Trung Quốc xỏ mũi Mỹ theo cách không ngờ: Washington tỉnh mộng sau quãng ‘ngây thơ’
Mỹ chỉ vừa kịp nhận ra rằng, Trung Quốc có hẳn một chiến lược lớn để khai thác “sức mạnh Mỹ” nhưng trên thực tế sự thù địch của Bắc Kinh đối với Washington đã bắt đầu từ rất lâu.October 26, 2021
Theo tạp chí Foreign Affairs, sự thù địch này có trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử vào năm 2016 và thậm chí trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012.
‘MỐI THÙ’ HƠN 70 NĂM
Kể từ năm 1949, Trung Quốc đã chọn Mỹ vào “vai phản diện”. Nhưng 3 thập kỷ trước, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã “nâng cấp” Mỹ lên mức cao hơn nữa và bắt đầu âm thầm sửa đổi chiến lược lớn của mình: Bắt tay vào tìm kiếm sự thống trị khu vực và sau đó là toàn cầu.
Nhưng Mỹ và các nước khác đã không nhanh chóng nhận ra chiến lược này cho đến nay. Đây là một mối lo đã khiến Quốc hội lưỡng đảng của Mỹ đoàn kết hiếm hoi, song ngay cả khi Quốc hội Mỹ đạt được sự đồng thuận mới này, họ cũng không đánh giá được đúng mức một trong những yếu tố đe dọa nhất của chiến lược Trung Quốc: Cách nó khai thác các khía cạnh quan trọng của Mỹ và các nước khác, từ đó vũ khí hóa chúng để phục vụ cho tham vọng của mình.
Các thể chế quan trọng của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và công nghệ có một cách tiếp cận khác với Trung Quốc khiến Washington ưu tiên hợp tác kinh tế và thương mại với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, nếu các nhà hoạch định chính sách và nghị sĩ của Mỹ nhận thấy được ý định sâu xa của Trung Quốc, thì có một cách để kéo Phố Wall và Thung lũng Silicon trở lại, chuyển những điểm yếu của Mỹ thành điểm mạnh và giảm thiểu tác hại của chiến tranh chính trị của Bắc Kinh.
Điều đó phải bắt đầu bằng những bước đi táo bạo hơn để ngăn dòng vốn của Mỹ đổ vào cái gọi là doanh nghiệp tổng hợp quân sự-dân sự của Trung Quốc và làm nản lòng khát vọng dẫn đầu của Bắc Kinh, thậm chí là tham vọng kiểm soát độc quyền các ngành công nghệ cao-bắt đầu từ sản xuất chất bán dẫn.
Mỹ cũng phải làm nhiều hơn nữa để vạch trần và đối đầu với cuộc chiến thông tin của Bắc Kinh, vốn đưa ra những thông tin sai lệch và gieo rắc sự chia rẽ bằng cách khai thác các nền tảng truyền thông xã hội của Mỹ, vốn bị cấm ở Trung Quốc.
NGHỆ THUẬT CHIẾN TRANH CHÍNH TRỊ
Chiến lược thù địch phức tạp, đa lĩnh vực của Trung Quốc có liên quan rất nhiều đến tính kiêu ngạo sau chiến thắng của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ cho rằng, Trung Quốc sẽ gần như không thể chống lại làn sóng tự do hóa bắt đầu từ sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Theo dòng suy nghĩ này, bằng cách giúp Trung Quốc làm giàu, Mỹ sẽ nới lỏng sự kìm kẹp của chính phủ nước này đối với nền kinh tế, con người và chính trị, tạo điều kiện cho sự hội tụ dần dần với phương Tây đa nguyên.
Nói một cách nhẹ nhàng, đó là một tính toán sai lầm, và chính nó là một phần nguyên nhân khiến Bắc Kinh thúc đẩy chiến lược lớn của mình.
Với sự kỷ luật đáng ghen tị, Bắc Kinh từ lâu đã “ngụy trang” ý định thách thức và lật ngược trật tự tự do do Mỹ lãnh đạo.
