật pháp của ĐCSTQ, đã thực hiện một chiến dịch bức hại sâu rộng và kéo dài cho đến ngày nay. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị giam giữ trong các trại cải tạo, trại lao động cưỡng bức và nơi giam giữ khác ở Trung Quốc, cùng với việc hàng trăm nghìn người trong số họ chịu bức hại khi bị giam giữ.

Các tài liệu nội bộ do The Epoch Times thu thập được cho thấy Phòng 610 đã bị giải tán trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2019, và các chức năng của phòng này đã được sáp nhập vào các cơ quan khác của ĐCSTQ, bao gồm Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, cũng như lực lượng cảnh sát Trung Quốc.

Bất chấp sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, không có dấu hiệu nào cho thấy ĐCSTQ đang từ bỏ chiến dịch đàn áp của mình. Trong sáu tháng đầu năm 2021, có ít nhất 674 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án một cách bất hợp pháp, với bản án cao nhất lên đến 14 năm tù giam, theo Minghui.org, một trang web đặt trụ sở tại Hoa Kỳ, luôn theo sát các cuộc bức hại đối với các học viên Pháp Luân Công.

Đàn áp ở hải ngoại

Phòng 610 cũng cài cắm mật vụ ở hải ngoại để thực thi hàng loạt chỉ thị nhằm đàn áp, cũng như tuyên truyền gây hại cho các cộng đồng Pháp Luân Công trên toàn thế giới.

“Trong mỗi phái bộ ngoại giao Trung Quốc đều có một thành viên của Phòng 610, người này có nhiệm vụ phát hiện, lập hồ sơ và bức hại các học viên Pháp Luân Công, đồng thời thực hiện các hoạt động tuyên truyền nhằm vào các chính phủ nước ngoài, để ngăn cản chính phủ nước này liên hệ với các học viên Pháp Luân Công,” báo cáo cho hay.

“Mặc dù Phòng 610 không phải là đơn vị đóng vai trò chính trong các hoạt động gây ảnh hưởng [trên trường quốc tế] của Trung Quốc, nhưng các hoạt động của cơ quan này tại các quốc gia nơi có các cộng đồng học viên Pháp Luân Công phát triển lớn mạnh, thực sự đã tạo ra can nhiễu.”

Báo cáo nêu rõ nhận định của ông Trần Vĩnh Lâm (Chen Yonglin) trong một phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2005, một cựu quan chức ngoại giao của Trung Quốc đã đào tẩu sang Australia hơn một thập kỷ trước. Trước khi đào tẩu, ông Trần là cựu lãnh sự về vấn đề chính trị trong Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney, cũng như phụ trách thực hiện các chính sách của Bắc Kinh đối với Pháp Luân Công.

Ông Trần cho biết, lãnh sự quán có một “đội đặc nhiệm” do tổng lãnh sự đứng đầu, với mục đích “do thám và bức hại” các học viên Pháp Luân Công tại Australia. Đội đặc nhiệm này là “một phần trong hệ thống của Phòng 610.”

“Theo hiểu biết của tôi, các đội nhóm tương tự đã được thành lập tại các cơ quan đại diện của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, cũng như tại các quốc gia khác, nơi mà Pháp Luân Công được tự do hồng truyền,” ông cho biết.

Vào năm 2008, khu phố Flushing ở New York là nơi liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực kéo dài trong nhiều tháng nhắm vào các học viên Pháp Luân Công. Các băng nhóm là công dân Trung Quốc đã tấn công, quấy rối bằng ngôn từ và ném đá vào các học viên Pháp Luân Công.

Chiến dịch sử dụng vũ lực kéo dài nhiều tháng liền này hóa ra lại có liên quan đến Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York. Ông Bành Khắc Vũ (Peng Keyu), tổng lãnh sự Trung Quốc đương thời tại New York, đã thừa nhận trong một cuộc điện đàm bí mật rằng, ông ta đã xúi giục các băng nhóm ủng hộ ĐCSTQ tiến hành một loạt các vụ tấn công vũ lực vào các học viên Pháp Luân Công ở Flushing.

Tại Australian, một nhóm trực thuộc Phòng 610 tại địa phương đã được hỗ trợ bởi một đơn vị thu thập thông tin tình báo lớn của Trung Quốc tại nước này, ông Trần cho biết.

“Tôi biết rằng có hơn 1.000 mật vụ Trung Quốc và những người cung cấp thông tin ở Australia nắm giữ vai trò trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, và con số này ở Hoa Kỳ là cao hơn,” ông cho biết trong khi trình bày bài phát biểu được soạn sẵn trong phiên điều trần năm 2005.

Theo ông Trần, để phụ trợ cho hoạt động của mạng lưới gián điệp địa phương, các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng sẽ gây áp lực lên các chính trị gia Australia, để khiến họ chấp nhận lập trường của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công. Điều này được thực hiện bằng cách cung cấp cho giới chức địa phương các lợi ích về kinh tế và chính trị. Lãnh sự quán đã “thành công” trong việc giảm số lượng các chính trị gia sẵn sàng gặp gỡ các học viên Pháp Luân Công địa phương hoặc gửi thư công khai ủng hộ cho họ, ông cho biết.

