65 năm Báo cáo “mật” : Tại sao Stalin vẫn được hoài niệm ở Nga?

65 năm Báo cáo “mật” : Tại sao Stalin vẫn được hoài niệm ở Nga?

20/10/2021

\"Rất
Rất đông người dân Nga đến tưởng niệm Stalin trước mộ ông, tại Quảng trường Đỏ, Matxcơva, ngày 05/03/2021. © R. Shikhatova/RFI

Lệ Thu

“Đồng chí Stalin đã bỏ qua những phương pháp thuyết phục và giáo dục của Lenin, thay cuộc đấu tranh tư tưởng bằng phương pháp bạo lực hành chính, đàn áp và khủng bố hàng loạt. Stalin thiên về sử dụng những tổ chức công quyền của Nhà nước và trong hành dộng, đồng chí thường xuyên vi phạm những chuẩn mực đạo đức và luật pháp Xô-viết”.

Trích đoạn nói trên trong bài phát biểu nổi tiếng của lãnh tụ Xô-viết Nikita Khrushchev, được vang lên tròn 65 năm trước đây tại phiên họp kín vào ngày cuối của Đại hội đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 (25/2/1956), cho dù còn rất nhẹ nhàng so với sức nặng của tội ác mà nhà “độc tài đỏ” Stalin đã gây ra, nhưng cũng khiến cả thế giới cộng sản bàng hoàng và chấn động.

Vào khoảnh khắc bấy giờ, được coi là một cơn đại địa chấn, một trái bom nguyên tử khổng lồ được tung ra, bản báo cáo mật mang tựa đề “Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó” lần đầu tiên vạch trần một số tội ác của “Đại nguyên soái” Stalin tuy đã qua đời được 3 năm, nhưng vẫn trong vầng hào quang của một thủ lĩnh chiến thắng phát-xít Đức hơn 10 về trước.

65 năm sau ngày “tờ trình bí mật của Khrushchev” – tên gọi của bản báo cáo trong một số tư liệu Việt ngữ – lần đầu tiên chính thức lên án người tiền nhiệm Stalin, sự đánh giá của dân Nga hiện tại với “Ông chủ của điện Kremlin” một thời như thế nào? Phải chăng, sự tố cáo đến từ chính thủ lĩnh cộng sản tối cao một thời cũng không có ảnh hưởng nhiều tới góc nhìn của dân Nga?

Bản cáo trạng kéo dài 4 giờ

Với sự tham gia của gần 1.500 đại biểu cùng 55 phái đoàn của các đảng Cộng sản ngoại quốc, Đại hội lần thứ 20 đảng Cộng sản Liên Xô khai mạc ngày 14/2/1956 tại Matxcơva và trong gần 2 tuần đầu, không có gì đáng kể diễn ra. Vẫn là những khâu hiệu mang tính tuyên truyền, như mục tiêu “đuổi kịp và vượt” các nước tư bản phát triển nhất trong giai đoạn lịch sử ngắn nhất.

Đột ngột đối với nhiều người, trong phiên họp kín vào ngày cuối, bí thư thư nhất Nikita Khrushchev có bài phát biểu “động trời”, vạch trần cái gọi là “tệ sùng bái cá nhân” và những hiện tượng, hậu quả đi kèm của nó, khiến Đại hội 20 đi vào lịch sử. Các đại biểu sững sờ và kinh ngạc khi được nghe từ miệng một lãnh tụ cộng sản danh sách những tội ác khủng khiếp của Stalin.

Đó là những đợt thanh trừng phi pháp, những biện pháp nhục hình về tinh thần và thể xác do chính Stalin thông qua, là việc Stalin đã sát hại già nửa số đại biểu của Đại hội 17, đã tự làm suy yếu mình trước chiến tranh với Đức bằng cách tiêu diệt đại đa số Ban lãnh đạo Hồng quân gồm cả những tướng lĩnh và nguyên soái từng vào sinh ra tử, “công thần” của thể chế Bolshevik.

Khrushchev còn nhắc đến phong cách lãnh đạo méo mó của “Ông chủ”, đến chứng đa nghi ở mức cuồng, bệnh hoạn, “nhìn đâu cũng thấy địch”, khiến hàng triệu người thiệt mạng oan uổng, và đến sự thần thánh hóa lãnh tụ đến mức lố bịch xung quanh Stalin. Theo các ghi chép, nhiều đại biểu đã kêu trời đau đớn, thậm chí đã ngất đi khi biết tội ác của “thần tượng”.

Sau bài phát biểu, không có phần thảo luận công khai, các đoàn đại biểu ngoại quốc được thông báo riêng. Tuy nhiên, bản báo cáo “mật” vẫn được lọt sang Phương Tây khá nhanh chóng – có thể do chính Khrushchev và “ê-kíp” của ông cố tình cho rò rỉ – và được in lần đầu tại Washington. Tại Liên Xô, sau đó, bài phát biểu có được cho “phổ biến” tại các cơ sở đảng địa phương.

Tuy nhiên, nguyên văn của báo cáo được giữ kín, không công khai trong vòng 33 năm! Chỉ đến ngày 5/4/1989, chương trình “Vremya” của Đài Truyền hình Liên Xô đưa ra tuyên bố đặc biệt: lần đầu, trên tinh thần “công khai hóa” (glasnost), tờ “Izvestia” – cơ quan ngôn luận của Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô – đăng tải toàn văn bài phát biểu trong số thứ 3 của năm.

Như vậy, không thể nói là người dân Xô-viết xưa, và dân Liên bang Nga hiện tại không biết tới cách đánh giá chính thống về Stalin. Hơn thế nữa, trong lịch sử, báo cáo “mật” còn là động lực cho các biến chuyển dân chủ ở Ba Lan và Hungary, cũng như, cho phong trào“Bách hoa tề phóng – Cách gia tranh minh” ở Trung Quốc, hay “Nhân văn Giai phẩm” ở Việt Nam năm 1956.

Vẫn là “anh hùng dân tộc”?

Trên cái nền ấy, có thể khó hiểu khi trong những năm gần đây, càng ngày, sự đánh giá về Stalin càng trở nên tích cực ở nước Nga của Putin, mà phương Tây cũng xem như một nhà độc tài. Những thăm dò gần đây nhất, trước làn sóng dịch bệnh Covid-19 cách nay 2 năm, cho thấy có tới 70% dân Nga cho rằng sự nghiệp chính trị của Stalin là tích cực, tức là tăng 16% so với 3 năm trước đó.

Khảo sát của Trung tâm Leveda – một viện thăm dò dư luận độc lập – cũng cho thấy, nếu vào năm 2016, có 31% số người được hỏi có ý kiến phản diện về Stalin, thì tỷ lệ này vào năm 2019 chỉ còn là 19%. Đặc biệt, có tới 45% cho rằng “quy” những tội ác cho Stalin là điều “thiếu công bằng”. Trước đó, 25% cho rằng những hành động của Stalin vào thời đó là “tất yếu về mặt chính trị”.

Leonty Byzov, chuyên viên xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng với một số người, Stalin còn được coi là “biểu tượng của công lý”. Một thăm dò khác cho thấy, 48% không hề muốn coi Stalin là có tội, và với nhiều người, tên tuổi của nhà độc tài gắn liền với chiến thắng của Liên Xô trước phát-xít Đức, niềm tự hào khiến 79% người được hỏi có mặt tại các buổi lễ lạt.

Nhà cầm quân vĩ đại hay kẻ độc tài tội lỗi? Nhiều thập niên sau khi những tư liệu cho thấy cái gọi là “thiên tài quân sự” của Stalin là không tồn tại, hoặc chí ít cũng cần xem xét lại, xã hội Nga vẫn bị chia rẽ, chưa có câu trả lời đồng nhất. Trong mắt rất nhiều người, tội ác của Stalin không có ý nghĩa gì lớn, bên cạnh việc ông đã dẫn dắt Liên Xô chiến thắng trong Thế chiến 2.

Góc nhìn ấy có thể là nguy hiểm, vì những tội ác của thể chế Stalin và con số những nạn nhân của nó từ lâu nay đã được giới sử học vạch ra khá rõ ràng. Tổ chức Memorial (Hồi tưởng) của Nga, trong nỗ lực đấu tranh để tưởng nhớ những nạn nhân của “kỷ nguyên Stalin”, cho hay có khoảng 10 triệu người chết đói, 6-7 triệu người bị tù đày vì lý do chính trị, và hơn 5 triệu bị đày ải.

Thế nhưng, theo các khảo sát, Stalin vẫn được xếp vào hàng những nhân vật lịch sử quan trọng nhất của nước Nga, và trong tâm thức của một đại cường, ông vẫn được xem như người đã phục hồi vinh quang của đế chế này. Nhất là từ năm 2014, sau khi mối quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày một căng thẳng, nước này càng cần hình ảnh những lãnh tụ ái quốc cứng rắn.

Không phải ngẫu nhiên mà các kênh truyền hình Nga gần đây cho chiếu loạt phim mang tựa đề “Đất nước của những người Xô-viết”, hồi nhớ về những yếu nhân của bộ máy khủng bố và đàn áp Stalinist như Dzerzhinsky, Voroshilov, Molotov, Zhdanov hay Berya, khiến một số bình luận viên chính trị cho rằng, đây là một sự vinh danh những kẻ sát nhân, bên cạnh “ông trùm” Stalin.

Nền “dân chủ cọc cạch”

Việc những tội lỗi của Stalin dường như bị xóa nhòa trong mắt nhiều người dân Nga, có thể xuất phát từ chính ý đồ của Nikita Khrushchev khi chỉ coi đó là vấn đề của sự “sùng bái cá nhân”, chứ không phải bản chất của chính thể có cội nguồn từ Lenin, mà một nhà cách mạng cùng thời, bà Rosa Luxemburg ngay từ năm1918, đã vạch ra những “yếu huyệt” về sự độc đoán và phi dân chủ.

Khrushchev muốn tách biệt Stalin khỏi Lenin, nhằm từ giã “kỷ nguyên Stalin” nhưng vẫn giữ được nguyên trạng vị thế lãnh đạo của giới cầm quyền cộng sản, nên những tội ác của Stalin – trong thực tế là môn đệ trung thành và xuất sắc của Lenin – có thể sẽ không thuyết phục nhiều người, cho rằng có thể lấy một số “thành tựu” của Liên Xô để biện minh cho mọi tệ hại của thể chế này.

Rada Adzhubei, ái nữ của Khrushchev, không hề biết cha mình chuẩn bị làm điều gì vào năm 1956. Bà kể lại, cùng các bạn đồng môn ở đại học, bà vô cùng sững sờ trước bài phát biểu của cha, và bài phát biểu ấy đã khiến rất nhiều người trở nên cấp tiến hẳn lên. “Nhưng cha tôi, Khrushchev, giận dữ phản đối mọi biểu hiện hướng tới sự thanh toán thể chế Xô-viết, dù là ở Liên Xô hay Đông Âu”.

“Nước Nga không bao giờ có thể phủ nhận hoàn toàn Stalin! Đây là một trong những lý do khiến chúng tôi dậm chân tại chỗ, thậm chí tụt hậu. Ngày nay, vẫn còn một số kẻ tìm cách làm mới, hoặc ít nhất cũng mô phỏng thể chế độc tài Stalin”. Đó là ý kiến cách đây nhiều năm của Yury Levada, tên tuổi lớn của nền xã hội học Nga, người từng sáng lập viện nghiên cứu dư luận mang tên ông.

Người kế nhiệm ông tại đó, Vlagyimir Petukhov, thì khẳng định: “Người ta không lãng mạn hóa thể chế Stalin. Họ biết Stalin có nhiều tội ác, nhưng họ không muốn lịch sử Nhà nước [Xô-viết] cũng bị hủy hoại cùng với những kỷ niệm của ông ta”. Cháu gái của Khrushchev, bà Nina Khrushcheva, là giáo sư tại Mỹ, cho hay:

Người Nga chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi không hề thích được tự do (…) Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, sự vô chính phủ hoành hành. Đối với chúng tôi, dân chủ đồng nghĩa với hỗn loạn, tội phạm, nghèo đói, thổ hào cát cứ và sự thất vọng. Trong nhiều thế kỷ, chúng tôi tìm kiếm lòng tự trọng từ Nhà nước. Chúng tôi hoài nhớ những vị quân vương xưa, những người đảm bảo trật tự, khêu gợi cảm giác ái quốc và khiến chúng tôi tin rằng Nga là một dân tộc vĩ đại”.

Ngay từ khi Putin mới nắm quyền được nhiệm kỳ đầu, bà Khrushchova đã cho rằng dân Nga cần một “lãnh tụ mạnh”, nếu có đáng sợ đi nữa cũng chả sao. Vì thế nước Nga mới sùng Putin, và theo bà cho dù người Nga không coi Putin là một Stalin mới, một “cha già dân tộc”, mà tìm thấy ở ông hiện thân của một người Nga bình thường, muốn yên ổn. “Đây cũng đã là một thứ dân chủ cọc cạch”.

Và rất có thể, trong nền “dân chủ cọc cạch” ấy, Stalin – bên cạnh những tội ác tầy trời, vẫn được vinh danh và hoài niệm, kể cả sau khi tất cả những ai trải qua và được hưởng chút lợi nào đó ở thể chế cộng sản xưa đã không còn trên thế gian này, trái với dự đoán của nhiều cây bút thời “cải tổ” (perestroika) ở Liên Xô, cho rằng sự tồn tại của tâm lý sùng bái Stalin chỉ là vấn đề thời gian…

Bài Liên Quan

Leave a Comment