Covid-19: \’Tổn thương, chia sẻ\’ bên ngoài Việt Nam, chuyện giờ mới kể

Covid-19: \’Tổn thương, chia sẻ\’ bên ngoài Việt Nam, chuyện giờ mới kể

  • Lê Quỳnh
  • BBC News Tiếng Việt

2 giờ trước

\"Các

\”Khó khăn lớn nhất với nhiều người Việt ở Anh giai đoạn dịch Covid-19, theo tôi cảm nhận, có lẽ là sự cô đơn trong lòng mình, trong gia đình,\” bà Nguyễn Quỳnh Giao chia sẻ với BBC.

\”18 tháng qua còn là dịp để nhiều người suy tư cộng đồng đã và sẽ làm gì để gắn bó, mạnh hơn.\”

Đến Anh từ năm 1994, bà Quỳnh Giao, tốt nghiệp Thạc sĩ Nhân loại học và Phát triển Cộng đồng tại London năm 2007, trải qua 15 năm làm trong hệ thống y tế nhà nước Anh (NHS), chuyên về phát triển các dự án hình thành nếp sống lành mạnh cho Sức khỏe cộng đồng và hơn 5 năm làm việc với các tổ chức từ thiện Anh về sức khỏe tâm thần.

Sau một thời gian dài mở lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em, đến năm 2019, bà và nhóm cộng sự dành công sức thành lập tổ chức từ thiện Vietnamese Family Partnership – Gia Đình Việt (VFP) ở quận Lewisham, London.

Cuối tháng Giêng 2020, hai bệnh nhân đầu tiên của Vương quốc Anh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona, mở đầu cho giai đoạn hơn một năm Anh quốc rung chuyển vì đại dịch.

Cô đơn giữa dịch

Sau này, một báo cáo của Quốc hội Anh gọi đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 150.000 người ở Anh và gần 5 triệu người trên toàn thế giới, là \”thách thức lớn nhất trong thời bình\” trong một thế kỷ.

Cộng đồng người Việt tại Anh cũng chịu những chấn động, tổn thương trong đại dịch.

Bà Quỳnh Giao kể về những gì bà chứng kiến trong 2 năm qua: \”Chúng tôi đã được nghe tâm sự của những người mà trước đây đi làm, sau đó bắt buộc phải ở nhà và cảm thấy cuộc sống tại sao bây giờ bế tắc như vậy.\”

Mặc dù internet đã có thể kết nối người thân dù ở đâu, nhưng không phải Việt kiều nào cũng còn người thân để nói chuyện ở Việt Nam.

\”Có những người 50, 60 tuổi rồi không có chỗ nào để đi trong đại dịch,\” bà Giao kể.

\”Trước đây, họ có thể đi nhà hàng, thư viện. Nhưng khi nước Anh đóng cửa toàn bộ, tôi chứng kiến có người già buồn quá, ra bến xe buýt ngồi một mình.\”

Bà Quỳnh Giao: \’Tôi muốn cộng đồng ở Anh tự hào mình là người Việt\’

Tổ chức từ thiện Vietnamese Family Partnership (VFP) của bà Quỳnh Giao tìm cách giảm bớt sự cô đơn của những người già như thế, cũng như giúp họ tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị bạo lực gia đình, hay tránh khỏi tình trạng vô gia cư khi có khó khăn về tài chính trong thời Covid.

\”Giai đoạn đại dịch, chúng tôi cố gắng mỗi tuần gọi điện nói chuyện với họ, hỏi rằng ngày hôm nay họ như thế nào, động viên.\”

Từ tháng Tư năm nay, khi VFP có thể mở cửa lại sau thời gian Anh quốc phong tỏa, họ đặt ra thêm các hoạt động giúp đỡ cộng đồng.

\”Rào cản ngôn ngữ là vấn đề lớn cho người già ở đây. Chúng tôi dịch giúp các lá thư, điền giấy tờ cho họ. Khi cần gặp các nhân viên y tế, xã hội địa phương, chúng tôi cũng giúp dịch thuật.\”

\”Bác sĩ ở Anh cả năm qua đa số chỉ tiếp xúc bệnh nhân qua phone, hay online, có nhiều người mình không biết, chúng tôi giúp đỡ. Hay hẹn tiêm vaccine thế nào thì không rõ, chúng tôi phải giúp họ những chuyện như vậy.\”

\"Các
Chụp lại hình ảnh,Các thành viên VFP ở London

Con đường lập tổ chức từ thiện

Bà Quỳnh Giao kể giai đoạn đầu khi người Việt mới đến Anh, việc xin lập một tổ chức từ thiện cho cộng đồng rất dễ dàng.

