Trạm dừng chân ở Đông Âu và Viễn ảnh đến Tây Âu cùng Nỗi sợ hồi hương
Nhân dịp tưởng niệm hai năm biến cố 39 người Việt, nhập cư bất hợp pháp vào Anh, bị thiệt mạng hồi tháng 10/2019, Đài RFA thực hiện loạt bài phóng sự như là một chứng tích của lịch sử Việt Nam hiện đại, ghi chép lại các cuộc hành trình của những ‘thùng nhân’ Việt đến Châu Âu.
Kể từ khi cuộc Chiến tranh Việt Nam chấm dứt hồi cuối tháng 4/1975, sau làn sóng hàng triệu người Việt liều mình vượt biển và mặc dù Hà Nội thực hiện Chính sách ‘Đổi mới’ từ đầu thập niên 80 của thế kỷ XX nhưng những dòng người Việt vẫn tiếp tục rời bỏ đất nước hình chữ ‘S’ với giấc mơ ‘đổi đời’. Trong đó, không ít người chọn cuộc hành trình đến ‘thiên đường’ Châu Âu cùng với những ước vọng mà họ phải trả một cái giá rất đắt bằng chính mạng sống của mình.
‘Thùng nhân’ Việt và giấc mơ đổi đời nơi trời Âu (Phần III)
Ukraine: Điểm trung chuyển ‘nhộn nhịp’ ở Đông Âu
Ukraine trong vài năm trở lại đây là một điểm trung chuyển của rất đông người Việt, trong hành trình tự chọn trở thành nạn nhân của nạn buôn người.
Ông Tuyên Nguyễn, một người Việt ở Kiev hơn ba thập niên qua, cho RFA biết điểm trung chuyển nhộn nhịp tại Ukraine là do biên giới nước này tiếp giáp với 7-8 quốc gia khác. Và mặc dù nhân viên công lực biên phòng của Ukraine kiểm tra khá ngặt nghèo, nhưng vẫn có tình trạng nhận hối lộ để cho người đi lậu lọt qua biên giới.
Vì từng làm công việc thiện nguyện giúp đỡ cho một số người Việt di dân bất hợp pháp bị kẹt lại ở Ukraine, do bị đường dây buôn người bỏ rơi, ông Tuyên Nguyễn được các nạn nhân buôn người cho biết khi họ qua biên giới của một nước trót lọt thì sẽ có người của đường dây đưa người tại quốc gia kế tiếp đón và dẫn đường.
“Tức là, mỗi nước có người trong đường dây chịu trách nhiệm cho một ‘mắt xích’.”
Bà Nguyễn Thị Hoa trong hai chuyến đi từ Việt Nam đến Ba Lan hồi năm 2005 và từ Ba Lan đến Anh quốc vào năm 2010, kể lại với RFA:
“Bị bắt ở Tiệp Khắc thì bị nhốt một ngày và một đêm, rồi được thả. Còn bị bắt ở Slovakia thì bị nhốt khoảng một tháng và được thả. Tôi không biết được Chính quyền Slovakia thả hay do đường dây ‘cẩu’ ra. Tôi cho là đường dây ‘cẩu’ ra, chứ chính quyền Slovaskia không tự dưng mà thả ra đâu.”
Tuy nhiên, không phải người Việt nào trong cuộc hành trình di dân bất hợp pháp đến Châu Âu đều được may mắn như bà Hoa. Không ít người sau khi bị chính quyền nước sở tại bắt giam, thì lại bị dịch vụ đưa người “đem con bỏ chợ”.
Thê lương nhất là vụ 39 người Việt bị tử nạn ở Essex, Vương quốc Anh hai năm trước.
Vào ngày 23/10/2019, lương tri thế giới bị chấn động trước thông tin một vụ tai nạn chết người của hàng chục di dân lậu vào Anh được phát hiện trong xe container đông lạnh.
Tất cả họ, không lâu sau đó, được cơ quan chức năng của Anh xác nhận đều là công dân Việt Nam và con số thiệt mạng lên đến 39 người.
39 người Việt đã vượt 6.000 dặm (tương đương khoảng 9.656 km) từ quê nhà, ở khu vực Bắc Trung bộ-Việt Nam đến ‘thiên đường’ Anh quốc cùng những ước vọng cho một tương lai tươi sáng hơn. Thế nhưng, không ai trong số đó có thể hình dung được họ lại cùng chung số phận là nạn nhân buôn người, phải trả cái giá bằng mạng sống của mình và được đưa về cố hương trong những chiếc quan tài lạnh giá.
Công luận trên toàn cầu lên án gay gắt đối với tệ nạn buôn người ngày càng tinh vi và vô lương tâm, sau biến cố 39 ‘thùng nhân’ Việt bị tử nạn ở Anh. Đặc biệt, cộng đồng người Việt khắp năm châu tự vấn liệu rằng làn sóng ‘thùng nhân’ Việt có còn mộng ước đến ‘thiên đường’ Anh quốc nữa không, hay các cuộc hành trình vượt biên đến Châu Âu trở thành ‘địa ngục’ sau vụ việc chết người kinh hoàng đó.
Ông Tuyên Nguyễn trả lời cho vấn đề vừa nêu với RFA:
“Vẫn đi đấy. Đường dây đưa người Việt Nam đưa tiền cho cảnh sát công lực để thả người. Thả ra thì người ta đón về, rồi một vài hôm sau lại đi tiếp. Tại vì khi nào đưa người đi được thành công thì mới thu tiền từ người nhà của họ. Cho nên, bằng mọi cách phải đưa được sang Châu Âu hay sau đó sang Anh…Thường xuyên, cảnh sát địa phương cứ vài ba hôm bắt một vụ hay vài ba tuần lại bắt vụ khác. Cứ liên tục như thế mà.
Đường dây của người Việt đưa người đi sẽ tìm cách đút lót cho cảnh sát công lực. Bởi vì như thế cảnh sát cũng được rảnh tay. Thứ nhất, người ta không có tiền để mua vé cho trục xuất. Thứ hai, ra tòa phải nọ kia, rất phức tạp chứ không chỉ đơn giản là trục xuất về Việt Nam. Thứ ba, phải có tiền kinh phí cho những việc như thế.”
Ông Tuyên Nguyễn chia sẻ rằng những người Việt di dân bất hợp pháp không muốn dừng chân ở Ukraine. Bởi vì, công việc làm ăn của người Việt ở đây không còn thuận lợi như thời gian trước khi xảy ra chiến tranh với Nga.
Theo nhận xét của ông Tuyên Nguyễn, trong bối cảnh kinh tế của Ukraine khó khăn, cho nên những người Việt di dân lậu khó có thể tìm được cơ hội để trụ lại và kiếm kế sinh nhai cũng như dành dụm tiền trả cho chi phí của chuyến đi vượt biên của họ.
Khi Đài RFA đề cập vấn đề liên quan các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Ukraine trợ giúp cho những người Việt di dân bất hợp pháp, ông Tuyên Nguyễn cho biết:
“Nếu như trả những người đi lậu cho Đại sứ quán Việt Nam thì thông thường họ cũng không can thiệp. Bởi vì người ta không thể làm cho xuể được. Bởi vì quá nhiều và người ta lấy đâu ra kinh phí, tiền bạc để lo nỗi cho những người đó trở về quê hương.”
Nỗi lo sợ bị hồi hương
Bên cạnh Ukraine, Ba Lan cũng là một nơi cửa ngõ trung chuyển người Việt di dân bất hợp pháp trong vài thập niên qua.
Ở Ba Lan, không ít người Việt sinh sống và làm việc lậu bị đưa vào các trung tâm giam giữ người nước ngoài.
Điển hình, hồi cuối tháng 11/2016, Đài RFA tiếp nhận các cuộc điện thoại kêu cứu từ trại giam ở Ba Lan. Họ cho biết đang rất lo lắng trước thông tin sẽ bị trục xuất về nước.
Một người trong số này nói với chúng tôi rằng:
“Nghe nói có A18 sang trục xuất về Việt Nam. Đi làm ăn mà bị bắt vô đây cả năm trời, rồi bây giờ công an qua trục xuất về thì không biết làm sao.”
