Trung Quốc và 50 năm gia tăng ảnh hưởng tại Liên Hiệp Quốc
Đăng ngày: 25/10/2021
Thanh Phương
Cách đây đúng 50 năm, ngày 25/10/1971, một nghị quyết do Albani đề nghị đã được thông qua, chính thức thâu nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào Liên Hiệp Quốc, đồng nghĩa với việc Trung Hoa Dân Quốc, tên chính thức của Đài Loan, bị loại ra khỏi tổ chức quốc tế này, sau khi đã là đại diện của Trung Quốc suốt từ năm 1950. Trong 50 năm qua, Trung Quốc đã không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong Liên Hiệp Quốc, kiểm soát ngày càng nhiều cơ quan chuyên trách của tổ chức quốc tế này.
Như tờ nhật báo kinh tế của Pháp Les Echos ấn bản ngày 25/10/2021 nhắc lại, từ năm 2003 và kể từ khi Hồ Cẩm Đào lên cầm quyền, Trung Quốc, từ vai trò một quan sát viên khiêm tốn, đã đầu tư ngày càng nhiều phương tiện tài chính và nhân lực vào Liên Hiệp Quốc. Với tư cách một quốc gia đang trỗi dậy, Trung Quốc đã tự đặt mình vào vị trí người bảo vệ các nước nghèo, mạnh mẽ lên án chủ nghĩa thực dân và kiên quyết bảo vệ nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Bắc Kinh ngày càng xem Liên Hiệp Quốc là một công cụ rất hữu hiệu để bày tỏ những mối quan ngại của họ, dập tắt những tiếng nói chỉ trích và quảng bá những quan điểm của Trung Quốc.
Nền kinh tế càng phát triển, vị thế quốc tế của Trung Quốc càng lớn mạnh, và Bắc Kinh đã chứng tỏ tham vọng bên trong Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc hiện là nước đóng góp tài chính nhiều thứ hai cho ngân sách hoạt động của Liên Hiệp Quốc, với 3,2 tỷ đôla cho năm 2021, kể từ nay chiếm 12% tổng đóng góp tài chính. Trung Quốc cũng hiện là nước đóng góp tài chính nhiều thứ hai cho các chiến dịch duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Việc chính quyền Donald Trump trước đây gần như tẩy chay các định chế đa phương càng giúp cho Trung Quốc gia tăng kiểm soát các cơ quan Liên Hiệp Quốc phục vụ cho các lợi ích của Bắc Kinh. Trang mạng Foreign Policy vào năm 2019 đã kể lại làm cách nào mà Bắc Kinh áp đặt được ứng viên Trung Quốc vào chức tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã không ngần ngại xóa một món nợ cho Yaoundé để nước này rút lại ứng viên của Camroun. Bắc Kinh còn đe dọa ngăn chận xuất khẩu của các nước Achentina, Brazil và Uruguay để ba nước này bỏ phiếu ủng hộ ứng viên Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) lên lãnh đạo FAO.
Theo ghi nhận của Les Echos, trong tổng số 15 cơ quan chuyên trách của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc hiện đang đứng đầu đến 4 cơ quan (FAO, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, Liên minh Viễn thông Quốc tế, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc) trong khi Pháp , Anh và Hoa Kỳ mỗi nước chỉ lãnh đạo một cơ quan (UNESCO, Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Thế giới). Bắc Kinh cũng đã cài được đến 7 phó giám đốc, một con số kỷ lục, vào nhiều cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
Cũng theo nhận định của Les Echos, ảnh hưởng của Trung Quốc trong Liên Hiệp Quốc còn được nhận thấy rõ qua việc nước này đã ngăn chận được Đài Loan tham gia các hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới và qua việc tổ chức này đã tỏ ra rất khoan dung với Bắc Kinh khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan từ Trung Quốc ra khắp thế giới.
Bên trong Hội Đồng Bảo An, mà Trung Quốc là một trong những thành viên thường trực, Bắc Kinh không còn kín đáo như trước nữa, mà sử dụng ngày càng nhiều quyền phủ quyết để ngăn chận mọi nghị quyết hay tuyên bố bất lợi. Trung Quốc cũng đã thắt chặt quan hệ với một thành viên thường trực khác của Hội Đồng Bảo An là Nga, bởi vì hai nước có cùng quan điểm là không chấp nhận mọi can thiệp từ bên ngoài và chống lại các biện pháp trừng phạt của quốc tế.
Mục tiêu tối hậu của Trung Quốc khi khai thác tối đa vai trò của nước này trong Liên Hiệp Quốc có lẽ là nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới, cũng mang tính đa phương, nhưng là đa phương theo sự áp đặt của Bắc Kinh, đối lại với trật tự thế giới của phương Tây.