‘Mỹ luôn coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN’
22/10/2021
Mỹ luôn coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và các định chế khác như Bộ Tứ hay AUKUS ‘không nhằm để cạnh tranh hay thách thức vai trò của ASEAN’ mà chỉ là ‘để đóng góp cho lợi ích chung trong khu vực’, các quan chức và học giả Mỹ khẳng định tại một hội thảo.
‘Hội thảo Cấu trúc châu Á’ do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, tức CSIS, tổ chức theo hình thức trực tuyến, hôm 20/10, để đánh giá sự can dự và các ưu tiên của chính quyền Mỹ đối với các định chế của châu Á nhân dịp sắp diễn ra Thượng đỉnh ASEAN và các cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN mở rộng tại Brunei vào tuần tới.
ASEAN không có ích?
Tại hội thảo, ông Abraham Denmark, cố vấn cao cấp Chương trình châu Á, thuộc trung tâm Wilson, lưu ý rằng chính quyền Mỹ ngày nay đã nhận thức được tầm quan trọng của ASEAN trên bàn cờ địa chính trị – điều thay đổi so với trước đây.
“Trước đây, rất khó để mà bước vào phòng của quan chức chính quyền cấp cao nào đó và nói rằng Ngài cần bỏ ra ba ngày công du đông nam Á và khi họ hỏi rằng đi đến đó để được gì thì câu trả lời là ‘không có gì’ mà chỉ để nói chuyện,” ông Denmark, vốn có nhiều kinh nghiệm làm việc với chính quyền Mỹ, kể.
Tuy nhiên, giờ đây các quan chức Mỹ bất luận thuộc chính quyền nào đều đã hiểu được tầm quan trọng của những cơ chế này và của việc phải can dự với ASEAN thường xuyên và bền vững hơn, ông cho biết.
Mặc dù Washington vẫn có sự bất mãn đối với ASEAN trên một số vấn đề như cuộc đảo chính ở Myanmar, cho rằng tổ chức này ‘không hiệu quả’ và ‘không đem lại thay đổi cho khu vực’, nhưng ông Denmark cho rằng ‘ASEAN vẫn là một cơ chế hiệu quả ở một mức độ hành động nào đó và nó vẫn là một diễn đàn quan trọng cho Mỹ can dự vào đông nam Á cũng như là diễn đàn cho sự ganh đua giữa Mỹ và Trung Quốc’.
“Nếu chúng ta muốn tạo nền tảng cho quan hệ của chúng ta với các nước trong khu vực, chúng ta cần phải có mặt ở nơi có tầm quan trọng đối với họ, trong đó có ASEAN,” ông khẳng định. “Nếu chúng ta không can dự quyết liệt với ASEAN, nếu chúng ta không cho rằng ASEAN phù hợp với chiến lược lớn của của chúng ta, chúng ta có nguy cơ bị suy giảm ảnh hưởng và nhường dư địa chính trị cho Trung Quốc.”
‘ASEAN nằm ở trung tâm’
Ông Egdard Kagan, giám đốc cao cấp phụ trách Đông Á và châu Đại dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, đồng ý rằng ‘Mỹ cần phải có sự quan tâm đặc biệt đến đông nam Á’ bởi vì ‘nếu Mỹ muốn hành động hiệu quả ở khu vực Thái Bình Dương thì Mỹ cần làm việc với ASEAN’. Ông cho biết vấn đề này giành được sự đồng thuận lưỡng đảng.
Cũng như ông Denmark, ông Kagan nói nếu Mỹ không tăng cường can dự với ASEAN thì Mỹ sẽ gặp giới hạn trong việc phát triển quan hệ song phương với các quốc gia thành viên.
Về phần mình, bà Elina Noor, phó giám đốc Viện Chính sách Xã hội châu Á, bày tỏ nghi ngại về việc chính sách đối ngoại chính quyền của Tổng thống Joe Biden vốn đặt nặng về các giá trị dân chủ sẽ không giúp ích cho việc can dự với ASEAN.
Theo bà thì khu vực đông nam Á ‘hơi ác cảm với những lý tưởng chính trị’ và bà không rõ việc Mỹ truyền bá những ý tưởng về dân chủ, nhân quyền trong khu vực qua chiến lược an ninh quốc gia ‘sẽ có tác dụng như thế nào trong khu vực về lâu dài’.
Bà nói nếu nhận thức rằng nước Mỹ cũng có vấn đề của riêng mình cũng như đặt nặng dân chủ sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc can dự với Campuchia, nước giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm sau, thì những hành động của chính quyền Biden đối với khu vực sẽ không giúp ích cho việc xem ASEAN là trung tâm.
Bộ Tứ và ASEAN
Trước sự nghi ngại của các nước ASEAN rằng các cấu trúc mới mà Mỹ tạo ra cho an ninh và hợp tác khu vực như nhóm Bộ Tứ (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc) và AUKUS (liên minh Mỹ- Úc-Anh), ông Kagan khẳng định rằng ‘thông điệp đơn lẻ quan trọng nhất mà tất cả bốn thành viên Bộ Tứ đã truyền đạt là ‘chúng tôi hoàn toàn nhìn nhận, tôn trọng và đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN’.
“Bộ Tứ không cạnh tranh với ASEAN. Nó không được tạo ra nhằm mục đích đó. Nó nhằm để tận dụng năng lực của bốn đối tác có cùng chung chí hướng và có cùng lợi ích trên nhiều vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” vị quan chức này nói.
“Chúng tôi muốn làm việc với ASEAN và trên thực tế tất cả bốn thành viên Bộ Tứ đều có lịch sử lâu dài làm việc chặt chẽ với ASEAN cũng như với từng nước trong khối,” ông nói thêm và cho biết Bộ Tứ muốn giúp ASEAN trên lĩnh vực năng lượng sạch để tạo ra nguồn năng lượng ổn định cho khu vực đồng thời tạo ra cơ hội kinh tế cho người dân.
Ông Kegan cho rằng Bộ Tứ ‘có vai trò rất tích cực trong việc đóng góp vào lợi ích chung của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương’ và chỉ ra việc Bộ Tứ đã từng cam kết sẽ mở rộng năng lực sản xuất vaccine ngừa Covid-19 ở Ấn Độ để cung cấp cho các nước đông nam Á và việc thực hiện cam kết này như thế nào sẽ hết sức quan trọng đối với lòng tin vào Bộ Tứ.
Ông Abraham Denmark thuộc trung tâm Wilson, lưu ý rằng mặc dù Bộ Tứ là một cơ chế tuyệt vời đối với Mỹ nhưng Washington nên cẩn trọng đừng để Bộ Tứ thành trọng tâm của Mỹ trong khu vực mà phải dành dư địa cho các cơ chế khác vốn hiệu quả hơn và có ưu thế hơn Bộ Tứ trên một số vấn đề.
Liên minh AUKUS cũng vậy. Ông Kagan nói liên minh này ‘không để phá hoại, thách thức hay cạnh tranh với bất kỳ cơ chế hiện hữu nào (như ASEAN)’. “Liên minh này là để củng cố sự phối hợp vốn đã chặt chẽ giữa ba nước và ở một mức độ nào đó là tìm cách để chúng tôi hợp tác cùng nhau để xử lý các vấn đề của vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông nói.
Ưu tiên tại thượng đỉnh ASEAN
Tại Thượng đỉnh ASEAN và các thượng đỉnh ASEAN mở rộng sắp tới, vị quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia này cho biết ưu tiên trước hết của Mỹ là ‘đối phó với thách thức đại dịch Covid-19’.
“Chúng tôi đã tăng cường nỗ lực làm việc với Covax cả song phương và đa phương trong việc cung cấp vaccine và đem đến rất nhiều những hỗ trợ khác để củng cố các hệ thống y tế,” ông Kagan cho biết và nói thêm hỗ trợ các nước ASEAN xây dựng hệ thống y tế để đối phó Covid-19 cũng như các đại dịch trong tương lai là lĩnh vực ‘có rất nhiều tiềm năng đối với Mỹ’.
Ngoài ra, ông cũng nhắc đến những vấn đề khác mà Mỹ muốn làm việc với ASEAN như ‘củng cố năng lực để đối phó với những thách thức chung trên những vấn đề trên biển’.
“Chúng tôi cũng nhận thấy rằng các nước ASEAN rất mong muốn thấy Mỹ có sự can dự kinh tế nhiều hơn ở khu vực – rõ ràng điều này đang đặc biệt thách thức vì sự gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 gây ra.”
Ông nhấn mạnh nhu cầu phải xây dựng một chuỗi cung ứng mạnh và có sức chống chịu trước khủng hoảng ở Ðông Nam Á vì ‘chúng ta đã thấy việc đóng cửa các nhà máy ở Ðông Nam Á đã có tác động thế nào lên dây chuyền sản xuất ở Mỹ’.
Bà Elina Noor thuộc Viện Chính sách Xã hội châu Á cho rằng chính quyền Biden ‘đã làm khu vực phấn chấn’ khi từ bỏ luận điệu của chính quyền Trump xem ASEAN như là phương tiện để đối chọi với Trung Quốc.
“Điều được đánh giá cao trong khu vực là Mỹ không còn đặt trọng tâm vào việc cạnh tranh với Trung Quốc trong các thông điệp mà chính quyền Biden gửi đến khu vực mặc dù điều này có được nhắc đến trong thông điệp của Mỹ đối với những nơi khác,” bà Noor phân tích.
Bà cho rằng khi các nhà lãnh đạo Mỹ và ASEAN gặp nhau vào tuần tới, vấn đề chống dịch và phục hồi kinh tế ‘sẽ là ưu tiên lớn nhất của các nước ASEAN’.
Theo bà thì đây là những điểm mà Mỹ và các nước ASEAN gặp nhau, vì ‘trong khi Mỹ đã cho chích mũi vaccine tăng cường thì nhiều nơi ở đông nam Á vẫn còn nhiều người chưa được chích ngừa vì họ không có đủ vaccine’.
“Và trong khi nhiều người ở Mỹ muốn có kịp các sản phẩm điện tử trong dịp lễ Giáng sinh thì các nước trong khu vực đông nam Á cũng rất mong muốn có thể phục hồi để cung ứng những sản phẩm đó cho thị trường Mỹ vào Giáng sinh,” bà nói thêm.