Từ sát thủ sư tử trở thành người hộ vệ tận tâm
- Anthony Ham
- BBC Travel
42 phút trước
Meiteranga Kamunu Saitoti từng mơ giết được nhiều sư tử.
Khi còn là một đứa trẻ lớn lên ở ngay giữa Maasai ở miền nam Kenya, sư tử có ở khắp nơi.
Công viên quốc gia Amboseli, nổi tiếng với loài voi, loài sư tử và tầm nhìn ra núi Kilimanjaro, không xa lắm về phía nam. Sư tử và các loài khác di chuyển tự do trong công viên không có rào chắn và đất cộng đồng Maasai nơi Saitoti sinh sống.
Sống cùng sư tử
Đất cộng đồng Maasai, còn được gọi là trang trại tập thể, gần công viên quốc gia về địa lý, nhưng lại khác một trời một vực.
Bên trong Amboseli, những con voi đắm mình trong đầm lầy xanh thẳm, những con thú họ mèo và linh cẩu rình rập linh dương đầu bò, trâu rừng.
Ở nơi xa công viên, những con sư tử rình rập chơi trốn tìm với mục đồng Maasai và đàn gia súc của họ trên đồng bằng nghèo khó, nơi sẽ biến thành bụi khi trời hạn hán và bùn lầy lội sau những cơn mưa.
Điều này vẫn là thực tế ở đa phần các vùng nông thôn châu Phi. Sư tử và những loài săn mồi khác sống bên cạnh con người, không phải bên trong rào chắn, và cuộc sống thực sự là khó khăn, cả với người lẫn sư tử.
Người Maasai và sư tử chung sống trên vùng đất này trong nhiều thế kỷ. Người Maasai nhìn nhận bản thân như họ nhìn nhận sư tử – cao quý, vượt trội và ghê gớm.
Hơn thế nữa, sư tử luôn là thước đo cuối cùng cho lòng dũng cảm của chiến binh Maasai. Trong một nghi thức trưởng thành mà tiếng Maasai gọi là olamaiyo, khi một chàng trai đến tuổi trưởng thành, anh ta chứng minh mình sẵn sàng trở thành chiến binh bằng cách giết một con sư tử.
Khi Saitoti còn nhỏ, người thân trong gia đình đã kể cho cậu nghe những câu chuyện về những chuyến săn sư tử và những cuộc chạm trán gần với loài thú săn mồi này. Cậu bé ngày đó được trông đợi rất nhiều: chỉ riêng trong gia đình cậu, cha và những người chú cộng lại đã giết chết 15 con sư tử.
Saitoti giết chết con sư tử đầu tiên khi mới 19 tuổi, khi đó anh rình sư tử cái qua bụi cây cùng một nhóm các chiến binh tương lai, sau đó dùng mác đâm nó ở cự ly gần. Hai con sư tử con của nó trốn thoát vào bụi rậm.
Giết sư tử như thế không phải là vô cớ. Những cuộc săn sư tử của người Maasai là trận đấu sanh tử giữa hai đối thủ oai hùng.
Đó không phải là săn chiến lợi phẩm vốn thường có cái gọi là thợ săn giải trí núp ở một chỗ an toàn chờ cho sư tử đến dính mồi, sau đó dùng vũ khí sát thương mạnh bắn nó.
Dùng giáo mác giết sư tử trong cuộc đấu tay đôi đòi hỏi tinh thần can đảm vô cùng. Các vụ săn sư tử của người Maasai cũng tương đối hiếm, và nghi lễ giết sư tử ở tuổi trưởng thành này có tác động ít đến số lượng sư tử nói chung.
Tận diệt sư tử
Trong những năm sau khi giết con sư tử đầu tiên, Saitoti đã giết thêm bốn con nữa.
Ông là một trong những người săn sư tử giỏi nhất trong thế hệ của mình, là người hùng trong mắt người dân. Người Maasai đơn giản là không thể hình dung ra họ có thể sống trong một thế giới không có sư tử, và họ cũng không hề muốn điều đó.
\”Nếu không còn sư tử ở Maasailand, sẽ có nghĩa là có chuyện xấu gì đó,\” Saitoti nói. \”Tiếng gầm sư tử là dấu hiệu của hạnh phúc và may mắn trong thiên nhiên hoang dã.\”
Dân số con người ở vùng lòng chảo Amboseli đã tăng nhanh trong nhiều thập kỷ, và vào năm 2006, tình thế là chỉ còn 100 con sư tử ở Amboseli sống bên cạnh 35.000 người Maasai và hai triệu gia súc.
