Trung Quốc đối mặt phản ứng dữ dội từ mọi ngõ ngách trên TG: Không thể “quay đầu là bờ”?
Bắc Kinh đang đối mặt với phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế ở mức lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Vào đầu năm 2017, Trung Quốc dường như đang trên đà phát triển. Nền kinh tế nước này đã “đánh bại” mọi dự đoán của các nhà kinh tế thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình đang triển khai sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai & Con đường của đất nước và chuẩn bị mở căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc ở Djibouti.
Quan trọng nhất, ông Tập dường như đã sẵn sàng “lợi dụng” quyết tâm của Tổng thống Donald Trump trong việc gây chiến với các đồng minh và các tổ chức quốc tế của Mỹ. Trong một bài phát biểu ở Davos vào tháng 1/2017, ông Tập thậm chí còn so sánh chủ nghĩa bảo hộ với việc “nhốt mình trong phòng tối”.
TRUNG QUỐC NGÀY CÀNG ‘MẶT DÀY’?
Gần 5 năm trôi qua, Bắc Kinh đang đối mặt với phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew từ tháng 6, quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đang ở mức kỷ lục. Ít nhất 3/4 số người ở Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển và Mỹ được hỏi đều có quan điểm tiêu cực về Bắc Kinh.
Người biểu tình bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon, Myanmar, tháng 2/2021
Theo Foreign Affair, Liên minh châu Âu ̣̣(EU) đã chính thức coi Trung Quốc là “đối thủ có hệ thống”, và các nhà lãnh đạo NATO đã bắt đầu phối hợp để có phản ứng chung với Bắc Kinh. Ngay trước ngưỡng cửa Trung Quốc, các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đã hồi sinh nhóm các quốc gia “Bộ tứ kim cương” để có thể chống chọi với những lo ngại về tham vọng của Bắc Kinh.
Gần đây nhất, Mỹ và Anh đã nhất trí chia sẻ những bí mật hạt nhân nhạy cảm với Australia để giúp nước này chống lại tham vọng hải quân của Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn không có dấu hiệu chuyển hướng.
Hiện tại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như vẫn quyết tâm rằng, sức mạnh quốc gia mới hình thành của họ, kết hợp với tình trạng khó khăn chung của phương Tây, có nghĩa là phần còn lại của thế giới sẽ phải thích ứng với những “sở thích” của Bắc Kinh.
NHỮNG NHÀ NGOẠI GIAO CHIẾN LANG
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã phải đối mặt với sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế về mọi thứ, từ vấn đề Tân Cương cho tới Hồng Kông, các chính sách công nghiệp gây tranh cãi và vai trò của nó trong việc bùng phát đại dịch Covid-19.
Nhưng càng ngày, chính các nhà ngoại giao của Trung Quốc mới là những người gây tổn hại nhiều nhất đến danh tiếng của đất nước. Được biết đến nhiều với cái tên “Chiến binh sói lang”, sau một loạt phim bom tấn mô tả các anh hùng Trung Quốc đánh bại kẻ thù nước ngoài, họ từ đó đã phô trương hình ảnh này ở khắp mọi nơi từ Fiji đến Venezuela.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên là một trong những nhân vật dẫn đầu trong đội ngũ các nhà “ngoại giao chiến lang”. Ảnh: AP
Vào tháng 3/2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên đã khiến các quan chức Mỹ phẫn nộ khi tuyên bố, đại dịch Covid-19 chỉ bắt đầu sau khi các vận động viên Mỹ mang virus đến Vũ Hán.
Tháng 11/2020, ông Triệu đã đăng lên Twitter hình ảnh một người lính Australia cầm dao cứa vào cổ một đứa trẻ Afghanistan, khiến Thủ tướng Australia Scott Morrison yêu cầu xin lỗi. Và vào tháng 9, tân đại sứ của Trung Quốc tại Anh, Trịnh Trạch Quang đã bị cấm tham dự sự kiện tại Quốc hội Anh vì các lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với các nghị sĩ Anh.
Giới tinh hoa về chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã nhận thấy vấn đề. Ngay từ năm 2018, Đặng Phác Phương, con trai của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, đã cảnh báo rằng Trung Quốc nên “biết vị trí của mình ở đâu” và “giữ tỉnh táo” trong chính sách đối ngoại.
Tháng 5/2020, Reuters đưa tin rằng Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc – một tổ chức tư vấn trực thuộc cơ quan tình báo chính của Trung Quốc – đã cảnh báo giới lãnh đạo đất nước rằng, làn sóng chống Trung Quốc đã lên đến mức cao nhất kể từ sau sự vụ Thiên An Môn năm 1989.
Và vào tháng 9/2020, Yuan Nansheng, cựu tổng lãnh sự của Trung Quốc tại San Francisco, đã cảnh báo chống lại “chủ nghĩa dân tộc cực đoan” trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Bản thân ông Tập ít nhất đã ngầm thừa nhận vấn đề, cảnh báo trong một cuộc nghiên cứu của Bộ Chính trị vào tháng 6 rằng, Trung Quốc cần thể hiện một hình ảnh “đáng yêu” hơn với thế giới.
Nhưng vấn đề nổi bật hơn cả những phản ứng dữ dội đối với Trung Quốc là dù biết thực tế như vậy nhưng nước này không thể hoặc không muốn điều chỉnh lại mọi việc. Phản ứng của Bắc Kinh trước mối quan hệ xấu đi nhanh với Canberra là đưa ra một danh sách các yêu cầu mà họ cho là điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ song phương.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng bất kỳ sự cải thiện nào trong quan hệ với Mỹ đều phải bắt đầu bằng sự nhượng bộ từ Washington và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã ban hành một danh sách yêu cầu tương tự khi bà đến thăm Thiên Tân vào tháng 7.
LO SỢ VÀ THAM VỌNG CỦA BẮC KINH
Các quan chức ở Washington đã bắt đầu coi việc Bắc Kinh không thể thay đổi hướng đi là một lợi thế trong cuộc cạnh tranh đang nổi lên giữa hai nước. Thật hấp dẫn khi coi việc Bắc Kinh không có khả năng thích ứng với thời cuộc là một đặc điểm nội tại của hệ thống chính trị Trung Quốc.
Chắc chắn, nguyên nhân là do các quan chức Trung Quốc thường lo sợ hậu quả của việc thừa nhận sai lầm. Nhưng trong quá khứ, Bắc Kinh đã từng có kinh nghiệm sửa sai. Trong những năm 1950, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc “tấn công quyến rũ” để lấy lòng các nước trong thế giới đang phát triển và giúp xây dựng sự ủng hộ đối với đảng cầm quyền của Trung Quốc.
Trong giai đoạn sau sự kiện Thiên An Môn 1989, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều và dần dần giúp phục hồi hình ảnh đất nước trong mắt thế giới, khởi đầu cho chuỗi thành công kéo dài gần hai thập kỷ mà đỉnh cao là việc Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2008 tại Bắc Kinh.
Thay vì phải vá lấp một lỗ hổng cố hữu trong mô hình quản trị hiện nay, sự thất bại trong việc sửa sai lần này là kết quả của bầu không khí chính trị hiện tại ở Bắc Kinh. Đó là do tự tin thái quá.
Ông Tập từ lâu đã ủng hộ một chính sách quyết đoán hơn đối với Trung Quốc trên trường thế giới. Ảnh: Slate
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008–2009, Bắc Kinh bắt đầu chuyển hướng sang một phong cách ngoại giao quyết đoán hơn, được củng cố bởi niềm tin rằng họ đã là một cường quốc. Sự thay đổi đó đã tăng tốc đáng kể sau khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012.
Đi đôi với sự tự tin mới hình thành của Bắc Kinh là suy nghĩ sai lầm của họ rằng phương Tây đang suy tàn, đặc biệt là Mỹ. Những sai lầm trong chính sách đối ngoại của Washington ở Trung Đông, phản ứng thiếu quyết đoán của nước này đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và phản ứng chậm chạp trước đại dịch hiện nay đều củng cố quan điểm này.
Vào tháng 2/2020, ông Tập nói với các cán bộ đảng viên rằng, cuộc khủng hoảng đai dịch Covid-19 đã chứng tỏ “những ưu điểm vượt trội của bộ máy lãnh đạo tại Trung Quốc”.
Ông Tập từ lâu đã ủng hộ một chính sách quyết đoán hơn đối với Trung Quốc trên trường thế giới. Ngay cả trước khi trở thành chủ tịch nước, ông Tập đã phàn nàn về “những người nước ngoài không có gì tốt hơn là chỉ tay năm ngón” vào nhiều vấn đề của Trung Quốc.
Một trong những hành động đầu tiên của ông với tư cách nhà lãnh đạo của Trung Quốc vào năm 2012 là vạch ra một chương trình nghị sự dành cho “sự trẻ hóa vĩ đại của đất nước Trung Quốc”, báo hiệu tham vọng của ông Tập để đất nước chiếm được vị trí xứng đáng trên thế giới.
Kể từ đó, ông Tập đã nhiều lần chỉ thị cho các nhà ngoại giao phải bảo vệ Trung Quốc mạnh mẽ hơn, thậm chí còn tạo ra các ghi chú viết tay hướng dẫn họ thể hiện “tinh thần chiến đấu” nhiều hơn. Và như một quy luật bất thành văn cho bất kỳ nhà ngoại giao nào của Trung Quốc: Để thăng tiến, điều quan trọng là họ phải hành động đúng với giọng điệu quyết đoán của ông Tập.
Nhưng tham vọng xen lẫn sợ hãi. Kể từ năm 2012, hơn 1,5 triệu quan chức đã bị trừng phạt trong một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng theo kiểu “đả hổ, diệt ruồi”. Hàng loạt “hổ lớn” đã bị sờ gáy.
QUYỀN LỰC CỦA ÔNG TẬP
Sự trỗi dậy của chính sách ngoại giao “Chiến binh sói lang” ở Trung Quốc đã khiến các kênh ngoại giao thông thường với Mỹ hoạt động kém hiệu quả.
Các cuộc họp chính thức giữa hai nước trở thành cơ hội để các quan chức Trung Quốc công khai chỉ trích những người đồng cấp Mỹ của họ, trong khi các cuộc trao đổi thông qua của các cựu quan chức hoặc bên lề các cuộc họp chính thức cũng trở nên kém hiệu quả hơn.
Ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Washington cho đến đầu năm nay, đã không có bất kỳ cuộc gặp gỡ đơn phương nào với những người đồng cấp nước ngoài trong những năm cuối cùng trước khi “nghỉ hưu”.
Chính phủ của ông Tập cũng không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng thay đổi các chính sách công nghiệp do nhà nước lãnh đạo đã khiến các công ty đa quốc gia xa lánh, để làm dịu các vấn đề liên quan đến Tân Cương hoặc Hồng Kông, hoặc thỏa hiệp trong các tranh chấp lãnh thổ từ dãy Himalaya đến Biển Đông. Điều đó khiến các nhà ngoại giao và tuyên truyền viên Trung Quốc gặp khó khăn nếu không muốn nói là không thể thành công.
Nguồn Tin nóng