Tiền lương ở Mỹ tăng cao kỉ lục trong 20 năm qua
30/10/2021
Tiền lương của người lao động ở Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 20 năm qua trong ba tháng kết thúc vào tháng 9. Việc này chứng tỏ người lao động Mỹ đang ngày càng yêu cầu được trả lương cao hơn từ các công ty đang ra sức tuyển thêm nhân công cho số lượng việc làm nhiều kỉ lục.
Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Sáu cho biết tiền lương tăng 1,5% trong quý ba năm nay và tăng mạnh so với mức 0,9% của quý trước. Giá trị phúc lợi tăng 0,9% trong quý hai từ tháng 7 đến tháng 9, cao hơn gấp đôi so với ba tháng trước đó.
Người lao động đã giành được ưu thế trên thị trường việc làm lần đầu tiên sau ít nhất hai thập niên và họ đang được trả lương cao hơn, được nhiều phúc lợi hơn, và những ưu đãi khác như giờ làm việc linh hoạt, theo AP. Dữ liệu của chính phủ cho thấy với nhiều việc làm hơn số người thất nghiệp, các doanh nghiệp buộc phải nỗ lực nhiều hơn để thu hút nhân viên.
Những người lao động được trả lương thấp được tăng lương nhiều nhất, với mức lương cho nhân viên tại các nhà hàng, quán bar và khách sạn tăng 8,1% trong quý ba so với một năm trước đó. Đối với nhân viên bán lẻ, con số này đã tăng 5,9%.
Với xu hướng tiền lương tăng cao, hàng triệu người Mỹ đang bỏ việc để tìm những vị trí được trả lương cao hơn. Trong tháng 8, gần 3% người lao động ở Mỹ bỏ việc, một tỉ lệ cao kỉ lục. Số người nghỉ việc cao hơn cũng có nghĩa là các công ty phải tăng lương để giữ nhân viên của họ.
Những người lao động nhảy việc đang chứng kiến một số mức tăng thu nhập mạnh nhất trong nhiều thập niên. Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta, vào tháng 9 những người nhảy việc chứng kiến mức lương của họ tăng 5,4% so với một năm trước đó. Con số này tăng từ mức chỉ 3,4% trong tháng 5 và là mức tăng lớn nhất trong gần 20 năm. Đối với những người ở lại làm việc, lương tăng 3,5%.
Người lao động nhảy việc hoặc bỏ việc đang khiến các doanh nghiệp chật vật kiếm người trám đầy các vị trí trong khi nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng trở lại. Điều này cũng không là ngoại lệ đối với ngành làm móng có đông đảo nhân công là người gốc Việt.
Ông Tâm Nguyễn, chủ tịch hội Nailing it for America vận động cho quyền lợi của nhân viên và chủ lao động trong ngành làm móng, cho biết ngành này đang có một cuộc “khủng hoảng to lớn” vì thiếu người lao động.
Ông nói nguyên nhân chính là nhiều người vẫn còn lo ngại về COVID-19 lây lan trong khi những người khác đã đổi nghề do hoàn cảnh gia đình thay đổi. Một số vẫn nhận chi phiếu hỗ trợ thất nghiệp của chính phủ trong khi một số khác vẫn làm nghề cũ nhưng chuyển sang làm việc tự do không lệ thuộc vào chủ.
Đối với những người quay trở lại tiệm làm việc, “lương vừa cao hơn, vừa có nhiều phúc lợi hơn, và giờ giấc cũng được tốt hơn,” ông Tâm nói.
“Theo những gì mà các chủ tiệm chia sẻ với tôi, họ tăng trung bình khoảng 25-30% mức lương hàng giờ cũng như phần ăn chia cũng tăng cao hơn. Một số thợ còn chia sẻ rằng lúc này sự thật là đông khách hơn, khách có nhu cầu làm rất cao, làm cũng nhiều hơn và tiền cũng nhiều hơn.”
Lạm phát cao hơn đang làm hao hụt một số khoản tăng lương, nhưng trong những tháng gần đây, mức lương tổng thể đã theo kịp với mức tăng giá cả. Các nhà kinh tế cho biết mức tăng tiền lương 1,5% trong quý ba cao hơn mức tăng lạm phát 1,2% trong cùng kì.
Jason Furman, cựu cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Barack Obama, hôm 29/10 cho biết tiền lương được điều chỉnh theo lạm phát vẫn thấp hơn mức trước đại dịch, do sự tăng giá lớn xảy ra trong mùa xuân và mùa hè đối với xe hơi mới và đã qua sử dụng, đồ nội thất và vé máy bay.
Lạm phát có giảm dần trong những tháng tới hay không sẽ xác định mức độ lợi ích mà người lao động nhận được từ mức lương cao hơn.
Nhiều nhà kinh tế kì vọng lạm phát sẽ chậm lại một chút, trong khi tiền lương có thể tiếp tục tăng.
Bài viết sử dụng thông tin của AP.