Khi sư tử và con mồi của chúng không còn đất sống, sư tử bắt đầu giết gia súc hơn bao giờ hết, và dân Maasai bắt đầu giết sư tử, không phải là để thực hiện nghi thức trưởng thành mà để trả thù.
Năm 2006, người Maasai đã đâm chết hoặc đầu độc 42 con sư tử. Đó là thay đổi văn hóa cơ bản, điều đe dọa quét sạch sư tử ở Amboseli.
\”Đã từng có rất nhiều sư tử hồi tôi còn nhỏ,\” Saitoti nói sau đó vài năm. \”Chúng tôi gần như diệt sạch chúng.\”
Tuy nhiên, vào lúc đó, Saitoti không có linh tính gì về về bối cảnh chung.
Sau khi giết được con sư tử thứ tư vào năm 2006, Saitoti đã bị bắt, bỏ tù một thời gian ngắn và bị phạt 70.000 shilling Kenya (khonagr 465 bảng Anh); mặc dù việc giết sư tử cũng như tất cả các hình thức săn bắn khác đã bị coi là bất hợp pháp ở Kenya kể từ năm 1977.
Không lâu sau khi Saitoti ra tù, một số con bò của ông mất tích. Tin rằng chúng bị sư tử bắt, ông bắt đầu đuổi theo, dõi theo hai con sư tử xuyên bụi rậm. Vài giờ sau, ông rón rén đến gần một con sư tử đực đang ngủ ở khoảng cách 1 hay 2 mét và dùng lao đâm xuyên ngực nó.
Để tìm bằng chứng về việc sư tử đã giết bò của mình, Saitoti đã mổ bụng nó. Không có gì trong đó.
Đột nhiên thất thần trước sự vô ích của việc giết một con sư tử vô tội, Saitoti nói với những trai tráng Maasai khác đi cùng ông rằng không có gì để ăn mừng.
Mặc dù bờm và đuôi sư tử là những chiến lợi phẩm quan trọng và mang lại uy tín lớn cho người giết sư tử, ông đã ném xác sư tử vào bụi rậm và lê bước về nhà trong im lặng.
Những tháng sau đó rất khó khăn với Saitoti. Ông thui thủi một mình. Khi các chiến binh trẻ khác lên đường săn sư tử, ông ở nhà.
Việc ông từ chối đi cùng họ nhanh chóng trở nên rõ ràng. Những người khác bắt đầu chế nhạo ông. Họ gọi ông là đồ hèn. Nó khiến ông đau nhói, nhưng ông vẫn kiên quyết: ông biết mình đã giết con sư tử cuối cùng trong đời.
Người hộ vệ sư tử
Chính trong thời gian này, Saitoti đã nghe về chương trình bảo tồn đã bắt đầu hoạt động trong khu vực. Có tên là \’Những người hộ vệ sư tử\’, tiền đề của nó rất đơn giản: các chiến binh Maasai trẻ từng giết sư tử trở thành người bảo vệ cả sư tử lẫn cộng đồng Maasai.
Ông đã đi phỏng vấn.
Nằm trong chương trình, dân Maasai địa phương đã làm việc với hai nhà bảo tồn người Mỹ, Tiến sĩ Leela Hazzah và Tiến sĩ Stephanie Dolrenry.
Nhiều năm sau, Dolrenry nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ với Saitoti.
\”Chúng tôi còn lạ lẫm với vùng đất này khi chúng tôi mới đến và khi đó đã phỏng vấn Meiteranga. Ông ấy bước vào và ông ấy rất nghiêm túc. Leela phấn khích – \’Ông ta là sát thủ sư tử, ông ta là sát thủ,\’\” bà thì thầm, nhắc đến ánh mắt và cử chỉ đanh thép của ông.
Cả hai biết thành công của chương trình phụ thuộc vào việc có được một chiến binh và sát thủ sư tử được tôn vinh như Saitoti để đi đầu.
Không cần mất công thuyết phục, và ông đã sớm theo dõi sư tử với tư cách người bảo vệ chúng.
Những chiến binh như Saitoti đã từng thể hiện chuyên môn theo dõi sư tử để giết chúng.
Là người hộ vệ sư tử, họ theo dõi bò bị mất và thậm chí cả những mục đồng bị mất phương hướng trong lùm bụi, và cảnh báo người khác tránh những khu vực có sư tử.