Trung Quốc bị cáo buộc che đậy sự bùng phát ban đầu của dịch Covid-19. Ảnh: AFP
Các phương pháp của Bắc Kinh đều là biểu hiện của “chiến tranh chính trị”, thuật ngữ mà nhà ngoại giao Mỹ George Kennan, kiến trúc sư chính của chiến lược ngăn chặn Chiến tranh Lạnh, đã sử dụng trong một bản ghi nhớ năm 1948. Theo Foreign Affair, nếu còn sống đến ngày hôm nay, Kennan sẽ ngạc nhiên trước những cách Bắc Kinh đã cải thiện trong chiến lược này.
Mặc dù cũng có những người ủng hộ – chẳng hạn như các nhà tài chính, các nhà cung cấp dịch vụ giải trí và cựu quan chức được hưởng lợi từ mối quan hệ với Trung Quốc, các cuộc thăm dò cho thấy, người dân nói chung ở Mỹ, các nước châu Âu và một số nước châu Á ghét Trung Quốc cũng như tham vọng toàn cầu của nước này.
Điều này sẽ không có gì ngạc nhiên nếu xét theo cách mà Trung Quốc đã tự thể hiện trong những năm gần đây với những cáo buộc mà Bắc Kinh cho đến nay vẫn bác bỏ như: che đậy sự bùng phát ban đầu của dịch Covid-19, tấn công quân đội Ấn Độ ở biên giới, cắt đứt giao thương với Australia…
Chuyên gia Kennan coi kinh tế là một thành phần quan trọng của chiến tranh chính trị, và việc Trung Quốc đồng hóa vũ khí kinh tế vào chiến lược lớn của họ là điều không có gì quá bất ngờ. Các mục tiêu kinh tế của Bắc Kinh được đưa ra trong một chính sách gọi là “lưu thông kép”, ưu tiên tiêu dùng trong nước (lưu thông nội bộ) thay vì phụ thuộc vào thị trường nước ngoài (lưu thông bên ngoài).
Tuy nhiên, một cái nhìn cận cảnh cho thấy chiến lược này của Trung Quốc thực sự có thể được coi là “đòn bẩy tấn công” – một cách tiếp cận nhằm làm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu công nghệ cao (đồng thời khiến cho các chuỗi cung ứng công nghệ của thế giới ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc), đảm bảo rằng Bắc Kinh có thể dễ dàng thay thế hàng nhập khẩu từ nước này bằng hàng nhập khẩu từ nước khác và sử dụng đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc để thúc đẩy các mục tiêu chính trị trên toàn cầu.
Bắc Kinh đã cố gắng xoay chuyển những động thái này như một biện pháp phòng thủ. “Chúng ta phải duy trì và nâng cao tính ưu việt của mình trong toàn bộ chuỗi sản xuất. . . và chúng ta phải thắt chặt sự phụ thuộc của các chuỗi sản xuất quốc tế vào Trung Quốc, tạo thành một biện pháp đối phó và khả năng răn đe mạnh mẽ chống lại các nước ngoài”, ông Tập từng nói như vậy trong một bài phát biểu vào năm ngoái.
Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc đang chơi trò tấn công. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã hạn chế thương mại và du lịch với Canada, Nhật Bản, Mông Cổ, Na Uy, Philippines, Hàn Quốc và các quốc gia khác trong nỗ lực buộc thay đổi luật cũng như các quy trình chính trị và tư pháp nội bộ của những nước này.
Chiến dịch tích cực nhất của Bắc Kinh là cuộc chiến chống lại Australia.
Chiến dịch đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc là biểu hiện rõ ràng chiến lược lớn của Bắc Kinh. Nhưng chiến lược này cũng dựa vào các hoạt động bí mật và vô hình: chiến tranh thông tin và các hoạt động gây ảnh hưởng nhằm lật đổ các thể chế chính trị và xã hội của các đối thủ.
Yếu tố quan trọng nhất của những nỗ lực đó là hoạt động “Mặt trận thống nhất”, một loạt các hoạt động mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi là “vũ khí ma thuật”, một chiến thuật mà không thể tìm được cái tương tự nào ở bên ngoài Trung Quốc.
Cái mới hơn trong “kho vũ khí” của Bắc Kinh là việc khai thác các công ty truyền thông xã hội của Mỹ.
Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã làm “ngập” các nền tảng này bằng những tuyên truyền công khai và bí mật, ngày càng tập trung không chỉ vào việc thúc đẩy các câu chuyện minh oan cho các chính sách của Bắc Kinh mà còn làm trầm trọng thêm căng thẳng xã hội ở Mỹ và các quốc gia mục tiêu khác.
