Cựu Đại sứ VNCH Bùi Diễm qua đời là \’mất mát to lớn không gì thay thế\’
25 tháng 10 2021
Cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ, ông Bùi Diễm bình luận về bộ sách \’Lịch sử Việt Nam\’.
Tin cho hay ông Bùi Diễm, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ, vừa qua đời hôm 24/10/2021 tại nhà riêng ở thành phố Rockville, tiểu bang Maryland, ở tuổi 98.
Chia sẻ cảm tưởng với BBC News Tiếng Việt về biến cố này, hôm 25/10 từ Washington D.C., nhà báo Phạm Trần, cựu ký giả của VOA, người từng có thời gian cộng tác trực tiếp về mặt báo chí, truyền thông với ông Bùi Diễm nhiều thập niên trước đây ở Sài Gòn trước 30/5/1975, nói với BBC:
\”Điều đầu tiên là tôi rất buồn nghe tin cụ Bùi Diễm đã qua đời. Nhưng mà tôi không ngạc nhiên là bởi vì mấy tháng trước đây cả hai cụ, tức là cụ ông và cụ bà đều phải vào một viện phục hồi, sau khi cụ bị ngã, và cụ Bùi Diễm cũng đã vào nhà thương một số lần trong mấy năm qua, hơn nữa là cụ đã lớn tuổi, cụ năm nay đã 98 tuổi, nhưng mà tới tuổi ta là cụ đã 99 tuổi rồi, và Trời, Phật ban cho cụ một cuộc sống hết sức là tốt đẹp.
\”Thành ra một mặt là tôi rất buồn, bởi vì giữa cụ Bùi Diễm và tôi có sự quan hệ mật thiết với nhau trong rất nhiều năm, đặc biệt là trong thời gian mà tôi có làm một trong những biên tập viên, phóng viên cho tờ Sài Gòn Post do cụ lập ra, và do người em có quan hệ bà con của cụ là ông Bùi Phương Thề làm chủ nhiệm, thành ra giữa chúng tôi có sự liên hệ mật thiết về vấn đề tình cảm, cũng như trong vấn đề liên hệ việc làm.
\”Hơn nữa, tôi nhớ là mỗi lần cụ từ Hoa Kỳ về để phúc trình những diễn biến về tình hình chính trị giữa Hoa Kỳ, thế giới cũng như tình hình Việt Nam về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, thì cụ đều về Tòa soạn và hỏi anh em chúng tôi để cụ có một buổi nói chuyện nhỏ để cho một số anh em nòng cốt của tờ báo biết về tình hình, thì đấy là cảm nghĩ của tôi về sự ra đi tuy là buồn, nhưng mà không bất ngờ đối với cụ Bùi Diễm, thưa quý đài.\”
Cũng hôm thứ Hai, từ Khoa sử Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia và nhà nghiên cứu Việt Nam học nói với BBC:
\”Đối với riêng tôi thì khi hay tin ông Bùi Diễm qua đời tôi cảm thấy bùi ngùi, xúc động.
\”Tôi đã được biết ông từ cuối năm 1967, đã cùng với một số bạn người Việt đến gặp ông tại Đại sứ quán VNCH tại Hoa Thịnh Đốn để trình thỉnh nguyện thư kêu gọi ngưng chiến để đem lại hoà bình cho Việt Nam, và đã cùng nhau trình bày ở các hội thảo về Việt Nam sau đó cho đến năm 1990.
\”Và có ít nhất là hai cuốn sách đã đăng các bài của ông và tôi từ các hội thảo đó.\”
Đâu là dấu ấn lớn nhất?
Về dấu ấn được cho là lớn nhất của cựu Đại sứ Bùi Diễm, sử giả Ngô Vĩnh Long nói:
\”Cựu Đại sứ Bùi Diễm là đại sứ lâu đời nhất của VNCH ở Mỹ và đã rất tích cực vận động chính phủ Mỹ giúp chính quyền Sài Gòn.
\”Sau chiến tranh ông đã tiếp tục tích cực vận động Mỹ chống chính quyền mới ở Việt Nam. Ông là người cố vấn rất tín cẩn của ông Nguyễn Cao Kỳ, nhưng không biết ông có thay đổi cách nhìn của ông đối với Hà Nội khi ông Kỳ thay đổi và trở về Việt Nam thăm như là một thượng khách hay không.\”
Nhà báo Phạm Trần từ góc nhìn của mình nói:
\”Điều đầu tiên chúng ta cũng nên biết là cụ Bùi Diễm là vị Đại sứ từ năm 1967 tại Hoa Kỳ của VNCH cho đến năm 1972, thì trong suốt thời gian đó, tức là tiếp sau 2 năm mà quân đội Mỹ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam năm 1965, thì năm 1967, lúc đó, Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương là Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ của chế độ quân nhân đã bổ nhiệm ngay cụ Bùi Diễm làm Đại sứ tại Hoa Kỳ.
