Bắc Hàn phóng tên lửa đạn đạo vào vùng biển Nhật Bản
6 giờ trước
Bắc Hàn đã thử một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm rơi xuống vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, quân đội Hàn Quốc cho biết.
Vụ thử diễn ra chỉ vài tuần sau khi Hàn Quốc công bố loại tên lửa tương tự.
Bình Nhưỡng đã hé lộ một loại tên lửa phóng từ tàu ngầm \”mới\” hồi tháng 1, mô tả đây là loại vũ khí \”mạnh nhất thế giới\”.
Vụ thử diễn ra trong bối cảnh các giám đốc tình báo quốc gia của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ nhóm họp tại Seoul để thảo luận về tình hình Bắc Hàn.
Trong những tuần gần đây, Bình Nhưỡng đã tiến hành một loạt các vũ thử mà nước này cho rằng là các loại tên lửa siêu thanh, tên lửa hành trình tầm xa, và vũ khí phòng không.
Một số vụ thử này đã vi phạm các lệnh trừng phạt nặng nề từ quốc tế.
Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Hàn không được thử tên lửa đạn đạo cũng như vũ khí hạt nhân.
Vào hôm nay, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết một tên lửa đã được phóng từ cảng Sinpo, phía đông Bắc Hàn nơi thường là căn cứ tàu ngầm của Bình Nhưỡng. Tên lửa này đã rơi xuống vùng biển mà Seoul gọi là Đông Hải hay East Sea, còn phía Nhật gọi đó là Biển Nhật Bản.
Truyền thông Hàn Quốc cho biết loại tên lửa này đã di chuyển trên hành trình dài 430 và 450km, đạt độ cao tối đa là 60km. Hiện chưa rõ là tên lửa này đã được phóng từ một tàu ngầm hay từ một bệ phóng dưới nước.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết đã có 2 tên lửa đạn đạo được phóng, và cho rằng các vụ phóng là \”rất đáng tiếc\”.
Tại sao \’tên lửa phóng từ tàu ngầm\’ lại đáng chú ý?
Hồi tháng 10 năm 2019, Bắc Hàn đã phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, Pukguksong-3 từ một bệ phóng dưới nước.
Vào khi đó, thì hãng thông tấn nhà nước của Bắc Hàn (KCNA) nói tên lửa này đã được phóng ở một góc cao để \”kiểm soát những nguy cơ từ bên ngoài\”.
Nếu tên lửa đã được phóng theo lộ trình chuẩn, thay vì thẳng đứng thì nó có thể di chuyển khoảng 1.900km. Điều này có nghĩa tất cả lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản đều bị đặt trong tầm ngắm.
Việc phóng từ tàu ngầm có thể giúp các tên lửa này khó bị phát hiện hơn và cũng giúp nó tiếp cận được các mục tiêu khác hơn.
Hàn Quốc phản ứng ra sao?
Vụ phóng thử này xuất hiện trong bối cảnh Hàn Quốc phát triển các vũ khí của mình, một điều mà giới quan sát cho rằng đã chuyển sang một cuộc chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên.
Seoul cũng sẽ tổ chức một triển lãm quân sự mà nước này cho là lớn nhất của Hàn Quốc vào tuần này. Và Hàn Quốc cũng sẽ sớm phóng tên lửa không gian của mình.
Nam – Bắc Hàn về mặt kỹ thuật vẫn còn đang trong tình trạng chiến tranh sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953 với một lệnh ngừng bắn, dẫn đến sự phân chia 2 miền Triền Tiên thành 2 quốc gia, trong đó Mỹ thì hậu thuẫn Hàn Quốc.
Hồi tuần rồi, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un nói rằng ông không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên một lần nữa, và nói rằng quốc gia của mình chỉ đang cần phát triển vũ khí nhằm mục đích tự vệ chống lại kẻ thù, mà ông nói rõ là Mỹ, vốn bị Bình Nhưỡng cáo buộc có hành vi thù địch.
Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Bắc Hàn, Sung Kim hiện đang trên đường đến Hàn Quốc để thảo luận cách thức tái khởi động cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng, bao gồm liệu có nên tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên hay không.
Trong vòng 24 giờ qua, ông Sung Kim đã lặp lại lập trường của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden về việc để ngỏ khả năng có cuộc họp với phía Bắc Hàn mà không cần điều kiện tiên quyết nào.
Các cuộc hội đàm giữa Mỹ và Bắc Hàn trước đây đã đổ vỡ vì những bất đồng căn bản liên quan đến vấn đề giải trừ hạt nhân.
Mỹ muốn Bắc Hàn từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi có thể giảm nhẹ các lệnh trừng phạt nhưng cho đến nay Bắc Hàn đã bác bỏ khả năng này.