\”Thời đó, chính quyền địa phương cũng sẽ có một cái khoản tài trợ, cho sắc dân thiểu số mới đến còn gặp khó khăn.\”

\”Nhưng sau này, nhiều cộng đồng khác cũng tới Anh. Chẳng hạn hiện nay là câu chuyện Afghanistan.\”

\”Các vấn đề của người Việt bỗng trở nên mờ nhạt, chẳng hạn như ở quận Lewisham chúng tôi, giờ còn bao cộng đồng khác.\”

\”Thành ra việc xin phép thành lập một tổ chức, rồi xin ngân sách cũng khó khăn hơn nhiều. Trước đây có thể chỉ cần nói tổ chức này sẽ phục vụ người Việt Nam, nhưng bây giờ, chúng tôi phải chứng minh rằng vì sao phải có nó, tính chất từ thiện là ở khía cạnh nào. Ví dụ, chúng tôi phải chứng minh hoạt động của mình có thể giúp mang lại tự tin cho thế hệ sau vì họ sẽ gắn liền với văn hóa của bản thân mình, tìm lại được cái nguồn gốc của mình.\”

\"Bà
Chụp lại hình ảnh,Bà Nguyễn Quỳnh Giao

Theo các nghiên cứu, Anh quốc lần đầu tiên đồng ý nhận 10.000 thuyền nhân Việt Nam từ các trại ở Hong Kong năm 1979. Đến đầu những năm 1990 có thêm những người đến Anh muộn hơn. Nếu như phần lớn \”làn sóng đầu tiên\” những người tị nạn đến Hoa Kỳ là từ miền Nam Việt Nam, thì những người tị nạn mà Anh tiếp nhận chủ yếu đến từ Bắc Việt Nam và những người Việt gốc Hoa.

Từ những năm 2000 tới nay, dân số Việt Nam tại Anh đã đón nhận thêm cả các du học sinh ở lại và những người di cư không có giấy tờ tùy thân.

Gắn kết

Trong một cộng đồng tập hợp từ những cộng đồng nhỏ với xuất thân khác nhau, để nói về sự gắn kết, không phải là dễ dàng.

Bà Quỳnh Giao chia sẻ: \”Đứng lên đòi quyền lợi cho cộng đồng, theo tôi, người Việt mình ở đây còn rất yếu.\”

\”Có tổ chức nhiều năm giúp đỡ bà con mình, đến lúc gặp khó khăn, họ kêu gọi – chúng tôi có thể phải đóng cửa, xin hãy cùng chúng tôi lên gặp chính quyền để yêu cầu giúp đỡ – thì người mình, hầu như không ai đi.\”

Một nguồn sáng thắp lên trong khoảng 18 tháng Anh quốc bị dịch Covid-19 tấn công, là cộng đồng người Việt ở đây có những hoạt động tích cực cưu mang, giúp đỡ cả người Việt ở Anh và giúp Việt Nam.

\”Vào lúc dịch hoành hành, có ngày chục ngàn ca nhiễm, tính cộng đồng lại lên cao. Nhiều người Việt ở đây có kinh nghiệm, sáng kiến. Ví dụ, cửa hàng Bánh mì Bảy, có người trước đây là phụ huynh trường chúng tôi, giờ liên hệ nói muốn giúp may quần áo bảo hộ. Làm việc này, thì cần có tình nguyện viên.\”

\”Có bác ở khu Hackney, từng là thợ cắt may, cho mượn nhà xưởng. Máy may không biết bao nhiêu năm tuổi, họ lôi lại, và bắt đầu ngồi may đồng phục. Tự hào lắm.\”

Người Việt ở đây cũng tổ chức nấu các suất cơm mang đến cho các bệnh viện.

Truyền thông Việt Nam ghi nhận các doanh nghiệp Việt Nam tại Anh đã quyên góp ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam với tổng số tiền 1 tỷ đồng và hơn 36.000 bảng Anh (khoảng 1,15 tỷ đồng).

Bản thân người viết bài được chứng kiến có nhóm bạn người Việt tổ chức bán đồ ăn mỗi thứ Bảy để quyên góp gửi cho bệnh viện tại Việt Nam để mua máy thở.

Vào lúc này, tháng 10 năm 2021, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Vương quốc Anh vẫn cao, gần 50.000 ca nhiễm Covid mới mỗi ngày, khiến Vương quốc Anh có tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày thuộc hàng xấu nhất thế giới.

Số ca tử vong vì Covid-19 tại Anh mỗi tuần, hiện đang trung bình khoảng gần 1.000 ca.

Dù cuộc sống thời Covid-19 vẫn còn âu lo cho an toàn, 18 tháng vừa qua đã mang lại nhiều suy nghĩ về tinh thần gắn kết trong cộng đồng người Việt tại Anh.

Mời độc giả đón xem Phần Hai, sẽ đăng cuối tuần này, về nhu cầu làm chính trị của người Việt ở Anh, và vì sao giới trẻ Việt kiều cần những tấm gương gợi cảm hứng cho họ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment