“Khát” năng lượng không chịu nổi, Trung Quốc đành “cầu cứu” Mỹ: Cơ hội phục hồi có nguy cơ bị bóp nghẹt?

“Khát” năng lượng không chịu nổi, Trung Quốc đành “cầu cứu” Mỹ: Cơ hội phục hồi có nguy cơ bị bóp nghẹt?

Các công ty năng lượng lớn của Trung Quốc đang đàm phán với các nhà xuất khẩu Mỹ để đảm bảo nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dài hạn.

October 17, 2021

\"\"

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin, mới đây các công ty năng lượng lớn của Trung Quốc đang đàm phán với các nhà xuất khẩu Mỹ để đảm bảo nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dài hạn, trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao và tình trạng thiếu điện làm dấy lên ngày càng nhiều lo ngại về an ninh năng lượng tại Trung Quốc.

Cụ thể, theo Reuters, đã có ít nhất 5 công ty năng lượng lớn của Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec Corp), Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và các nhà phân phối năng lượng như Zhejiang Energy, đang tham gia đàm phán các hợp đồng dài hạn với các nhà xuất khẩu Mỹ.

Các cuộc đàm phán có thể mang lại các giao dịch trị giá hàng chục tỷ USD, mở đường cho Trung Quốc gia tăng nhập khẩu LNG từ Mỹ trong những năm tới. Trước đó, vào giai đoạn cao trào của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vào năm 2019, giao dịch khí đốt giữa 2 bên đã lâm vào bế tắc trong một thời gian ngắn.

Các cuộc đàm phán với các nhà cung cấp của Mỹ đã bắt đầu vào đầu năm nay nhưng đã tăng tốc trong những tháng gần đây, trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến cuộc khủng hoảng năng lượng dùng cho sản xuất điện và sưởi ấm lớn nhất trong nhiều thập kỷ tại Trung Quốc.

Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên ở châu Á đã tăng hơn 5 lần trong năm nay, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu điện vào mùa đông.

Một nguồn tin cấp cao trong ngành năng lượng tại Bắc Kinh nói với Reuters: “Các công ty phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung (cho mùa đông) và giá cả tăng cao.”

Một nguồn tin khác cũng tại Bắc Kinh cho biết: “Sau khi trải qua sự biến động lớn của thị trường gần đây, một công ty đã hối tiếc vì họ đã không ký kết hợp đồng mua đủ nguồn cung trong dài hạn.”

\"Khát

Hình ảnh minh họa: Reuters

“Cơn khát” năng lượng của Trung Quốc

Cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc ngày càng trầm trọng khi giá than tăng cao kỷ lục, giá khí đốt cũng tăng cao vì nhu cầu lúc thời tiết lạnh giá.

Vấn đề an ninh năng lượng đã được đưa lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự của chính phủ các nước châu Á và châu Âu khi tình trạng thiếu than và giá khí đốt tăng cao đã gây ra tình trạng mất điện, “bóp nghẹt” các nhà máy gia công, cung cấp linh kiện cho các thương hiệu lớn – và cũng làm chậm lại quá trình hồi sinh nền kinh tế toàn cầu giai đoạn dốc sức chống dịch COVID-19.

Để giải quyết khủng hoảng năng lượng trước mắt, Trung Quốc và nhiều nước khác đã buộc phải hy sinh cam kết chống biến đổi khí hậu và chuyển sang sử dụng than trong ngắn hạn. Bắc Kinh cũng đã thực thi một loạt các biện pháp nhằm kiềm chế tăng giá, bao gồm tăng sản lượng than trong nước và cắt giảm nguồn cung cho các ngành công nghiệp khát điện.

Các công ty năng lượng Trung Quốc nêu trên, và các công ty liên quan của Mỹ đã từ chối bình luận.

Nguồn tin thứ 3 của Reuters cho biết: “Hiện tại nguồn cung khí đốt của Mỹ có giá hấp dẫn nhất. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều thỏa thuận được ký kết trước cuối năm nay, động lực chủ yếu đến từ sự suy thoái năng lượng toàn cầu và giá cả leo thang như hiện nay”.

Nguồn cung khí đốt của Mỹ từng có giá đắt hơn so với nguồn cung từ Qatar và Australia, nhưng hiện nay giá đã rẻ hơn.

Tuy nhiên, một số nhà nhập khẩu của Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng.

“Có rất nhiều sự thổi phồng trên thị trường và không ai biết chắc cuộc khủng hoảng nguồn cung này sẽ kéo dài bao lâu. Đối với các công ty không có nhu cầu mới trong một hoặc hai năm tới, tốt hơn là nên chờ đợi”, một nhà nhập khẩu Trung Quốc cho biết./.

Bài Liên Quan

Leave a Comment