Trung Quốc gian lận trên tàu ngầm: Năng lực kém thì hay giở chiêu trò?
Bên cạnh nâng cấp các công nghệ mới cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược, Trung Quốc sử dụng chiêu bài đánh số thân tàu trùng nhau để đánh lừa tình báo nước ngoài.
Thỏa thuận an ninh giữa Mỹ, Anh và Australia, còn gọi là AUKUS, trong đó có điều khoản giúp Australia phát triển tàu ngầm tấn công hạt nhân đã tác động mạnh đến tình hình địa chính trị châu Á – Thái Bình Dương.
Việc một đồng minh thân cận của Mỹ như Australia sở hữu tàu ngầm tấn công hạt nhân với công nghệ tối tân từ Mỹ và Anh sẽ là mối đe dọa lớn cho tham vọng của Trung Quốc. Không để bị lép vế trước các đối thủ, Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa các tàu ngầm hạt nhân của nước này.
Trong một nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách công nghệ tàu ngầm với Mỹ và các nước khác, các kỹ sư Trung Quốc đang tăng tốc hiện đại hóa tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094, lớp Jin.
Các nâng cấp tập trung vào tăng sức mạnh cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), giảm tiếng ồn khi hoạt động và nâng cao khả năng tàng hình.
BÌNH CŨ RƯỢU MỚI
Theo báo cáo gần đây của nhà khoa học tàu ngầm Eric Genevelle và đồng tác giả Richard W. Stirn, cựu kỹ thuật viên tàu ngầm của Hải quân Mỹ, Trung Quốc đã cấu hình lại tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Jin, đồng thời đưa các chiến thuật gian lận để che giấu việc nhận dạng, khiến đối phương khó phân biệt tàu ngầm cũ với tàu ngầm mới.
Các kỹ sư Trung Quốc đang nâng cấp tàu ngầm Type-094 với các phiên bản Type-094A và Type-094B. Những tàu ngầm này sau khi nâng cấp có thể phóng SLBM JL-3 với tầm bắn hơn 10.000 km.
Hai tác giả cho biết tàu ngầm Type-094A/B được cải tiến đáng kể về thiết kế thủy động lực học. Các kỹ sư đã sửa đổi bộ phận triển khai sonar mảng kéo để giảm tối đa tiếng ồn. Buồm chính được thiết kế lại, tháo các cửa sổ và giảm lỗ khuyết ở mũi tàu.
Chuyên gia Genevelle cho biết những thay đổi nhỏ về thiết kế khiến người ta rất khó phân biệt giữa tàu ngầm đã nâng cấp hoặc chưa nâng cấp. Việc kiểm đếm cũng sẽ trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, ông Zhou Chenming, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc tiếp tục nâng cấp và sửa đổi phần vỏ tàu ngầm hạt nhân, tận dụng các thân tàu sẵn có và cập nhật hệ thống điện tử mới, một kiểu nâng cấp theo dạng “bình cũ nhưng rượu mới”.
“Việc đóng mới và đưa vào vận hành tàu ngầm có thể mất tới 8 năm, trong khi các thiết bị điện tử và nhiều thành phần phức tạp khác đã có bước phát triển mạnh trong khoảng thời gian đó”, ông Zhou nói.
“Hải quân Trung Quốc yêu cầu các nhà máy đóng tàu lắp đặt thiết bị tiên tiến nhất vào các thân tàu tiếp theo. Khi đó, các kỹ sư phải suy nghĩ về cách đặt những thành phần đó vào đúng vị trí. Tất cả những điều này đòi hỏi một số thay đổi trong thiết kế thân tàu, buồm chính, bánh lái và một số yếu tố khác”, ông Zhou nói thêm.
SỐ HIỆU THÂN TÀU TRÙNG NHAU ĐỂ LỪA ĐỐI PHƯƠNG
Việc kiểm đếm số lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc luôn là vấn đề khó khăn đối với tình báo nước ngoài, đặc biệt là đối với tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Jin.
Trung Quốc chưa bao giờ tiết lộ họ có bao nhiêu tàu ngầm hạt nhân chiến lược, trái ngược với Mỹ và một số nước phương Tây luôn công bố số lượng tàu ngầm hạt nhân hiện có.
Phiên bản Type-094B, số hiệu 421 đã xuất hiện trong sự kiện duyệt binh kỷ niệm 72 năm thành lập hải quân Trung Quốc vào tháng 4 năm nay. Trong khi đó, chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc được đánh số 401.
Dựa trên số hiệu thân tàu mới nhất là 421 có vẻ như Trung Quốc đã đóng mới tổng cộng 21 tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng có vẻ như Trung Quốc đang cố tình tạo ra sự trùng lặp về số hiệu thân tàu để gây nhầm lẫn cho đối phương.
Vấn đề đáng lưu ý là một số thân tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đã bị loại bỏ kể từ khi chiếc đầu tiên được hạ thủy vào năm 1970, nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ công bố bao nhiêu tàu ngầm đã ngừng hoạt động.
Một nguồn tin cho biết hải quân Trung Quốc sẽ in số hiệu 409 trên 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Jin. Mục đích của nhằm giảm thiểu số lượng tàu ngầm có thể phát hiện và đánh lừa tình báo về vị trí của chúng.
“Nếu một điệp viên quan sát thấy một tàu ngầm 409 đang neo tại cảng, họ sẽ không nghĩ rằng có một tàu số hiệu 409 khác đang tuần tra”, nguồn tin nói với SCMP. Một nguồn tin khác cho rằng thủ thuật đánh số trùng nhau từng được sử dụng trên tàu ngầm hạt nhân Type-092.
Nguồn tin này cho biết, Trung Quốc từng sở hữu 4 tàu ngầm Type-092 đều được đánh số 406. “Trung Quốc chỉ thực sự sở hữu một tàu ngầm Type-092 đang hoạt động. Chiếc cuối cùng này sẽ được thay thế bằng Type-094 trong vài năm tới”, nguồn tin cho hay.
Lu Li-Shih, cựu giảng viên tại Học viện Quân sự Đài Loan, cho biết việc sử dụng số hiệu thân tàu giả chỉ có tác dụng che giấu số lượng thực tế, gây nhầm lẫn cho đối phương, chứ không có tác dụng trong một trận chiến.
Ông Lu cho rằng sở dĩ Trung Quốc áp dụng chiến thuật đánh lừa số hiệu tàu vì căn cứ tàu ngầm lớn nhất của nước này ở Tam Á nằm ngay bên cạnh khu nghỉ dưỡng quốc gia ở vịnh Á Long, nổi tiếng ở đảo Hải Nam. Khu vực này thường xuyên đón lượng lớn du khách nước ngoài.
“Việc sử dụng số hiệu thân tàu giả khiến các nhà quan sát trở nên bối rối khi tàu ngầm nổi lên mặt nước. Nhưng điều này sẽ trở nên vô nghĩa trong các trận hải chiến, vì số hiệu thân tàu sẽ biến mất khi nó lặn xuống biển, khi đó sức mạnh chiến đấu của tàu mới là yếu tố quyết định”, ông Lu nói.
Nguồn Tin nóng