Qua ghi nhận của nhà báo Mạc Việt Hồng từ Ba Lan, thì chuyện trục xuất là có, thế nhưng khá hạn hữu, vì chính quyền nước này thực hiện chính sách ân xá cho người nước ngoài.
Mỗi đợt ân xá như thế có thể lên đến vài ngàn người, bao gồm cả người Việt Nam.
“Theo tôi đánh giá thì có hàng ngàn người Việt Nam trong những đợt ân xá đó. Có những người được ân xá trong đợt đầu tiên, bây giờ cũng có quốc tịch Ba Lan rồi. Tuy nhiên, cũng có những người tiếp tục đi đến các nước khác sinh sống và làm việc, chẳng hạn như Anh quốc. Mặc dù có quốc tịch Ba Lan, nhưng ở đâu có điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn hoặc dễ sống hơn thì họ đi.”
Tiếp tục đến Tây Âu, dù có giấy tờ hợp pháp ở Đông Âu.
Chủ biên trang tin Nhịp Cầu Thế Giới Online ở Hungary, nhà báo Nguyễn Hoàng Linh cho RFA biết số lượng người từ Việt Nam di dân sang Châu Âu ngày càng đông. Lý do là một số quốc gia ở Đông Âu nới lỏng chính sách nhập khẩu lao động nước ngoài, kể cả công việc phổ thông như ở Hungary chẳng hạn.
“Trong những năm vừa qua, đại đa số những người sang đây là sang một cách hợp pháp. Họ đều có đăng ký với một công ty và họ sang đây làm việc. Đương nhiên đồng lương họ nhận về từ công việc ở công xưởng hay nhà máy thì không bằng các nước khác.”
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, hồi đầu tháng 9/2021, dẫn nguồn từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động Việt Nam, cho biết trong bảy tháng đầu năm nay có đến hơn 41.000 lao động Việt xuất khẩu. Trong đó, các nước ở Đông Âu như Hungary, Romania…vẫn tăng tiếp nhận lao động Việt đều đặn, dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh tình trạng di dân của lao động Việt sang Tây Âu vẫn tiếp diễn.
“Họ đi như thế thì là hợp pháp, bởi vì họ có giấy tờ hợp pháp ở Liên Âu. Chỉ là họ làm việc ở các nước khác thì là làm chui thôi. Và đương nhiên đoạn đường từ Đức hay từ Pháp mà họ chạy sang Anh, là quốc gia đã ra khỏi Liên Âu, thì họ phải tìm đến đường dây đưa người theo kiểu này kiểu khác.
Vụ tai nạn 39 người chết ở Anh rất là khủng khiếp, nhưng theo tôi thì không có tác dụng gì mấy đâu. Người ta vẫn cứ đi.”
Đồng quan điểm, nhà báo Mạc Việt Hồng cũng lên tiếng rằng “con đường di cư của người Việt Nam đến Ba Lan phong phú hơn so với nhiều năm trước”.
“Trong những năm gần đây, thị trường lao động ở Ba Lan mở ra cho nên nhiều người đi bằng con đường chính thức sang bên này. Ví dụ, họ ghi danh lao động cho một hãng nào đó ở Ba Lan. Sau đó, họ bay thẳng từ Việt Nam qua Ba Lan để lao động. Thực sự cũng có người đến Ba Lan để làm công việc lao động. Nhưng có nhiều người chỉ lợi dụng cánh cửa đó thôi và sau đó thì họ bỏ việc và đi tiếp.”
Nhà báo Mạc Việt Hồng nhận định rằng biến cố 39 người Việt bị thiệt mạng ở Anh đã tác động đến làn sóng di cư của người Việt đến Châu Âu bị chững lại. Tuy nhiên, người Việt “không sợ lâu đâu và không bao lâu thì họ vẫn đi bình thường”.
Chấp nhận là nạn nhân của nạn buôn người và bị trở thành “nô lệ hiện đại”
Đài RFA được dịp trò chuyện với một vài người Việt đang sinh sống ở Pháp và làm việc bất hợp pháp tại Paris.
Một thanh niên trong nhóm chia sẻ về cuộc hành trình đến Tây Âu của mình.
Trước hết, thanh niên ẩn danh cho biết anh sang Romania theo diện xuất khẩu lao động cách đây hai năm.
“Ngày trước đi là hợp đồng với một công ty được phép xuất khẩu lao động. Bởi vì khi sang là có đầy đủ giấy tờ và có thời hạn đi và về. Hai bên thỏa thuận giá cả rồi đi. Đi qua theo hợp đồng của một công ty ở Hà Nội và họ ra một mức giá về đồng lương như thế. Tuy nhiên, mới đi xuất khẩu lao động lần đầu tiên, cho nên không biết thời gian làm việc 8-10 tiếng hay thế nào. Qua đến Romania thì phải làm việc 10 tiếng đồng hồ mà đồng lương vẫn y chang như thế.”
Bởi do đồng lương bị thấp và cảm thấy bị bóc lột sức lao động, nên cậu thanh niên này đã sang Đức. Làm việc bất hợp pháp tại Đức cũng không được khá hơn, tại vì “người Việt Nam sang đông quá và làm ăn rất khó”.
Thanh niên, không muốn nêu tên, cho biết thêm rằng anh tiếp tục sang Pháp. Anh cùng vài người bạn đồng hành làm công việc liên quan xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Bởi vì làm việc bất hợp pháp, nên thỉnh thoảng bị những người thuê mướn không trả tiền công.
Cậu thanh niên còn chia sẻ đang tìm hiểu thông tin đến Anh, nhưng cũng sơ sài và vẫn chưa có ý định qua Anh.
Nhóm lao động lậu ở Pháp mà chúng tôi tiếp xúc nói rằng trong các chuyến đi từ Đông Âu đến Tây Âu, họ đều chủ động tìm kiếm thông tin và liên lạc với tổ chức ‘dịch vụ’ đưa người di dân bất hợp pháp.
Anti-Slavery International (Tổ chức Chống Nô Lệ Quốc Tế) mô tả nạn buôn người là “một quá trình nô lệ hóa con người, ép buộc họ vào tình thế không có lối thoát và bóc lột họ”.
Tổ chức Chống Nô Lệ Quốc Tế cho rằng người ta có thể bị buôn bán bằng nhiều hình thức bóc lột khác nhau như cưỡng bức lao động, lao động giúp việc, cưỡng ép hôn nhân và mại dâm.
Số liệu ghi nhận trong Báo cáo Hàng năm của Anh về Nô lệ Hiện đại, phổ biến hồi năm 2019, cho thấy Việt Nam chiếm tỷ lệ cao với 315 người trong năm 2018. Trong đó, có đến 160 nam giới bị cưỡng bức lao động.
Trước đó, trong Báo cáo về Tệ nạn Buôn người năm 2018 của Hoa Kỳ, Việt Nam được ghi nhận là quốc gia chủ yếu có người lớn và trẻ em bị cưỡng bức tình dục và cưỡng bức lao động.
Tổ chức buôn người nói gì?
Sau thời gian gần năm tháng kiên trì thuyết phục, Đài RFA nhận được sự đồng ý của một thành viên thuộc một tổ chức đưa người di dân lậu từ Việt Nam sang Châu Âu cho biết một số thông tin liên quan, với điều kiện ẩn danh và trao đổi bằng văn bản.
Nhân vật này cho biết hầu hết ‘khách hàng’ chủ động liên lạc với tổ chức đưa người qua những người quen biết giới thiệu và trung bình chi phí phải trả cho ‘dịch vụ’ đưa một người từ Việt Nam sang Anh vào khoảng một tỷ đồng. Và khi ‘khách hàng’ đến nơi thì hợp đồng chấm dứt.
Thông tin Đài RFA được nhân vật này cung cấp là các chuyến đi được tổ chức rất chặt chẽ và kỹ lưỡng.
“Khách hàng được dặn dò từ khi còn ở nhà. Ra sân bay khi được hỏi thì trả lời như thế nào, ở sân bay và nhập cảnh vào nước trung gian cũng thế. Trong lúc đợi để vượt biên, người đi được hướng dẫn rất kỹ càng để họ không bị phát hiện là sẽ đi tiếp nước thứ ba-thứ tư. Người đi sẽ được dịch vụ lo từ A đến Z: đưa đón ở sân bay, ăn ở chờ dứt hợp đồng.
Tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp ngoại lệ, tức là người đi có thể bị bắt dọc đường và coi như hợp đồng không thành công và người đi chịu thiệt.”
Đa số ‘khách hàng’ được nói là chọn ‘dịch vụ’ theo giá ‘đi Cỏ’, chi phí thấp khoảng 2/3 so với giá ‘đi VIP’.
‘Đi Cỏ’ là đường dây đưa người mở trộm thùng xe tải ở các bãi xe gần biên giới giữa Pháp và Anh. Tài xế của xe không hề biết trong xe có người đi lậu.
Còn ‘đi VIP’ là được nhét vào những chỗ còn trống trên xe mà người tài xế biết rõ là đang chở người đi lậu vào Anh.
Thành viên của tổ chức đưa người xác nhận ‘khách hàng’ chủ yếu là những người rất khó khăn về tiền bạc và họ mong muốn với chuyến đi vượt biên như thế, họ sẽ có cơ hội thay đổi cuộc sống.
Bên cạnh đó, Anh quốc là điểm đến cuối cùng của cuộc hành trình di dân lậu bởi vì ‘khách hàng’ có niềm tin rằng họ sẽ “lao động và thu hồi vốn nhanh với giá trị đồng tiền Bảng Anh cao”. Đặc biệt là những người chọn công việc trồng cần sa, còn được gọi là ‘trồng cỏ’.
Nhân vật, thuộc tổ chức chức đưa người di dân bất hợp pháp từ Việt Nam đến Châu Âu, cho biết đã từng xảy ra tử vong lẻ tẻ hoặc nhóm vài người. Tuy nhiên, vụ việc 39 người Việt bị thiệt mạng ở Essex hồi tháng 10/2019 được ghi nhận là vụ tai nạn tập thể đông nhất đối với người Việt vượt biên vào Châu Âu.
Mặc dù vậy, nhân vật này khẳng định sau biến cố 39 người Việt tử nạn thì ‘khách hàng’ vẫn đi, tuy ít hơn vì những lý do khác nhau, kể cả bởi dịch COVID-19.
Trả lời thắc mắc mà Đài RFA nêu lên qua một số cáo buộc các đường dây buôn người Việt đến Châu Âu có sự tiếp tay của giới chức ngoại giao Việt Nam, cụ thể là Đại Sứ quán Việt Nam tại Nga; nhân vật này tiết lộ “tổ chức của mình không hợp tác hay hối lộ cho viên chức các cơ quan ngoại giao của Việt Nam. Bởi vì, Đại Sứ quán Việt Nam biết việc này lợi ít mà hại nhiều”.
Nhân vật này còn cho biết tổ chức của họ sẽ không tự hối lộ cho cảnh sát của các nước ở Châu Âu và chỉ dùng tiền để giải quyết khi có ‘khách hàng’ bị bắt. Đồng thời nhấn mạnh rằng:
“Đồng tiền luôn có sức mạnh riêng của nó, và những người Việt Nam làm dịch vụ đưa người di dân lậu đã biết lợi dụng điều này.”
Di dân lậu đến Tây Âu vẫn tiếp diễn sau biến cố 39 người Việt tử nạn
Với ghi nhận của các nhà báo gốc Việt tại Châu Âu thì những người Việt vẫn tiếp tục các chuyến đi với mơ ước đổi đời ở Tây Âu.
Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút tờ thoibao.de, ở Đức, xác nhận với RFA về tình hình người Việt di dân lậu sang các nước Tây Âu, nhất là ở Đức diễn ra như thế nào.
“Tóm lại cũng nhiều và dường như không ngừng đâu. Họ vẫn đi sang bằng cách này hay bằng cách nọ. Nhất là những người ở miền Trung, cứ một người kéo thêm hai, rồi hai người kéo thêm bốn. Họ kéo cả làng đi ấy mà, thanh niên trẻ đi hết. Không đi nước nọ thì sang nước kia.”
Mời quý vị theo dõi phần IV trong loạt bài phóng sự về ‘thùng nhân’ Việt ở Châu Âu, để tìm hiểu thực hư số phận của họ như thế nào khi bị trở thành nạn nhân của nạn buôn người và ‘nô lệ hiện đại’.
Theo RFA