Hoa Kỳ lo ngại về tên lửa siêu thanh Trung Quốc
Đăng ngày: 19/10/2021
Thanh Phương
Hôm 18/10/2021, tại Genève, Thụy Sĩ, đại diện thường trực của Mỹ đặc trách giải trừ vũ khí, đại sứ Robert Wood, tuyên bố Washington « rất lo ngại » về việc Trung Quốc đang tiếp tục phát triển tên lửa siêu thanh, sau khi nhật báo Anh Financial Times ngày 16/10 tiết lộ là trong tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã phóng thử một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa này đã bay một vòng Trái đất trên quỹ đạo thấp trước khi bay xuống mục tiêu được chỉ định. Tuy trong cuộc bắn thử nghiệm, tên lửa đã không rơi trúng mục tiêu, nhưng theo nhật báo Anh, công nghệ này một khi được Trung Quốc hoàn thiện có thể được sử dụng để bắn các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân qua Nam Cực và bay đến các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ ở Bắc Cực.
Trung Quốc hôm qua đã bác bỏ thông tin của tờ Financial Times, khẳng định họ chỉ thử nghiệm công nghệ phi thuyền tái sử dụng. Nhưng dĩ nhiên chúng ta quyền đặt nghi vấn về lời khẳng định này, bởi vì Bắc Kinh vẫn thường giữ bí mật về những chương trình phát triển vũ khí của họ.
Tên lửa siêu thanh là những tên lửa bay với vận tốc nhanh hơn gấp 5 lần vận tốc âm thanh (March 5) hoặc nhanh hơn, dễ được điều khiển hơn, cho nên rất khó bị phát hiện và bắn chặn. Trong kho vũ khí của mình, Mỹ hiện chưa có các tên lửa siêu thanh, nhưng gần đây quân đội Hoa Kỳ thông báo đã thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh mang tên HAWC (Hypersonic Air-Breathing Weapon Concept), sử dụng khí ôxy trong bầu khí quyển để làm nhiên liệu. Lầu Năm Góc cũng đang phát triển một tên lửa siêu thanh khác mang tên ARRW, nhưng cuộc thử nghiệm đầu tiên trên thực địa của tên lửa này vào tháng 4 đã thất bại.
Trong khi đó, ngay từ năm 2019, Trung Quốc đã cho ra mắt một tên lửa siêu thanh mang tên DF-17, có tầm bắn khoảng 2.000 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân. Vũ khí mà tờ Financial Times vừa tiết lộ khác ở điểm là nó có thể được phóng lên tới không gian, bay trên quỹ đạo thấp rồi lại bay xuyên trở lại qua bầu quyển của Trái đất để nhắm vào mục tiêu. Như vậy tầm hoạt động của tên lửa này cao hơn rất nhiều.
Nhiều quốc gia như Hoa Kỳ đã phát triển các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, nhưng chưa ai biết là các hệ thống này có khả năng phát hiện và bắn rơi một tên lửa siêu thanh hay không.
Theo nhận định của hãng tin Bloomberg ngày 19/10, nếu vụ bắn thử tên lửa siêu thanh của Trung Quốc vào tháng 8 được xác nhận, như vậy là chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ dùng các cuộc tấn công bằng tên lửa trên quỹ đạo Trái Đất để vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ của Mỹ chống tên lửa đạn đạo.
Đại sứ Robert Wood hôm 18/10 đã nhấn mạnh: « Công nghệ tên lửa siêu thanh chỉ là một mặt của các mối quan ngại của chúng tôi về Trung Quốc. Lực lượng hạt nhân của họ từ lâu vẫn khiến chúng tôi rất lo ngại. Cho nên, chúng tôi hy vọng có thể đối thoại song phương với Trung Quốc để bàn về việc giảm thiểu các nguy cơ ».
Về phần Nga, nước này gần đây đã phóng một tên lửa siêu thanh mang tên Zircon từ một tàu ngầm. Ngay từ cuối năm 2019, Matxcơva cũng đã đưa vào sử dụng các tên lửa siêu thanh mang tên Avangard có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và được phóng đi từ một tên lửa đạn đạo. Theo phía Nga, tên lửa Avangard có thể đạt đến vận tốc March 27 và có thể tự chuyển hướng bay và độ cao.
Hôm 18/10, đại sứ Robert Wood đã lưu ý là Hoa Kỳ cho tới nay vẫn không tiếp tục phát triển về mặt quân sự các loại vật thể bay siêu thanh, nhưng trước việc các nước đối thủ của Mỹ phát triển loại vũ khí này, Washington không có sự chọn lựa nào khác hơn là phải có phản ứng tương tự. Nói cách khác Lầu Năm Góc sẽ buộc phải phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến hơn, để bảo vệ Hoa Kỳ chống lại các tên lửa siêu thanh không chỉ từ Trung Quốc và Nga, mà còn từ Bắc Triều Tiên và Iran, và như vậy sẽ khởi động một cuộc chạy đua vũ trang mới.