Campuchia, tân chủ tịch ASEAN, sẽ tiếp tục gây áp lực lên chính quyền Myanmar
28/10/2021
Campuchia, nước sắp nắm chức chủ tịch của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sẽ thúc ép các nhân vật cầm quyền thuộc giới quân sự Myanmar tiến hành đối thoại với các đối thủ, ngoại trưởng Campuchia nói hôm thứ Năm 28/10.
Cảnh báo rằng Myanmar đang bên bờ vực nội chiến, Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn nói nước ông sẽ bổ nhiệm một đặc phái viên mới chuyên trách về Myanmar để bắt đầu công việc vào đầu năm sau, khi Campuchia nắm quyền điều hành ASEAN.
Ông Sokhonn nói với Reuters: “Tuy tất cả chúng tôi tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên, song tình hình ở Myanmar tiếp tục là một chủ đề gây quan ngại sâu sắc”.
\”(Nó) có tác động tiêu cực đến khu vực, đến uy tín của hiệp hội và tới người dân Myanmar, những người anh chị em của chúng tôi\”, vẫn theo lời ngoại trưởng của Campuchia.
Bằng một động thái chưa từng có, ASEAN đã gạt nhà lãnh đạo chính quyền quân quản của Myanmar là Min Aung Hlaing khỏi một loạt các cuộc họp thượng đỉnh châu Á mà ASEAN đăng cai trong tuần này.
Tướng Min Aung Hlaing, người cầm đầu cuộc đảo chính ngày 1/2 dẫn đến tình trạng hỗn loạn đẫm máu, đã bị gạt ra ngoài lề vì không thực hiện cam kết của ông với ASEAN về ngăn chặn bạo lực, bắt đầu đối thoại và cho phép tiếp cận viện trợ nhân đạo, cũng như cho một đặc phái viên của ASEAN được vào Myanmar.
Ngoại trưởng Sokhonn nói Campuchia tán thành việc gạt bỏ ông Min Aung Hlaing, lưu ý rằng chính quyền quân sự Myanmar từ chối cho phép đặc phái viên hiện tại của ASEAN là Erywan Yusof, một quan chức Brunei, được gặp gỡ tất cả các bên liên quan ở Myanmar.
Nhưng ngoại trưởng Campuchia cho rằng \”vào thời điểm này\” mà nói về việc tiếp tục loại bỏ vị tướng của Myanmar là điều không còn phù hợp.
\”Mọi việc có thể biến chuyển và sẽ biến chuyển\”, ông nói, \”Điều đó sẽ phụ thuộc nhiều vào Myanmar\”.
Hai nhà ngoại giao trong khu vực, đề nghị không nêu tên, cho biết ASEAN sẽ sử dụng việc gạt ông Min Aung Hlaing sang bên lề để làm đòn bẩy nhằm buộc ông cho phép đặc phái viên ASEAN gặp các đối thủ của giới quân đội.
Hai nhà ngoại giao này nhận định rằng phép thử tiếp theo đối với quyết tâm của ASEAN trong việc gạt chế độ quân sự Myanmar sang một bên sẽ là hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-ASEAN vào tháng tới, dự kiến sẽ có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự.
Hai nhà ngoại giao cho biết thêm rằng có rất ít khả năng là ông Min Aung Hlaing sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN-EU vào cuối năm nay, chí ít là do bị châu Âu phản đối gay gắt.