\”Tới năm 1972, chúng ta đều biết sau cuộc tấn công Mậu Thân năm 1968 thì bắt đầu cuộc Hội đàm Paris diễn ra bí mật giữa Bắc Việt và Hoa Kỳ và sau đó có bốn bên, tức là gồm có Hoa Kỳ, phía Bắc Việt, phía Mặt trận Giải phóng Miền Nam – tức là Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam mà vẫn được gọi là Việt Cộng và chính phủ Việt Nam Cộng hòa.
\”Và cho đến trước khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, chúng ta thấy rằng giai đoạn đó là giai đoạn hết sức gay go về vấn đề đàm phán, cũng như là về tình hình chiến tranh tại Việt Nam và cụ Bùi Diễm là một con thoi đi giữa Hoa Thịnh Đốn, sang Paris, Pháp và trở về Sài Gòn.
\”Thường thường cứ hàng tháng hay một vài tháng, cụ lại có mặt ở Sài Gòn để báo cáo tình hình mà cụ đã thu thập được về phía Hoa Kỳ, bởi vì chúng ta cũng nhớ rằng trong giai đoạn đầu Hoa Kỳ giấu diếm nhiều lắm, không có cho VNCH biết những chuyện mà Hoa Kỳ nói chuyện với phía Bắc Việt.
\”Thành ra cụ về sau khi đã tìm hiểu, có một lần tôi đã nói chuyện với cụ ở tại Hoa Kỳ mà cụ có tiết lộ với tôi rằng trong thời gian hòa đàm đó, thì cụ rất là vất vả, phải tìm những nguồn tin ở bên ngoài, từ bạn bè người Mỹ, từ những viện nghiên cứu của Hoa Kỳ, cũng như những viên chức cảm tình với VNCH tại Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời ông Henry Kissenger…, để mà tìm hiểu xem rằng đường đi nước bước của Hoa Kỳ đối với chiến tranh Việt Nam ra làm sao và liệu VNCH có được đặt ở trong vị trí quan trọng, cùng ngang hàng với phía Bắc Việt hay không, hay là lại đứng phía sau và lại bị giấu diếm.
\”Thành ra vai trò của cụ hết sức là quan trọng và hơn nữa sự bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong giai đoạn mà cụ làm Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ trong giai đoạn 1967-1972 có nhiều những biến cố quan trọng, mà biến cố chúng ta biết là lớn nhất đó là khi ông Richard Nixon dính líu vào vụ Watergate và phải từ chức và những áp lực giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ về vấn đề chiến tranh Việt Nam, cũng như là áp lực của Nga Xô, thành ra vai trò của cụ Bùi Diễm hết sức quan trọng.
\”Và trong nền bang giao giữa Hoa Kỳ và VNCH trong thời chiến tranh, cụ là người đặt nền tảng đó, đặt ra những điều kiện mới và đã giúp cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng như chính phủ VNCH hồi đó biết đường đi, nước bước của Hoa Kỳ, để mà không chỉ đối phó với phía Bắc Việt, phía Việt Cộng, mà còn phải đối phó với bạn của mình, tức là đồng minh Hoa Kỳ nữa, để làm sao bảo vệ được Miền Nam, làm sao mà giải pháp hòa bình đưa lại sự bền vững, bảo vệ Miền Nam không sụp đổ.
\”Thế nhưng mà rất tiếc về sau chuyện đáng tiếc đó đã xảy ra, song vai trò quan trọng nhất của cụ Bùi Diễm lẫn trong cuộc đời của cụ, theo tôi, là giai đoạn Hội đàm Paris và trên chức vụ Đại sứ VNCH, cụ đã đặt nền móng ngoại giao trong thời gian chiến tranh giữa VNCH và Hoa Kỳ.\”
Để lại khoảng trống thế nào?
Khi được hỏi, sự ra đi của cựu Đại sứ Bùi Diễm để lại khoảng trống gì không và nếu có thế nào, đặc biệt với cộng đồng Việt Nam di tản chiến tranh và hậu chiến tại hải ngoại, ở Hoa Kỳ, cũng như với những ai quan tâm, nghiên cứu lịch sử cận hiện đại Việt Nam, từ Đại học Maine, sử gia Ngô Vĩnh Long nói:
\”Tôi không thể trả lời về khoảng trống gì đối với cộng đồng người Việt Nam vì có rất nhiều nhóm và nhiều người có chính kiến khác nhau trong đó.
