VTV được lệnh tắt quốc ca Đài Loan trong trận gặp U23 Việt Nam
Hành động của nhà đài cho thấy Ban Tuyên giáo Trung ương kiểm duyệt triệt để mọi yếu tố liên quan đến Đài Loan theo lệnh của Bắc Kinh.
Hôm 27/10/2021, nhiều khán giả xem tường thuật trực tiếp trận U23 Việt Nam – U23 Đài Loan trên VTV hết sức ngạc nhiên khi thấy nhạc quốc ca Đài Loan bị “mất tiếng” trong khoảng một phút và chỉ mở lại khi câu cuối cùng vang lên và âm thanh không gặp vấn đề gì từ lúc đó.
Đây là trận đầu tiên của bảng I vòng loại U23 châu Á 2022.
Nhiều khán giả bày tỏ sự hoang mang khi họ chỉ nghe được tiếng “e, e” ở đoạn cuối cùng của quốc ca Đài Loan.
Trận đấu phát lại trên kênh VTV5 và VTV6 đều có tình trạng nêu trên.
Mặt khác, báo đảng cũng được lệnh là ghi “U23 Đài Loan (Trung Quốc)” hoặc “U23 Đài Bắc Trung Hoa” dù Đài Loan là một quốc gia độc lập.
“Sai lầm nghiêm trọng của đài truyền hình quốc gia”
Có lẽ để tránh cho công luận dị nghị và bàn tán, trận đấu được phát lại trên YouTubemất tiếng cả phần quốc ca Đài Loan lẫn quốc ca Việt Nam.
Một số ý kiến trên mạng xã hội suy đoán rằng nhà đài VTV “bổ sung” màn… tắt luôn cả tiếng của quốc ca nước mình cho nó… “công bằng”? Ngoài ra, trong một video khác của VTVcab, toàn bộ đoạn đầu, trong đó có hát quốc ca đều bị cắt bỏ.
Động thái của Đài VTV đã có tiền lệ. Từ nhiều năm trước, phóng viên truyền thông nhà nước ở Sài Gòn đã bị Ban Tuyên giáo Trung ương cấm cản việc tham dự lễ Quốc khánh Đài Loan vào ngày song thập 10/10 hàng năm.
Bên cạnh đó, các báo cũng chỉ được đề cập bà Thái Anh Văn là “lãnh đạo Đài Loan” chứ không được ghi bà là “tổng thống”.
Ông Đinh Kim Phúc, nhà quan sát ở Sài Gòn, được Đài Á Châu Tự Do dẫn lời: “Tôi cho rằng cái hành động tắt tiếng khi mà đội tuyển Đài Loan hát quốc ca như thế là một sai lầm nghiêm trọng, tức là không có văn hóa.
Thứ hai là không tôn trọng đối thủ của mình trên sân cỏ vì đây là một trận đấu thể thao, không phải là hành động chính tri, liên kết chính trị hay đấu tranh chính trị….
Tôi cho rằng đấy là một sai lầm nghiêm trọng của đài truyền hình quốc gia, không thể chấp nhận được. Nên rạch ròi giữa chính trị và thể thao dù chính quyền Việt Nam chỉ công nhận “một Trung Quốc”.
“Việt Nam không nên phản đối Đài Loan”
Hồi cuối tháng 9/2021, Hà Nội rơi vào một tình huống tế nhị khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao CSVN hoan nghênh Trung Quốc là thành viên gia nhập Hiệp định CPTPP.
Thời điểm đó, các nhà quan sát đặt câu hỏi: Vậy Việt Nam nên đưa quyết định như thế nào trong trường hợp Đài Loan? Đài Loan và Việt Nam có rất nhiều liên hệ từ văn hóa đến kinh tế. Nhiều doanh nghiệp Đài Loan đã đến Việt Nam đầu tư từ rất sớm, ngay khi Việt Nam mới mở cửa. Công ty Phú Mỹ Hưng là một ví dụ cụ thể. Chưa kể có rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại hòn đảo này.
Giáo sư Trần Văn Thọ, chuyên gia kinh tế tại Nhật Bản, được Đài Á Châu Tự Do dẫn lời: “Nếu hầu hết các nước trong CPTPP đều đồng ý cho Đài Loan tham gia mà chỉ có Việt Nam phản đối thì rất không hay. Đài Loan có quan hệ kinh tế (đầu tư và mậu dịch) khá mật thiết với Việt Nam.
Nếu phản đối Đài Loan, Việt Nam sẽ phải giải thích với cộng đồng quốc tế như thế nào? Nếu nói là muốn tôn trọng chủ trương chỉ có một Trung Quốc thì trong trường hợp này không có sức thuyết phục lắm và gây ấn tượng là bị Trung Quốc tác động.
Theo tôi, Việt Nam không nên phản đối Đài Loan. Việt Nam nên đồng ý cho cả Trung Quốc và Đài Loan tham gia. Việt Nam có thể chủ trương phân ly chính trị và kinh tế mà trường hợp này CPTPP chỉ là tổ chức thúc đẩy hợp tác kinh tế. Trong quá khứ đã có hai tiền lệ cả Trung Quốc và Đài Loan đều là thành viên trong tổ chức khu vực hoặc quốc tế.
Đó là Diễn đàn Kinh tế Á châu Thái bình dương (APEC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). APEC ra đời năm 1989, cả Trung Quốc và Đài Loan gia nhập năm 1991. WTO ra đời năm 1995, Trung Quốc gia nhập năm 2001 và Đài Loan năm 2002.
Mong thấy bản lĩnh của Việt Nam trước cục diện mới của CPTPP.”
Định Tường
Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn