Nga « dàn trận » tại Afghanistan
Đăng ngày: 21/10/2021
Thanh Hà
Matxcơva năng động hơn bao giờ hết trên hồ sơ Afghanistan. Nga, Trung Quốc và trong một chừng mực nào đó là Iran phải chăng là những cửa ngõ để Afghanistan dưới chính quyền của Taliban được cộng đồng quốc tế công nhận ? Hội nghị tại Matxcơva với sự tham dự của một chục quốc gia, nhưng không có Mỹ, hôm 20/10/2021 cho phép trả lời một phần câu hỏi này.
Trong thông cáo chung kết thúc hội nghị, các bên nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần nhìn nhận một « thực tế mới, Taliban đã lên nắm quyền » tại Afghanistan. Một tuần lễ sau hội nghị của nhóm G20 huy động một 1 tỷ đô la cứu trợ nhân đạo Afghanistan và đối thoại đầu tiên giữa Taliban với đại diện của chính quyền Mỹ tại Doha, đến lượt Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia tại Trung Á cùng với đại diện của chính quyền Taliban, họp tại Matxcơva dưới sự chủ tọa của ngoại trưởng Nga, Serguei Lavrov. Nga đã chuẩn bị cho thời khắc này từ nhiều năm qua.
Nga, một bậc thầy về ngoại giao
Chuyên gia về địa chính trị Nga và khu vực từng thuộc vùng ảnh hưởng của Liên Xô cũ, bà Carole Grimaud Potter được báo Le Figaro trích dẫn nhắc lại từ khi quân đội Liên Xô phải rút khỏi Afghanistan năm 1989 điện Kremlin chưa bao giờ sao nhãng với « tầm mức quan trọng chiến lược của Afghanistan ». Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Matxcơva luôn duy trì mục tiêu tăng cường ổn định trong khu vực. Giờ đây, Kremlin lo ngại các « tổ chức thánh chiến Hồi giáo làm khuynh đảo những quốc gia lân cận vẫn còn trong vòng ảnh hưởng của Nga ».
Chính vì mục tiêu an ninh, Nga từ 2015 đã nối lại đối thoại với Taliban thậm chí, đã trao đổi cả thông tin tình báo với phong trào sinh viên Afghanistan này về Daech, tổ chức tự nhận là một Nhà Nước Hồi Giáo. Carole Grimaud Potter lưu ý, điều đó không cấm cản chính quyền Putin cho đến thời điểm đó vẫn xem Taliban là một « tổ chức khủng bố ».
Năm 2017 điện Kremlin tiến thêm một bước nữa trên hồ sơ Afghanistan qua việc lôi kéo nhiều nước trong vùng, nhất là những quốc gia có đường biên giới chung với Afghanistan như Trung Quốc, Iran, hay Pakistan, Ấn Độ vào sáng kiến mang tên « Công thức Matxcơva về Afghanistan ».
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các phe phái ngay trong chính hàng ngũ Taliban vẫn còn quá nhiều bất đồng, kết quả không được như Matxcơva mong đợi. Hơn nữa 2017 cũng là thời điểm Taliban bắt đầu đàm phán với Mỹ cho nên tiếng nói của Nga có phần « nhẹ ký ».
Igor Delanoë phó giám đốc viện quan sát về tình hình Pháp-Nga cho rằng, giờ đây Mỹ đã hoàn toàn rút khỏi Afghanistan, Nga nghiễm nhiên và dễ dàng « đặt mình vào vị trí trung tâm » trên hồ sơ này. Một lợi thế khác của Matxcơva là Nga đủ uy tín để « tập hợp những đối tác như Ấn Độ hay Pakistan vốn có quan hệ mật thiết với Afghanistan » nhưng bản thân New Delhi và Islamabad lại không thể san bằng những xung khắc.
Matxcơva khai thác nỗi ám ảnh về an ninh
Trên bàn cờ ngoại giao phức tạp đó, ngoại trưởng Lavrov chứng tỏ là người có tầm nhìn xa : Nga có thể vượt lên trên những hiềm khích lịch sử, mở rộng các đối tác và nhất là chứng minh về « ảnh hưởng và sự năng động của mình » trên một hồ sơ nhậy cảm như Afghanistan. Igor Delanoë giải thích thêm : Nga chỉ có thể đóng một vai trò tích cực về Afghanistan với điều kiện biết cách nói chuyện với Pakistan.
Tuy nhiên cũng không quá khó để ngoại trưởng Nga thuyết phục các nước tham dự hội nghị Matxcơva về tính chính đáng của chính quyền Taliban tại Afghanistan. Khác với hồi 2017 giờ đây các bên đồng ý về ít nhất là ba điểm trên hồ sơ Afghanistan. Một là không muốn trông thấy quốc gia Nam Á nay lại lâm vào nội chiến. Hai là bằng mọi giá tránh để Trung Á phải đối mặt với một « làn sóng người tị nạn Afghanistan » và sau cùng, là làm thế nào để « gạt Hoa Kỳ ra khỏi khu vực ».
Igor Delanoë lưu ý, mục đích thứ ba này chủ yếu liên quan đến Nga và Trung Quốc. Matxcơva cũng như Bắc Kinh không muốn Washington mở căn cứ quân sự với lý do để « có thể can thiệp từ xa » vào tình hình Afghanistan.
Chuyên gia về địa chính trị Nga Carole Grimaud Potter đưa ra thêm nhiều giải thích khác về vai trò trung tâm của điện Kremlin. Thứ nhất, 10 nước tham dự hội nghị quốc tế về Afghanistan tại Matxcơva lần này đều là những nước hữu hảo với điện Kremlin.
Trung Quốc, Iran hay Pakistan, Ấn Độ là thành viên Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải và « an ninh là yếu tố hạt nhân gắn kết các thành viên ». Kế tới là « quyền lợi kinh tế » : phần lớn các khách mời đến Matxcơva hôm 20/10/2021 đều tham gia dự án « Vành Đai, Con Đường » của Bắc Kinh do vậy lợi ích của Trung Quốc là « nhanh chóng vãn hồi hòa bình và ổn định tại Afghanistan ».
Trở lại câu hỏi Công thức Matxcơva phiên bản 2021 phải chăng là bước đầu để cộng đồng quốc tế từng bước công nhận chính quyền Taliban, bình thường hóa quan hệ với Afghanistan ? Giới phân tích cho rằng còn quá sớm để giải đáp nhưng có một điều chắc chắn đó là Nga, cũng như Trung Quốc hay Iran chẳng bao giờ « cho không » một cái gì. Phó giám đốc đài quan sát Pháp-Nga, Igor Delanoë đặc biệt chú ý vào tính toán của điện Kremlin : « Nga không công nhận một chế độ nếu như không được lại quả một cách xứng đáng ».
Matxcơva công nhận chính quyền Taliban ở Kaboul để đổi lấy « an ninh, hay hợp đồng quân sự và các dự án cơ sở hạ tầng ». Với bà Carole Grimaud Potter, còn quá sớm để cho rằng Nga đã công nhận tính chính đáng của chính quyền Taliban, nhưng chỉ nội việc mời đại diện của một chính quyền mới ở Kaboul đến Matxcơva cũng đủ là một « hình thức để công nhận chế độ » đó.