Chẳng hạn, chính phủ Trung Quốc và các công ty ủy quyền trực tuyến của họ trong nhiều tháng đã liên tục đặt câu hỏi về tính hiệu quả và an toàn của vắc xin Covid-19 do phương Tây sản xuất…
Để so sánh, có thể thấy, Liên Xô chưa bao giờ có thể mơ đến việc tiếp cận một lượng lớn khách hàng nông nghiệp ở Mỹ như Trung Quốc hiện nay, chẳng hạn như chương trình mà Bắc Kinh tiếp cận hàng ngày thông qua các công cụ được cung cấp bởi những gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon.
MỘT NƯỚC MỸ ‘TỈNH MỘNG’
Sau nhiều thập kỷ ngây thơ và phủ nhận, cách tiếp cận của Washington với Bắc Kinh cuối cùng đã bắt đầu thích ứng với thực tế và cứng rắn hơn trong thời chính quyền Trump, và chính quyền Biden phần lớn vẫn duy trì chính sách của người tiền nhiệm.
Các mức thuế mà Trump áp đặt để trừng phạt hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc vẫn được áp dụng và Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực loại bỏ phần mềm và thiết bị nguy hiểm của Trung Quốc ra khỏi các mạng viễn thông nội địa của Mỹ. Chính quyền hiện tại của Mỹ cũng đang nỗ lực bắt tay với các nước trong chiến lược chống sự trỗi dậy của Bắc Kinh như thỏa thuận AKUS, nhóm Bộ tứ kim cương…
Bất chấp những bước điều chỉnh đó, vẫn còn một số lĩnh vực mà Washington cần tăng cường hơn nữa cách tiếp cận của mình, đặc biệt bằng cách đảm bảo rằng, không để các lợi ích riêng gây ảnh hưởng đến mục tiêu chung trong việc chống lại Trung Quốc.
Sau nhiều thập kỷ ngây thơ và phủ nhận, cách tiếp cận của Washington với Bắc Kinh cuối cùng đã bắt đầu thích ứng với thực tế. Ảnh: nymag
Họ đầu tiên cần “làm sạch” lĩnh vực tài chính. Số tiền tiết kiệm hưu trí của hàng triệu người Mỹ hiện đang “đổ vào” quá trình hiện đại hóa quân đội của Bắc Kinh và hỗ trợ các công ty Trung Quốc làm mưa làm gió trên khắp thế giới.
Mặc dù chính quyền Trump và Biden ban hành các lệnh hành pháp cấm người Mỹ đầu tư vào 59 công ty có tên tuổi của Trung Quốc do liên quan đến việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc hoặc các cáo buộc khác, Bộ Tài chính Mỹ cũng cần mở rộng danh sách lên mức độ lớn để bao quát tốt hơn các công ty Trung Quốc đang phát triển cái gọi là công nghệ lưỡng dụng – những công nghệ có cả ứng dụng dân sự và quân sự hoặc giám sát.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng nên thực thi lệnh cấm mua các công cụ nợ từ các công ty trong danh sách đen và cũng giới hạn các công ty con của họ đối với các nhà đầu tư Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) nên thông qua danh sách đen đầu tư tương tự và hủy bỏ vĩnh viễn thỏa thuận thương mại mà họ đã đàm phán gần đây với Bắc Kinh.
Thỏa thuận này đã rơi vào bế tắc sau khi Bắc Kinh trừng phạt các nghị sĩ châu Âu và các tổ chức tư vấn vì nêu bật các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. EU bây giờ nên rút một lần và mãi mãi.
Washington cũng cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn kế hoạch thống trị ngành sản xuất chất bán dẫn của Bắc Kinh.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rõ rằng hầu hết các công nghệ của thế kỷ XXI – bao gồm viễn thông 5G, sinh học tổng hợp và máy học – đều được xây dựng dựa trên các chất bán dẫn tiên tiến. Theo đó, các nhà lãnh đạo này đã rót hơn 100 tỷ USD trợ cấp vào việc xây dựng các xưởng đúc chip của Trung Quốc.
Cuối cùng, Washington cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết “cuộc chiến thông tin” của Bắc Kinh.
Nguồn Tin nóng