28 tổ chức trong nước và quốc tế kêu gọi Việt Nam thả nhà báo Phạm Đoan Trang

28 tổ chức trong nước và quốc tế kêu gọi Việt Nam thả nhà báo Phạm Đoan Trang

RFA
2021-10-26

\"28Nhà báo Phạm Đoan Trang và thông cáo báo chí của 28 tổ chức RFA edited

Hôm 26 tháng 10, một tuyên bố ký tên bởi 28 tổ chức xã hội dân sự của Việt Nam và quốc tế được công bố nhằm kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang.

Các tổ chức quốc tế tham gia ký tên như Ân xá Quốc tế, Theo dõi Nhân quyền, Dự án 88, Mạng lưới Dân chủ Châu Á, hay PEN America (Văn bút Hoa Kỳ)…. Trong khi đó các tổ chức trong nước gồm có Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, Người Bảo vệ Nhân quyền, và nhóm Green Trees (Cây Xanh)…

Tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam, cơ quan chủ quản của tờ Luật Khoa Tạp Chí mà nhà báo Phạm Đoan Trang đồng sáng lập, là một trong những bên khởi xướng tuyên bố này.

Trong tuyên bố chung, các tổ chức lên án việc chính quyền Việt Nam bắt và giam giữ bà Phạm Đoan Trang, và kêu gọi chính quyền trả tự do cho bà Trang ngay lập tức và vô điều kiện.

Ngoài ra, các tổ chức cũng yêu cầu các cơ quan liên quan ngay lập tức để nhà báo Phạm Đoan Trang được thực hiện việc khám và điều trị các vấn đề sức khoẻ, cùng với việc các luật sư cần phải được tiếp cận với hồ sơ vụ án một cách đầy đủ.

28 tổ chức đồng ký tên cũng yêu cầu phiên toà xét xử bà Phạm Đoan Trang phải được diễn ra công khai, với sự góp mặt của giới truyền thông, những người quan sát của các tổ chức nhân quyền, và chính quyền không được cản trở bất cứ ai muốn tham dự phiên toà.

Sau cùng, họ cũng đòi nhà nước Việt Nam bãi bỏ các điều luật thường được sử dụng để đàn áp những cá nhân bất đồng với nhà nước, như người hoạt động nhân quyền hay nhà báo.

\"28tochuc-RFA.jpg\"
28 tổ chức trong và ngoài nước đồng ký tên kêu gọi trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang. Ảnh minh họa RFA

Trao đổi với RFA về ý nghĩa của việc có 28 tổ chức trong và ngoài nước cùng tham gia vào tuyên bố chung về trường hợp của tác giả nhiều báo cáo nhân quyền nổi tiếng, ông Trịnh Hữu Long, đồng giám đốc của tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam cho biết:

Tôi nghĩ rằng trước mắt thì ý nghĩa của nó (tuyên bố chung) rất là trực tiếp, đó là nói với chính quyền Việt Nam, mà cụ thể là cơ quan tố tụng, và nói với những cơ quan cấp trên của họ nữa, rằng cái việc mà họ đang làm, việc truy tố, giam giữ và sắp tới đây là kết án Đoan Trang là việc làm hoàn toàn sai trái. Không những dựa trên sự phản đối của người dân trong nước, mà còn có sự phản đối của rất nhiều tổ chức có uy tín trên thế giới.\”

Trong khi đó, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á, của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, một trong các tổ chức đồng ký tên vào bản tuyên bố chung, thì chỉ trích chính quyền Việt Nam vì đã bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang, ông nói:

Việc chính quyền Việt Nam truy tố bà Phạm Đoan Trang là hành động đáng lên án và không thể chấp nhận được bởi vì bà Trang đã không làm gì để đáng bị bắt giữ ngay từ đầu. 

Phạm Đoan Trang là một nhà hoạt động được ngưỡng mộ, đấy là lý do tại sao có tận 28 tổ chức nhanh chóng cùng nhau đưa ra tuyên bố chung nhân danh bà ấy. Đáng buồn thay, chúng tôi dự đoán rằng phiên toà xét xử Phạm Đoan Trang sẽ lại diễn ra theo khuân mẫu điển hình của một phiên toà được sắp đặt sẵn, với bản án được đưa ra từ trước bởi đảng Cộng Sản và quan chức của cơ quan công tố, và Đoan Trang sẽ bị xử tù nhiều năm.

Một lần nữa, chính quyền Việt Nam cho thấy họ là một trong những chính quyền đàn áp nhân quyền tệ nhất ở khu vực, bằng chứng là họ đã bỏ tù nhiều nhà hoạt động, nhà báo độc lập, và những nhóm cộng đồng dám lên tiếng bất đồng với chính quyền.”

Nhà báo Phạm Đoan Trang sẽ bị xét xử vào ngày 4 tháng 11 tới đây, bà bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Bài Liên Quan

Leave a Comment