Liên Hiệp Châu Âu « sẽ bắt đầu sụp đổ » nếu không phản ứng trước quyết định của Ba Lan

Liên Hiệp Châu Âu « sẽ bắt đầu sụp đổ » nếu không phản ứng trước quyết định của Ba Lan

Đăng ngày: 12/10/2021

\"Biểu
Biểu tình khẳng định Ba Lan luôn là thành viên EU, Vac-xa-va, ngày 10/10/2021. AP – Czarek Sokolowski

Thụy My

Liên Hiệp Châu Âu (EU) « sẽ bắt đầu sụp đổ » nếu không phản đối quyết định của Tòa Bảo Hiến Ba Lan, đặt luật pháp quốc gia lên trên các quy định của châu Âu. Reuters hôm nay 12/10/2021 dẫn lời một ủy viên châu Âu khẳng định như trên.

Bà Vera Jourova, phụ trách về các giá trị và tính minh bạch của EU tuyên bố, nếu không tôn trọng các nguyên tắc của Liên Hiệp, theo đó các quy định phải được tuân thủ như nhau trên toàn châu Âu, thì Liên Hiệp Châu Âu sẽ bắt đầu sụp đổ. Do vậy, cần phản ứng trước một chương mới mà Tòa Bảo Hiến Ba Lan bắt đầu vạch ra.

Từ khi đảng Luật Pháp và Công Lý (PiS) lên cầm quyền tại Ba Lan năm 2015, nhiều nước phương Tây cáo buộc chính quyền nước này hạn chế độc lập tư pháp và báo chí, vi phạm quyền của phụ nữ, di dân và người đồng tính. Thủ tướng Mateusz Morawiecki hôm qua bác bỏ khả năng Ba Lan ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Theo tổ chức thẩm định khả năng tài chính Moody’s, từ khi gia nhập EU năm 2004, Ba Lan hàng năm nhận được số tiền tài trợ tương đương 2% GDP quốc gia, và tỉ lệ này lên đến 3,2% trong tài khóa 2021-2027. Trong kế hoạch tái thúc đẩy EU, Ba Lan có thể được tài trợ 23 tỉ euro và được vay 34 tỉ euro với lãi suất thấp.

Tài trợ của EU : Ba Lan, Hungary kiện lên Tòa Công lý châu Âu

Do trùng hợp tình cờ, sau cuộc biểu tình trên 100.000 người ở Ba Lan ủng hộ việc ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, Tòa án Công lý châu Âu tại Luxembourg từ hôm qua 11/10/2021 bắt đầu xem xét vấn đề gắn kết tài trợ với việc tôn trọng Nhà nước pháp quyền.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Bénazet giải thích :

« Kể từ năm nay, các quỹ của châu Âu trên lý thuyết sẽ ngưng tài trợ nếu quốc gia thụ hưởng không tôn trọng Nhà nước pháp quyền, ngôn ngữ chuyên môn gọi là « có điều kiện ». Tuy nhiên điều kiện này vẫn chưa được áp dụng.

Cơ chế trên đây được lập ra vào tháng 7/2020, nhân thỏa thuận giữa 27 nước thành viên về ngân sách Liên Hiệp Châu Âu và kế hoạch tái thúc đẩy. Ba Lan và Hungary phản đối cơ chế, nhưng rốt cuộc đã chấp nhận ngân sách cũng như kế hoạch tái thúc đẩy, sau bốn ngày họp thượng đỉnh kéo dài. Đổi lại, hai nước được thỏa mãn đòi hỏi, là cơ chế chỉ có thể áp dụng nếu Tòa án Công lý châu Âu bật đèn xanh.

Đây chính là lý lẽ mà Ba Lan và Hungary đưa ra trước các thẩm phán châu Âu. Theo hai nước này, không có gì bảo đảm rằng điều kiện đặt ra là khách quan và công bằng, và yêu cầu Tòa án xem xét có phù hợp với hiệp ước châu Âu hay không.

Trong khi chờ đợi, từ ngày đầu tháng Giêng, Ủy Ban Châu Âu ghi nhận tất cả những vi phạm có thể xảy ra, chẳng hạn về tính độc lập của tư pháp hoặc truyền thông. Bởi vì nếu các thẩm phán châu Âu chấp thuận, cơ chế sẽ được áp dụng đối với tất cả số tiền đã được chuyển vào ngân sách ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment