Máu Việt chảy trên đường thiên lý

Máu Việt chảy trên đường thiên lý

Hai vợ chồng, hai bạn trẻ, là đồng bào dân tộc thiểu số. Người chồng 26 tuổi người vợ 23, đã có với nhau một đứa con 4 tuổi đang gửi ở nhà ông bà nội ở Bắc Giang.

Hơn một năm rưỡi nay hai vợ chồng đi làm công nhân ở Bình Dương, do dịch bệnh nên đã thất nghiệp hơn 4 tháng. Phòng trọ 9 mét vuông mỗi tháng 5 trăm rưỡi, hai người đã nợ tiền phòng hơn ba tháng.

Người vợ mang thai tới tháng thứ tám thì sinh non ở trạm xá, do thiếu tiền nên nằm ổ chưa tới nửa ngày đã bị đuổi về. Lúc hai người về tới phòng trọ thì chủ nhà đã khóa cửa và ném mấy bộ quần áo của họ ra ngoài sân, tới tấm chiếu cũng bị ngâm trong vũng nước mưa.

Đó là 16 tiếng sau khi người vợ vừa sinh, hai vợ chồng quyết định chạy xe máy 2000 cây số về quê với hai bịch ni lông đồ đạc, một khô một ướt. Xe dream lùn không thắng trước, không chắn bùn, không đèn pha, chồng ngồi trước, vợ ngồi sau, đứa con ở giữa. Và 4 trăm rưỡi trong túi, là do hàng xóm xung quanh vét cạn túi để gom góp mà giúp đỡ cho họ.

Người chồng mặc áo mưa ni lông để người vợ luồn tay vào và giữ đứa con ở khoảng giữa sau lưng người chồng, là để tránh gió cho con.

Đi vừa tới chốt kiểm soát dịch của Bình Dương thì họ bị chính quyền tịch thu xe. Người chồng lạy lục trong trưa nắng suốt mấy tiếng đồng hồ thì mới chuộc được cái xe cùi ra với giá 3 trăm ngàn.

Chạy tới Bình Thuận thì hết tiền đổ xăng, may sao được người dân cho đồ ăn, nước uống và 500 ngàn. Họ chạy tới Cam Ranh thì ngủ lại một đêm ngoài mái hiên, sáng hôm sau đi tiếp.

Rồi họ cứ đi, dọc đường may mắn gặp được những người di tản cùng cảnh ngộ thương tình, người cho ổ bánh mì, người cho lít xăng, người cho hộp sữa. Họ ngủ thêm một đêm nữa ở chân đèo Hải Vân để chờ trời sáng thì vượt đèo. Tới chỗ dốc cao sợ đứt sên thì người vợ vừa bồng con vừa đẩy xe cho chồng. Xuống dốc thì chà dép để phụ thắng xe, chà mà hụt dép thì gót chân cạ xuống đường rồi tróc ra miếng da chỗ gót chân.

Tới Huế thì xe hư nên họ ở lại thêm một đêm nữa, may mắn là lúc rạng sáng họ đã gặp người tốt giúp sửa xe miễn phí.

Lúc đi qua địa phận Nghệ An, người vợ lúc này đã là gần 5 ngày tính từ lúc sinh, thì bỗng chảy máu dữ dội ở thân dưới, rất đau đớn. Lúc đó khoảng 6 giờ sáng, họ dừng lại ở cổng của một trạm xá mà ngay bên cạnh là ủy ban nhân dân. Họ nằm ngủ ở ngay ngoài cổng, muốn chờ để khi trạm xá mở cửa thì sẽ vào xin bông gòn, định nhét vào chỗ thân dưới của người vợ để cầm máu. Họ đã hết quần áo khô để lót rồi, máu chảy ra đã tràn cả xe, trên yên xe là một lớp máu khô đen đỏ, tanh rình.

Đứa con năm ngày tuổi, là con gái, nó bú xong rồi ngủ, may là có đồ ăn dọc đường người ta cho nên người mẹ vẫn còn sữa.

8 giờ sáng trạm xá mở cửa, hai vợ chồng chưa kịp nói gì thì họ đã bắt hai vợ chồng phải test xét nghiệm. Test xong thì họ nói là phải trả 700 ngàn, thêm tiền bông gòn với nước muối rửa âm đạo nữa là 8 trăm rưỡi.

Hai vợ chồng móc ra, chỉ còn có hai trăm tám chục ngàn, họ lấy hai trăm rưỡi, để lại ba chục tiền lẻ. Rồi họ kêu dân quân giữ lại cái xe tàn để cấn 600 ngàn tiền nợ kia.

Người chồng nhìn năm sáu dân quân với gậy ba ton, không thể làm gì khác ngoài giao ra chìa khóa xe.

Test không sai, đó là luật của nhà nước.

Giá tiền không sai, đó là giá của nhà nước.

Thu đủ tiền cũng không sai, đó là quy định của nhà nước.

Chỉ có hai vợ chồng và đứa con năm ngày tuổi là sai, họ không hiểu về nhà nước.

Hai vợ chồng bồng đứa con đi tiếp, bỏ sau lưng là ánh mắt xua đuổi của mấy chục người trong trạm xá và ủy ban nhân dân. Những ánh mắt tức giận dành cho hai kẻ đã làm thâm thủng 600 ngàn đồng của chính phủ. Cái xe tàn kia bán phế liệu hi vọng sẽ đủ để bù vào ngân khố quốc gia. Giận nhất là đám dân quân, họ phải xối nước để khử máu và mùi tanh trên xe, mùi bà đẻ.

Vì thiếu tiền nên không có nước muối, chỉ có bông gòn. Người vợ bóc từng lớp bông gòn để nhét vào chỗ thân dưới vẫn đang chảy máu, vì cộm giữa háng và vì tróc da gót chân nên bước đi của người vợ có hơi khó khăn.

Người chồng mặc áo mưa và rút tay vô bên trong để bồng con, mỗi bước đi là mỗi lần hít sâu rồi hà hơi vào bên trong để giữ ấm cho con.

Trời đang mưa và họ vẫn đang đi về nhà, đường về còn xa xôi lắm, họ chỉ muốn về tới nhà mà thôi…

Lang

Bài Liên Quan

Leave a Comment