Khí hậu : Biden thất vọng vì nguyên thủ Nga và Trung Quốc không dự trực tiếp COP26
Đăng ngày: 01/11/2021
Chi Phương
Hội nghị khí hậu toàn cầu COP26 chính thức khai mạc ngày 31/10/2021 tại Glasgow, Anh Quốc mà không có sự tham dự trực tiếp của tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là hai trong số những nước gây nhiễm lớn nhất trên thế giới.
Trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh G20, kết thúc ngày 31/10, tại Roma, Ý, tổng thống Mỹ bày tỏ thất vọng về việc « Nga và Trung Quốc không ra mặt » khi « phải đưa ra cam kết về khí hậu ». Lãnh đạo hai quốc gia này chỉ tham gia họp trực tuyến.
Trung Quốc và Nga tự đặt dấu mốc đến 2060 để cắt giảm khí thải carbon, trong khi Ý và Hoa Kỳ lại đưa ra mục tiêu đến năm 2050. Theo tổng thống Biden, cộng đồng quốc tế « đã đạt được những tiến bộ đáng kể và cần phải làm nhiều hơn nữa ». Nhưng cũng cần phải xem xét những gì mà « Trung Quốc không cam kết, những gì mà Nga và Ả Rập Xê Út, từ chối thực hiện ».
Nga đổi giọng về biến đổi khí hậu
Về phần Nga, quốc gia hơn 144 triệu dân vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Nga là nước gây ô nhiễm đứng hàng thứ 4 thế giới. Chính vì vậy, giới chức Nga đã cho rằng khí hậu trên trái đất nóng lên là một « cơ hội ». Tuy nhiên, từ nay, Nga đã thay đổi giọng điệu trong hồ sơ này.
Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri gửi về bài tường trình :
« Từ lâu nay, Vladimir Putin được xếp vào danh sách «những người nghi ngờ về biến đổi khí hậu ». Ông hoài nghi việc nhiệt độ trên trái đất tăng lên là do con người gây ra, và chú trọng vào vấn đề tăng trưởng. Cách nay vài năm, ông còn nói là có gì đáng phàn nàn về việc nhiệt độ trên trái đất tăng lên vài độ C. Chủ nhân điện Kremlin khi đó ca ngợi những cơ hội mang lại do tan băng ở Bắc Cực như khai thác khí đốt, dầu mỏ, và các khoáng sản khác, hay là việc mở các tuyến hàng hải mới.
Cùng lúc đó, các vụ hỏa hoạn trên quy mô lớn ở Siberi và sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu dưới lòng đất ở Bắc Cực đã gây ra nhiều lo ngại, đến mức vào giữa tháng 10, công luận đã ngỡ ngàng khi Vladimir Putin thông báo Nga đề ra mục tiêu trung hòa carbon, chậm nhất đến năm 2060. Đây quả thực là một sự thay đổi phương hướng, nhưng theo nhịp độ của Nga và không phải bằng bất cứ giá nào.
Matxcơva vẫn kiến quyết phản đối dự án của châu Âu đánh thuế carbon ở biên giới Nga. Dự án này được xem như là « bài Nga » ở một nước còn rất phụ thuộc vào than đá. Thứ Năm tuần trước, ngày 29/10, một nhà ngoại giao Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga đã ngăn cản các doanh nghiệp Nga tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng ».