Cuộc đào thoát ly kỳ khỏi Afghanistan của người từng cứu ông Joe Biden

Cuộc đào thoát ly kỳ khỏi Afghanistan của người từng cứu ông Joe Biden

October 12, 2021

\"\"

Một thông dịch viên Afghanistan, người đã giúp cứu hộ ông Joe Biden và hai thượng nghị sĩ đồng viện 13 năm trước, đã được đưa ra khỏi đất nước Nam Á sau nhiều tuần lễ lẩn trốn và một cuộc đào thoát ly kỳ với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức và cá nhân cựu chiến binh Mỹ.

Ông Aman Khalili, cùng với vợ và năm đứa con, đã từ Afghanistan vượt biên sang Pakistan tuần trước trong đoàn những người dân Afghanistan chạy trốn sự cai trị của Taliban.

Năm 2008, hai chiếc trực thăng Blackhawk đưa Tổng thống Joe Biden – khi ấy còn là thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Delaware trong Thượng Viện Hoa Kỳ cùng với các Thượng nghị sĩ John Kerry (Dân Chủ – Massachusetts), Chuck Hagel (Cộng Hòa – Nebraska) – đi công cán ở Afghanistan thì gặp bão tuyết và phải hạ cánh khẩn cấp trong một thung lũng nằm trong tầm bắn của lực lượng Taliban. Ông Aman Khalili cùng với đội cứu hộ của mình đã giúp họ thoát hiểm.

Khi Taliban giành được quyền kiểm soát Afghanistan vào giữa tháng Tám, những người từng cộng tác với người Mỹ phải di tản vì bị đe dọa trả thù, nhưng ông Khalili đã không thể ra đi cùng với hàng ngàn người khác. Khi những binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan hôm 31 tháng Tám, ông Khalili trong cơn tuyệt vọng đã liên lạc với báo The Wall Street Journal và gửi lời khẩn cầu trực tiếp tới Tổng thống Joe Biden: “Xin chào Tổng thống: Hãy cứu tôi và gia đình tôi. Đừng bỏ quên tôi ở đây”.

Khi câu chuyện của ông Khalili được đăng lên báo, các cựu chiến binh Mỹ từng làm việc với ông ở Afghanistan quyết định giúp ông đào thoát. “Aman đã giúp tôi và những người Mỹ khác được an toàn ở Afghanistan và chúng tôi muốn trả ơn ông ấy. Ông ấy là một ân nhân,” Brian Genthe, một cựu chiến binh có huân chương Purple Heart, hiện làm việc trong lực lượng Vệ binh Quốc gia Arizona, nói.

Ngoài các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, còn có nhiều tổ chức và cá nhân ghi danh hỗ trợ cuộc giải cứu gia đình người thông dịch viên Afghanistan. Cuối cùng sự hợp tác giữa một nhóm thiện nguyện do một thông dịch viên người Mỹ gốc Afghanistan từng làm việc cho các lực lượng đặc nhiệm Mỹ với các cựu chiến binh ở Arizona đã hoàn thành được một chiến dịch di tản bằng đường bộ, đưa gia đình ông Khalili rời khỏi Afghanistan an toàn. “Sau 144 tiếng đồng hồ đi ngày đi đêm, qua rất nhiều trạm kiểm soát thiếu điều muốn đứng tim, thì đây đã là cửa thiên đường. Afghanistan là địa ngục,” ông Khalili nói khi cả nhà đặt chân tới đất Pakistan tuần trước.

\"\"
Người Afghanistan từng cộng tác với Hoa Kỳ chen chúc nộp hồ sơ xin thị thực định cư ở Hoa Kỳ theo chương trình đặc biệt (SIV) để tránh sự trả thù khi Taliban chiếm được quyền lực. Ảnh Paula Bronstein/Getty Images

Ông Khalili bắt đầu làm việc cho người Mỹ năm 2001, ngay sau khi Mỹ lật đổ chính quyền Taliban, làm thông dịch viên ở căn cứ không quân Bagram Airfield và cho nhiều nhà thầu quân sự Mỹ. Khi người Mỹ rút đi, ông đã nộp đơn xin thị thực di dân đặc biệt (special immigrant visa – SIV) – loại thị thực dành cho những người cộng tác với quân đội Hoa Kỳ – nhưng đơn của ông bị từ chối năm 2016 vì có sự hiểu lầm ở nhà thầu mà ông làm việc.

Cựu chiến binh Brian Genthe đã vào cuộc, giúp ông Khalili ra đi cùng với những người Mỹ và người Afghanistan cộng tác với Mỹ, khi quân đội Mỹ rút quân. Nhưng tại cổng phi trường Kabul hồi cuối tháng Tám, ông được thông báo rằng bản thân ông có thể ra đi, còn vợ con của ông thì không, mà Khalili thì chỉ muốn ra đi cùng với cả gia đình.

Thế là ông Khalili phải lẩn trốn. Các cựu chiến binh Mỹ liên lạc với những nguồn tin tại Afghanistan tìm cho gia đình ông một nơi trú ẩn an toàn (safe house). Một nhà thầu tư nhân nói họ có thể đưa gia đình ông tới nhà an toàn với chi phí $11,000, cộng thêm $900 cho mỗi ngày đêm tạm trú và $11,000 nữa để đưa gia đình này ra phi trường khi đến thời điểm di tản. Một nhà từ thiện người Mỹ đã thực hiện được nhiều cuộc di tản thành công trong bảy tuần lễ trước đó, ông Amed Khan, cho biết ông có thể đưa gia đình Khalili tới nhà an toàn ở Kabul miễn phí trong khi tiếp tục tính kế hoạch thoát thân.

