Lithuania nói EU phải \’cảnh giác\’ TQ sau khi Ngoại trưởng Đài Loan thăm bốn nước EU
4 giờ trước
Một thứ trưởng ngoại giao Lithuania nói các nước thuộc Liên hiệp châu Âu cần phải \”đứng lên bảo vệ dân chủ\” trước cách hành xử của Trung Quốc.
Quan chức này gọi đây là \”wake-up call\”(lời cảnh báo) trước việc Bắc Kinh \”gây sức ép\” lên Lithuania.
Phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Hoa Kỳ hôm 03/11/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Lithuania Arnoldas Pranckevičius phê phán cách Bắc Kinh \”đối xử nước ông\” sau khi CHND Trung Hoa gọi đại sứ từ Vilnius về nước và yêu cầu Lithuania rút đại sứ của mình vì vấn đề Đài Loan.
Trước đó, Lithuania trở thành quốc gia EU đầu tiên đồng ý cho Đài Loan mở văn phòng đại diện chính danh, chứ không phải ghi là \’Văn phòng thương mại hay Văn phòng Văn hóa Đài Bắc\’ như ở nhiều nước khác trên thế giới.
Việc thách thức chính sách Một Trung Hoa này khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ.
Hồi tháng 8, Trung Quốc yêu cầu Lithuania rút đại sứ (vừa tới nhậm chức) khỏi Bắc Kinh sau khi Đài Loan tuyên bố sẽ mở \”Taiwanese Representative Office\” ở Lithuania.
Việc trừng phạt kinh tế từ Trung Quốc có thể sẽ tới nhưng bản thân Lithuania đã rút ra khỏi dự án 17+1 mà Trung Quốc khởi xướng gần đây, nhằm phát triển Vành đai & Con đường vào châu Âu.
Hoa Kỳ ủng hộ, EU chuyển biến?
Cũng trong tháng 8 Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói chuyện với người tương nhiệm Lithuania và bày tỏ sự ủng hộ để quốc gia vùng Baltic \”chống chọi sức ép của TQ\”.
Hôm 21/08/2021, ông Blinken hứa sẽ phối hợp với Lithuania để có \”hành động chung\”.
Hoa Kỳ gần đây đã đẩy mạnh quan hệ kinh tế, an ninh và quân sự với Đài Loan để chống lại Trung Quốc.
Trả lời CNN hôm 28/10, Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn xác nhận tin về sự hiện diện của một số quân nhân Hoa Kỳ ở Đài Loan để làm công tác huấn luyện cho quân đội Đài Loan.
Bà cũng bày tỏ tin tưởng Hoa Kỳ \’sẽ bảo vệ Đài Loan\’ trong lúc căng thẳng với Trung Quốc vẫn lên cao.
Không chỉ Lithuania, quốc gia trên 4 triệu dân từng thuộc Liên Xô cũ, thay đổi thái độ với Trung Quốc, mà cả CH Czech, Slovakia, Pháp cũng dần dần gần lại với Đài Loan.
Mới đây, thượng nghị sĩ Pháp, ông Alain Richard, người từng là Bộ trưởng Quốc phòng, đã đến thăm Đài Loan và gặp Tổng thống Thái Anh Văn, bất chấp phản đối của Trung Quốc.
Tại hội đàm với bà Thái Anh Văn, ông Alain Richard nói văn phòng đại diện của Đài Loan ở Paris \”làm rất tốt công việc đại diện cho quốc gia mình\”.
Bộ Ngoại giao TQ ở Bắc Kinh phản ứng ngay lập tức, cho rằng \”gọi Đài Loan là quốc gia là hành động vi phạm trắng trợn đồng thuận của cộng đồng quốc tế\”, theo Reuters hôm 08/10.
Cũng trong tháng 10, CH Czech và Slovakia dù bị Trung Quốc cảnh cáo nhưng vẫn đón Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan, ông Joseph Wu (Ngô Chiêu Tiếp).
Không chỉ thăm hai nước EU thuộc vùng Đông Âu cũ và Lithuania, ông Wu đã thăm Brussels, Vương quốc Bỉ, thủ đô chính trị của EU.
Đây là sự kiện \”chưa từng có\” trong quan hệ EU-Trung Quốc, theo VOA bản tiếng Anh.
Bắc Kinh luôn nhấn mạnh Đài Loan \”là một tỉnh\” của họ và phủ nhận mọi quan hệ ngoại giao hòn đảo này (tên chính thức là Trung Hoa Dân quốc), duy trì hoặc phát triển với các nước trên thế giới.
Trang POLITICO hôm 27/10 được ông Reinhard Bütikofer, Chủ tịch phái đoàn chuyên về quan hệ với TQ của Nghị viện EU xác nhận là có chuyến thăm tới Brussels của ông Joseph Wu.
Tuy thế, khác với chuyến đến Slovakia và CH Czech được nói đến nhiều, chuyến thăm của ông Wu sang Brussels \”không được quảng bá rộng\”, theo trang tin trên.
Các nguồn tin châu Âu còn cho hay ông Joseph Wu có lịch bay tới Rome, Ý để tham gia biểu tình chống Trung Quốc trong tuần cuối tháng 10.
Tại châu Âu cho đến nay chỉ có quốc gia Vatican là duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.