Những động thái mới nhất của Taliban ở Afghanistan
Những thách thức đầu tiên của chính phủ lâm thời Afghanistan là giải quyết tình trạng thiếu lương thực và ổn định giá thực phẩm, nhiên liệu đang tăng phi mã tại nước này.
Trong thời gian dài, gỗ là một trong những nguồn cung cấp năng lượng chính của Afghanistan, nhưng gần đây nạn phá rừng bừa bãi kết hợp với biến đổi khí hậu đã khiến số lượng cây xanh bị giảm đáng kể.
Taliban cấm phá rừng và buôn lậu gỗ
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Chính phủ lâm thời Afghanistan Zabihullah Mujahid đã ban hành sắc lệnh cấm khai thác và buôn lậu gỗ tại nước này.
“Một nghị định của chính phủ đã thông qua quyết định về lệnh cấm phá rừng và buôn bán gỗ trái phép. Các cơ quan an ninh và chính quyền địa phương phải giám sát chặt chẽ những hành động này”, Taliban thông báo.
Từ lâu, gỗ đã là một trong những nguồn cung cấp năng lượng chính ở Afghanistan, nhưng nạn phá rừng không kiểm soát kết hợp với biến đổi khí hậu đã khiến số lượng cây xanh ở nước này giảm đáng kể và hậu quả là gây ô nhiễm môi trường.
Theo các chuyên gia quốc tế, chỉ tính riêng trong giai đoạn 1990 – 2005, tổng diện tích rừng trên lãnh thổ Afghanistan đã giảm 1/3.
Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), năm 2015, tổng diện tích rừng ở Afghanistan là 1,35 triệu ha, tương đương 2,1% lãnh thổ cả nước.
Gần đây, chính phủ cũ Afghanistan bị Taliban lật đổ, đã lên kế hoạch tăng diện tích rừng che phủ lên 1,9 triệu ha vào năm 2025, tức là bằng mức trước đó vào đầu những năm 2000. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch này vẫn còn nhiều nghi ngờ về tiến độ thực hiện.
Taliban cho phép phụ nữ trở lại các cơ sở y tế làm việc
“Đại diện của Taliban tại cuộc đàm phán ở Ankara nói rằng họ đã cho phép phụ nữ trong ngành y tế quay trở lại làm việc”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ với báo giới: “Chúng tôi đã đưa ra một số đề xuất với Taliban. Vì hòa bình, Afghanistan cần một chính phủ hòa nhập với sự tham gia của tất cả các nhóm dân cư. Chúng tôi được biết rằng phụ nữ Afghanistan đã trở lại ngành y tế làm việc”.
Sau 2 tháng Taliban nắm quyền ở Afghanistan đến nay đất nước Nam Á này vẫn chưa đi vào ổn định. (Ảnh: AP)
Ông Cavusoglu nói thêm rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tất cả các đề xuất với tư cách là một đối tác đàm phán bình đẳng, chứ không phải từ vị trí của “một nước lớn”.
Taliban dọa “chặn” một số hãng hàng không vì giá vé
Người phát ngôn của Taliban, ông Zabihullah Mujahid dẫn lời Bộ Hàng không và Giao thông Vận tải cho biết, các hãng hàng không tư nhân Kam Air và Pakistan International Airlines có thể bị “phong tỏa” ở Afghanistan nếu như không giảm giá vé máy bay xuống mức trước khi Taliban lên nắm quyền.
“Các hãng hàng không tư nhân Pakistan và Kam Air đã nhận được thông báo về việc giảm giá vé máy bay”, ông Mujahid nói.
Trước đó, vào đầu tháng 9, Taliban công bố các vị trí trong chính phủ lâm thời quản lý Afghanistan. Tuy nhiên, một số nhân vật được nêu danh lại đang nằm trong danh sách truy nã của chính phủ Mỹ.
Theo người phát ngôn Taliban, ông Mullah Mohammad Hassan Akhund, người đứng đầu hội đồng lãnh đạo Taliban, được bổ nhiệm làm Thủ tướng.
Trong khi đó, ông Mullah Abdul Ghani Baradar giữ chức Phó Thủ tướng. Ông Baradar từng là trợ lý cho cựu thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammed Omar – người từng ủng hộ Osama bin Laden dẫn đến việc Mỹ đưa quân vào Afghanistan sau vụ khủng bố 11/9/2001.
Người phát ngôn của Taliban cũng thông báo, ông Sirajuddin Haqqani là quyền Bộ trưởng Nội vụ. Mawlavi Yaqoob – con trai của cựu thủ lĩnh, người sáng lập Taliban, Mullah Omar – được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng.
Chính phủ mới tại Afghanistan sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức, bao gồm khả năng sụp đổ nền kinh tế khi các quốc gia và tổ chức nước ngoài cắt viện trợ, cũng như sự giám sát và áp lực từ cộng đồng quốc tế về hồ sơ nhân quyền.