Các cựu chiến binh nhận được rất nhiều đề nghị giúp đỡ mà không biết đề nghị nào tin cậy được. Ukraine đề nghị thực hiện chiến dịch giải cứu đặc biệt nếu hoàn cảnh cho phép. Một số nhà lập pháp Mỹ cố đưa gia đình Khalili lên máy bay di tản tới Qatar. Erik Prince, người sáng lập nhà thầu quân sự Mỹ nổi tiếng Blackwater, đề nghị thực hiện một chiến dịch bí mật đưa gia đình Khalili khỏi Afghanistan. Nhóm của Glenn Beck, một bình luận viên bảo thủ, đã thuê máy bay đưa một số tín đồ Thiên Chúa giáo và những người Afghanistan gặp nguy hiểm ra đi vào cuối tháng Tám, cũng cố gắng đưa gia đình Khalili tới nơi an toàn.

Nhưng trở ngại lớn nhất là vợ và bốn trong năm đứa con của ông Khalili không có hộ chiếu (passport) nên không thể ra khỏi nước.

Trong nhiều tuần lẩn trốn và chờ đợi niềm hy vọng cứ bùng lên rồi tan biến, thay bằng nỗi thất vọng não nề. Các kế hoạch giải cứu đặt ra rồi hủy bỏ. Ông Khalili càng ngày càng tuyệt vọng khi nghe tin Taliban đi khắp Kabul, lùng sục từng nhà để tìm những người từng cộng tác với Mỹ như ông.

Sau nhiều lần thất bại, nhóm cựu chiến binh Arizona quyết định nhờ đội của Glenn Beck đưa gia đình Khalili tới phi trường Mazar-e-Sharif, nơi có hàng ngàn người Afghanistan khác đang chờ di tản trên những chuyến máy bay thuê mà chưa được Taliban cho phép. Tuy nhiên, nhóm này không thể đưa gia đình Khalili ra đi bằng máy bay, lúc thì do thời tiết xấu, lúc thì do Taliban không cho phép máy bay cất cánh, cũng có lúc do ông Khalili không chịu ra đi một mình, không kèm vợ con.

Các cựu chiến binh đã phải liên hệ với nhiều nhóm khác nhau, kể cả nhóm Human First Coalition – một quỹ phi lợi nhuận do Safi Rauf, một người Mỹ gốc Afghanistan, cũng từng là thông dịch viên cho lực lượng Mỹ tại đó, phụ trách. Nhóm này đã từng đưa được 6,700 người, trong đó có hơn 1,000 người Mỹ, ra đi an toàn, tính từ lúc Taliban chiếm được Kabul hồi giữa tháng Tám. “Khi đến với chúng tôi, họ đã mất hết hy vọng. Chúng tôi hứa với họ nếu họ giúp mang lại dân chủ cho Afghanistan và công lý cho người Mỹ thì chúng tôi sẽ không bỏ họ lại phía sau. Tôi tin rằng chúng tôi nợ những người Afghanistan này một cuộc sống xứng đáng,” ông Rauf nói và cam kết với các cựu binh Arizona họ sẽ đưa gia đình Khalili đi đường bộ tới Pakistan. Nhóm cựu chiến binh Arizona cho rằng, cách di tản này quá nguy hiểm và rủi ro nhưng họ không có lựa chọn nào khác.

Đội của Human First Coalition đã đón gia đình Khalili ở miền bắc Afghanistan và chở họ đi hai ngày trên quãng đường 600 dặm, vượt qua vô số bót gác, trạm kiểm soát, hết sức nguy hiểm. Đến ngày 5 tháng Mười, sau nhiều tuần lẩn trốn và tuyệt vọng, gia đình Khalili đã ra khỏi Afghanistan.

Các cựu chiến binh tham gia cuộc giải cứu gia đình Khalili nói rằng chính quyền Biden đã không làm đủ để giúp di tản gia đình người thông dịch viên và vô số những người Afghanistan còn bị kẹt, nhưng các quan chức chính phủ nói họ bị Taliban cản trở. “Trong thực tế, việc làm của chính phủ có nhiều hạn chế so với tư nhân,” một quan chức trong chính phủ Mỹ nói.

Tổng thống Joe Biden thường xuyên được báo cáo về trường hợp của Khalili và đã yêu cầu bà Suzy George, Chánh văn phòng của Ngoại trưởng Antony Blinken, theo dõi trường hợp này. Bà George đã giúp đẩy nhanh việc cấp visa định cư đặc biệt (SIV) và những giấy tờ cần thiết khác để gia đình Khalili có thể định cư tại Mỹ.

Gia đình Khalili đặt chân tới Pakistan đúng lúc Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman có chuyến công cán hai ngày tới nước này. Bà Sherman đã yêu cầu và được chính phủ Pakistan chấp nhận cho gia đình Khalili được lên phi cơ quân sự Mỹ bay tới Doha vào hôm nay thứ Hai 11 tháng Mười, các quan chức Mỹ cho biết.

Ông Khalili nói ông rất biết ơn mọi người, nhất là các cựu chiến binh Mỹ tại Arizona, đã giúp đưa gia đình ông tới nơi an toàn. “Nếu có cơ hội, tôi sẽ đến chào Tổng thống và cảm ơn ông về sự hỗ trợ. Chúng tôi rất biết ơn nước Mỹ đã hoàn thành lời hứa của mình,” ông Khalili nói.

(theo WSJ)

Bài Liên Quan

Leave a Comment