Ở nơi mà các chiến binh từng giết sư tử để chứng tỏ họ sẵn sàng bảo vệ cộng đồng, bây giờ họ cũng làm vậy nhưng bằng cách giữ gia súc và người chăn tránh xa sư tử.
Và ở nơi trước đây trai tráng Maasai thể hiện lòng can đảm bằng cách giết sư tử, bây giờ họ thể hiện lòng can đảm bằng cách ngăn không để đồng bào họ lên đường săn sư tử.
\”Chặn săn sư tử khó hơn nhiều đối mặt với sư tử,\” Saitoti nói, với kinh nghiệm trong cả hai việc.
Trong lần đột kích đầu tiên với tư cách người hộ vệ sư tử trong Khu bảo tồn Selenkay, trang trại tập thể Maasai ở bắc Công viên quốc gia Amboseli, Saitoti bắt đầu theo dõi một con sư tử cái.
Lúc đầu, không ai hiểu tại sao con sư tử này nhất định là con đầu tiên ông theo dõi. Một đêm nọ, ông và Dolrenry phóng phi tiêu vào nó, đeo vòng cổ radio cho nó sau đó thả nó đi.
Hồi sinh
\”Theo truyền thống, khi một chiến binh giết được con sư tử đầu tiên, họ được đặt một cái tên sư tử mà họ sẽ mang theo suốt đời,\” Hazzah giải thích.
Tên sư tử của Saitoti là Meiteranga, có nghĩa là \’con đầu tiên\’, và nó được đặt cho ông khi ông giết con sư tử đầu tiên trong đời.
\”Bây giờ họ dõi theo sư tử và nó trở thành của họ. Họ đặt tên cho sư tử. Đặt tên quan trọng hơn nhiều so với chúng ta hình dung. Giờ đây chúng ta thực sự thấy các cộng đồng Maasai tiếc thương sư tử, bởi vì mỗi con sư tử giờ có một cái tên và một câu chuyện.\”
Saitoti đặt tên con sư tử cái đó là Nosieki theo tên chỗ ông đeo vòng cổ cho nó. Nosieki, Saitoti sau đó nói với họ, là con sư tử con đã chạy khỏi nơi ông giết con sư tử đầu tiên, khi ông 19 tuổi. Ông đã giết mẹ của Nosieki. Giờ đây ông thề sẽ bảo vệ cho con nó.
\”Trước đây, tôi giết sư tử vì lý do truyền thống, để chứng tỏ rằng tôi là chiến binh,\” Saitoti nói khi được hỏi về quá trình chuyển từ giết sang bảo vệ sư tử. \”Nó đem lại uy tín lớn cho tôi. Lúc đó tình hình là như thế. Bây giờ khi cứu sư tử tôi cũng hài lòng như như khi tôi từng giết chúng.\”
Tác động của những người hộ vệ sư tử như Saitoti được thể hiện ngay lập tức.
Chương trình bắt đầu vào năm 2007 với chỉ năm người. Ở những nơi mà người hộ vệ sư tử làm việc bên cạnh các đối tác bảo tồn khác, việc giết sư tử đã chấm dứt.
Ở mọi nơi khác, các vụ giết hại sư tử vẫn tiếp tục không suy giảm. Chẳng hạn vào năm 2018, không một con sư tử nào bị giết ở các khu vực có người hộ vệ sư tử, so với 15 con ở các nơi gần đó.
Mật độ sư tử đã tăng gấp sáu lần trong những năm kể từ khi chương trình bảo vệ sư tử bắt đầu, tổng số cá thể sư tử đã tăng gấp ba lần và hơn 40 người hộ vệ hiện đang tuần tra trên gần 4.000 km2.
Một thập kỷ rưỡi sau khi bắt đầu làm công việc bảo vệ sư tử, Saitoti hiện đang trong chế độ bán hưu trí, chăm sóc đàn gia súc và truyền lại kiến thức cho thế hệ chiến binh mới. Kiến thức này, ông cho biết, bao gồm \’các tập quán văn hóa quan trọng như tôn trọng, ăn chung với người đồng lứa và bảo tồn thiên nhiên\’.
Là sát thủ sư tử một thời, ông và những người đồng nghiệp bảo vệ sư tử để lại di sản đáng nể, trở thành cứu tinh cả sư tử lẫn gia súc vốn nằm ở trung tâm của cuộc sống dân Maasai.
Trong quá trình này, họ đã thổi luồng sinh khí mới vào truyền thống của nền văn hóa cổ xưa vốn vẫn còn rất sống động.