Trước đây đã từng xảy ra các vụ việc tương tự liên quan đến các lãnh sự quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Trong một phiên điều trần năm 2002 của quốc hội, một số thị trưởng thành phố lúc bấy giờ của Hoa Kỳ, bao gồm Baltimore, Westland, Houston, San Francisco, Saratoga và Seattle – đã bị lãnh sự quán Trung quốc tại khu vực của họ gây áp lực, khiến họ không thể đưa ra các tuyên bố ủng hộ Pháp Luân Công, hoặc hủy bỏ những gì đã đưa ra trước đó. Một số thị trưởng đã hủy bỏ những lời tuyên bố ủng hộ Pháp Luân Công.

Gần đây hơn, một vụ việc đã xảy ra vào hồi tháng 08/2017, khi ủy ban tư pháp Thượng viện bang California thống nhất thông qua nghị quyết lên án ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài ngày, các nhà lập pháp đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác để trao lại hành động pháp lý này cho ủy ban lập pháp, ngăn không cho nghị quyết được đưa vào một cuộc bỏ phiếu sàn.

Sự kiện này có liên quan đến một bức thư đe dọa mà Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco đã gửi cho từng thành viên của Thượng viện bang California. Trong thư, lãnh sự quán tuyên bố rằng, nghị quyết này có thể “gây tổn hại sâu sắc đến quan hệ đối tác giữa bang California và Trung Quốc” trong các lĩnh vực như thương mại và du lịch.

Đến cuối cùng, nghị quyết về Pháp Luân Công không bao giờ được đưa ra thượng viện để được bỏ phiếu thông qua.

Thủ đoạn

Trích dẫn các bình luận trước đây của ông Hách Phượng Quân (Hao Fengjun), một cựu quan chức của Phòng 610, người đã đào tẩu khỏi Trung Quốc vào năm 2005 và xin tị nạn chính trị ở Australia, báo cáo nêu rõ rằng, một mạng lưới mật vụ Trung Quốc tương tự đang nhắm vào cộng đồng Pháp Luân Công ở Canada.

Tại thời điểm đó, ông Hách cho biết, có hơn 1.000 gián điệp ở Canada được giao nhiệm vụ do thám các học viên Pháp Luân Công địa phương. Theo như báo cáo, trong số các gián điệp này có cả các công dân, doanh nhân và sinh viên Canada gốc Hoa, và nhóm người này hoạt động chủ yếu tập trung ở Vancouver và Toronto.

Theo báo cáo, cũng tại Canada, được biết ĐCSTQ đã triển khai một thủ đoạn khác để vu khống Pháp Luân Công: cho người đóng giả là tín đồ của môn tu luyện này và gửi email lăng mạ, đôi lúc lại đe dọa các quan chức chính phủ.

Tổ chức Ân xá Quốc tế Canada và Liên minh Nhân quyền Canada tại Trung Quốc đã đề cập đến thủ đoạn này trong báo cáo năm 2020 của mình, nhận định đây là dấu ấn của chiến dịch của ĐCSTQ ở hải ngoại, nhằm chống lại các học viên Pháp Luân Công, được ngụy tạo để “làm bôi nhọ thanh danh của Pháp Luân Công” cũng như “làm tổn hại mối quan hệ của họ với những người nhận được các email này.”

Báo cáo năm 2020 đã nêu danh tính hai chính trị gia Canada đã nhận được những email giả mạo này – đó là ông Judy Sgro và ông Peter Julian.

“Giới chức chính phủ các cấp tại nhiều quốc gia đã bị các email giả mạo là những người tự xưng là học viên Pháp Luân Công nhắm mục tiêu nhiều lần và một cách có hệ thống. Những email giả mạo này thường có biểu hiện cuồng tín, phi lý và thô lỗ, tạo ra tính hợp lý cho những tuyên bố của chính quyền Trung Quốc rằng Pháp Luân Công là một mối đe dọa lớn đối với xã hội”, báo cáo viện dẫn lời của một thành viên giấu tên của Hiệp hội Pháp Luân Công Canada.

Tại Argentina, các mật vụ của ĐCSTQ đã thực hiện một thủ đoạn khác nhằm mục đích làm hoen ố thanh danh của Pháp Luân Công: lôi kéo các kênh truyền thông đưa tin về các nội dung phỉ báng môn tu luyện này.

Báo cáo cũng viện dẫn một sự cố xảy ra vào năm 2020, khi một nhà môi giới, được cho là có quan hệ với ĐCSTQ, đã đề nghị trả 20.000 peso (khoảng 310 USD) cho một biên tập viên của một hãng truyền thông quy mô nhỏ, để đổi lấy việc xuất bản một bài báo phỉ báng Pháp Luân Công. Cũng nhà môi giới này, đã nỗ lực để các hãng truyền thông địa phương lớn hơn, bao gồm cả trang tin Infobae, El Cronista Comercial và Diario Popular, đều xuất bản cùng một bài báo.

Khải Anh

Theo The Epoch Times tiếng Anh

Bài Liên Quan

Leave a Comment