COP26: Khoảng 100 nước cam kết cắt giảm mạnh khí mêtan trước 2030
Đăng ngày: 03/11/2021
Trọng Thành
Cam kết cắt giảm mạnh khí mêtan (methane), bị coi là thủ phạm hàng đầu khiến Trái đất bị hâm nóng, là một bước đột phá tại Glasgow, Scotland hôm qua, 02/11/2021, ngày thứ ba của thượng đỉnh Khí hậu COP26. Khoảng 100 quốc gia tham gia cam kết cắt giảm 30% khí mêtan trước 2030.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời của lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE) Fatih Birol, đánh giá « đây là một biến cố lịch sử ». Theo giám đốc điều hành của AIE, mục tiêu nói trên nếu đạt được sẽ tương đương với việc cắt giảm toàn bộ lượng khí thải của các hoạt động giao thông đường bộ, hàng hải và hàng không.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng nhấn mạnh, khí mêtan là thủ phạm của « khoảng 30% phần nhiệt độ gia tăng của Trái đất (do các hoạt động của con người) kể từ đầu kỷ nguyên công nghiệp đến nay ». Giáo sư Joanna Haigh, chuyên gia ngành vật lý khí quyển, đại học hoàng gia Anh Imperial College London, dự báo việc các cam kết cắt giảm mêtan nói trên sẽ cho phép giảm được khoảng một phần ba độ C trước năm 2045, và điều này là « một đóng góp quan trọng giúp cho việc hãm lại đà hâm nóng Trái đất ».
Theo Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP / PNUE) và Liên minh Khí hậu và Chất lượng không khí (CCAC), giảm được 45% lượng mêtan từ đây đến 2030 sẽ cho phép giữ được mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5°C. Theo UNEP, việc cắt giảm khí mêtan không đòi hỏi nhiều chi phí. Các công nghệ hiện có cho phép dễ dàng giảm được 50% lượng khí thải mêtan của ngành dầu khí, được coi là thủ phạm số một của khí mêtan rò rỉ.
Khí thải mêtan (CH4) ít được nói đến hơn so với khí cacbon (CO2), nhưng tác động mạnh hơn rất nhiều đến nhiệt độ Trái đất so với khí cacbon, xét về ngắn hạn : cao gấp 28 lần so với cacbon tính theo thời gian một thế kỷ, và gấp đến 82 lần tính trong khoảng thời gian 20 năm.
Mỹ sẽ cắt giảm 41 triệu tấn khí mêtan từ 2023 đến 2035
Chính quyền Mỹ muốn chứng tỏ lời nói đi đôi với hành động và thể hiện vai trò làm gương của nước Mỹ. Cũng ngày hôm qua, Washington thông báo sẽ ban hành sớm các quy định giúp cho việc giảm ngay 41 triệu tấn khí mêtan từ 2023 đến 2035. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) thông báo sẽ công bố các dự thảo quy định trong lĩnh vực này để thảo luận rộng rãi (theo quy định của luật pháp nước Mỹ), và dự kiến các quy định chống rò rỉ khí mêtan sẽ được ban bố trước cuối năm 2022.
Điểm được giới quan sát đặc biệt chú ý là các quy định này sẽ được áp dụng ngay cho các cơ sở đã có, chứ không chỉ cho các cơ sở mới. Ngành công nghiệp dầu khí chiếm khoảng 30% lượng khí thải mêtan của nước Mỹ. Hãng tin AFP dẫn thông báo của Nhà Trắng cho biết bộ Giao Thông Mỹ cam kết sẽ thiết lập các quy định nhằm giảm bớt lượng khí mêtan rò rỉ khỏi các đường ống dẫn dầu và khí đốt. Phủ tổng thống Mỹ cũng nhắc lại cam kết sẽ bịt « hàng trăm nghìn » giếng dầu và khí, thủ phạm của tình trạng thải khí mêtan quy mô lớn.
Việt Nam tham gia dự án cắt giảm khí mêtan
Dự án cắt giảm ít nhất 30% khí thải mêtan trước 2030 được chính quyền Biden và Liên Hiệp Châu Âu chính thức công bố hồi giữa tháng 9/2021. Trước thềm thượng đỉnh, hàng chục quốc gia đã tuyên bố tham gia dự án này, trong đó có Canada, Brazil, Hàn Quốc, Nhật Bản, Colombia và Achentina. Hiện tại Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Úc không tham gia.
Có mặt tại Glasgow, hôm qua 02/11, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã tham dự lễ ký kết thỏa thuận cắt giảm khí mêtan, do Mỹ và Liên Âu và khởi xướng. Ngày 01/11, Việt Nam chính thức cam kết hướng tới mục tiêu « trung hòa khí thải » trước năm 2050.