\”Đối với giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam về cuộc chiến tranh thì mất đi một người, mãi đến gần đây, vẫn kiên quyết cho là VNCH bị Hoa Kỳ bỏ rơi nếu không thì đã thắng Cộng Sản.\”
Còn từ Washington D.C., nhà báo Phạm Trần nêu quan điểm với BBC:
\”Về phương diện ngoại giao và lịch sử, cụ Bùi Diễm theo tôi là một nhân vật duy nhất của Việt Nam Cộng Hòa mà mới đây còn sống với chúng ta mà ở hải ngoại, không còn có ai nữa, mà đây là một tài sản rất quý giá về các phương diện nói trên, cũng như về phương diện nhân chứng biến cố trong cuộc Hội đàm tại Paris, thành ra đây là một sự mất mát rất to lớn mà không ai có thể thay thế được.\”
Cựu Đại sứ Bũi Diễm sinh năm 1923, nguyên quán ở Hà Nam, Bắc Việt Nam; theo các tư liệu, ông hoạt động chính trị từ thời còn đi học ở trường Bưởi, tại Hà Nội, gia nhập Đảng Đại Việt năm 1944, năm 1945 có thời gian tham gia Trường Lục quân tại tỉnh Yên bái.
Ông từng có thời gian làm việc tại tờ báo Vietnam Post xuất bản ở Sài Gòn bằng Anh ngữ (1954-1963), tờ báo tiếng Anh đầu tiên ở Việt Nam.
Khi thủ tướng Phan Huy Quát lãnh đạo nội các, ông giữ chức Tổng trưởng Phủ Thủ tướng (1965), còn trong Nội các của Ủy ban Hành pháp Trung ương, ông là Ủy viên Ngoại giao (1965-67), ông cũng là đảng viên Đảng Đại Việt.
Thời Đệ Nhị Cộng hòa Việt Nam ông được bổ nhiệm làm đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Washington, D.C., thay thế đại sứ Vũ Văn Thái, và đảm nhiệm từ năm 1967 đến năm 1972 thì chuyển làm đại sứ lưu động cho đến năm 1975. Sau năm 1975, ông tị nạn tại Hoa Kỳ.
Nhà ngoại giao trở thành người viết sách
Bùi Diễm là tác giả cuốn hồi ký chính trị \’Gọng kìm lịch sử,\’ cuốn sách ấn bản đầu tiên bằng tiếng Anh với tựa \’The Jaws of History\’ rồi sau đó được dịch ra tiếng Việt, và cuốn sách thứ hai là cuốn Vietnamese Economy and Its Transformation to an Open Market System (Nền kinh tế Việt Nam và sự chuyển đổi sang hệ thống thị trường mở) xuất bản năm 2004.
Trong một trong những trả lời phỏng vấn cuối cùng với BBC News Tiếng Việt, hôm 23/8/2021 từ Mỹ, khi bình luận về bộ sách \’Lịch sử Việt Nam\’ gồm 15 tập do Viện sử học Việt Nam công bố, xuất bản tại Hà Nội, trong đó có chi tiết thay đổi cách gọi cũ từ trước mà các sử gia Hà Nội vẫn gọi Việt Nam Cộng Hòa là \’ngụy quân, ngụy quyền, cựu Đại sứ Bùi Diễm nói:
\”Nhà cầm quyền Việt Nam bây giờ có nói đến vấn đề nhìn nhận Việt Nam Cộng Hòa, điều đó tôi nghĩ cũng là một sự thực lịch sử không ai chối cãi được. Có lẽ bây giờ những nhà cầm quyền ở Việt Nam cần đến những điều đó để nói cho rõ rằng Hoàng Sa hay là Trường Sa là của Việt Nam để có thể… tranh đấu với những người Trung Quốc, Trung Cộng về những vấn đề đó, cho nên mới trở lại nhìn nhận Việt Nam Cộng Hòa.\”
Phản ứng về một phát biểu của Tổng chủ biên bộ sách nói trên cho rằng các soạn giả bộ sách chỉ thay đổi cách gọi tên, còn bản chất cách hiểu về chính quyền Sài Gòn \’vẫn không thay đổi\’ mà khi đó vẫn được coi là một chính quyền \’đánh thuê cho Mỹ\’… ông Bùi Diễm nói:
\”Mình phải nhìn Việt Nam trong bối cảnh của Chiến tranh Lạnh thời bấy giờ, người Mỹ mà can thiệp vào vấn đề Việt Nam là do chính sách gọi là \’be bờ\’ chống lại sự lan tràn của cộng sản xuống miền Nam Việt Nam.
\”Nếu mà nói tới sự giúp đỡ của người Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam, thì người ta cũng phải nói tới sự có mặt của những quân đội Trung Cộng ở miền Bắc trong suốt trận chiến tranh, những quân đội đó không tham gia vào trận chiến đối với miền Nam, nhưng đã giúp những người ở miền Bắc có tất cả sự dễ dàng để người miền Bắc có thể mang quân đội để mà tấn công miền Nam Việt Nam.
\”Vì vậy cho nên những lời buộc tội rằng miền Nam Việt Nam dưới quyền, dưới ảnh hưởng của người Hoa Kỳ, thì chúng ta cũng phải nhìn lại vấn đề dưới khía cạnh một cuộc Chiến tranh lạnh một bên là Mỹ quốc và một bên kia là thế giới cộng sản, có cả Liên Xô và có cả Trung Cộng lúc bấy giờ,\” cựu Đại sứ VNCH khi đó nói với BBC News Tiếng Việt.