Tại châu Phi, G7 tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc
Đăng ngày: 04/11/2021
Minh Anh
Trung Quốc, với chính sách đầu tư hàng tỷ đô la, ít chú trọng đến vấn đề đạo lý và có mức giá chào bán hấp dẫn, đang « cắm rễ » lâu dài tại Châu Phi. Nhóm G7, nhóm bảy nước có nền công nghiệp phát triển nhất, đứng đầu là Hoa Kỳ, đang tìm cách chống lại tầm ảnh hưởng đó bằng cách thực hiện một dự án đầu tư của chính mình. Trên tạp chí Conflit, nhà báo Tom Miller tự hỏi : Liệu G7 có đang làm một việc hoài công không ?
B3W chống BRI ?
Đầu tháng 6/2021, tại thượng đỉnh nhóm G7, tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo dự án mang tên « Build Back Better World » ( tạm dịch Xây dựng hỗ trợ một thế giới tốt đẹp hơn ), gọi tắt là B3W, với sự tham gia của 7 nước dân chủ giàu có trên thế giới. Nhà Trắng giải thích B3W sẽ mang lại một giải pháp thay thế có chất lượng tốt hơn, sạch hơn và bền vững hơn so với dự án BRI của Trung Quốc. Dự án này sẽ đòi hỏi những chuẩn mực về môi trường cao hơn, quản lý tốt và những khoản vay minh bạch.
Thông cáo của G7 mô tả B3W như là một phần của chương trình phát triển rộng lớn nhiều tham vọng, không chỉ đơn thuần là một sáng kiến đầu tư phát triển hạ tầng, chẳng hạn như :
- Huy động 100 tỷ đô la cho các nước thu nhập thấp.
- Khuyến khích các nước giàu chuyển một phần quyền rút vốn đặc biệt tại Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cho Quỹ Giảm nghèo và Tăng trưởng.
- Kêu gọi các tổ chức tài chính đa phương vì phát triển, cụ thể là Ngân hàng Thế giới, tháo khoán nhiều tín dụng hơn cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.
- Thuyết phục nhiều quỹ đầu tư tư nhân đổ vốn vào các nước có thu nhập thấp bằng cách sử dụng các khoản vay có bảo lãnh, hay mua các cổ phiếu để giảm thiểu các đầu tư tư nhân rủi ro. Một cách cụ thể, dự án nhắm mục tiêu 80 tỷ đầu tư tư nhân tại châu Phi trong vòng 5 năm tới.
Một báo cáo được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE công bố gần đây cho thấy tại sao G7 kêu gọi một sự « thay đổi triệt để cách tiếp cận về tài trợ các chương trình phát triển hạ tầng ». Đại dịch Covid-19 đã làm đình trệ, thậm chí đảo chiều, nhiều tiến bộ hướng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển của thế giới. Mức nợ cao đã cản trở nhiều dự án đầu tư mới tại nhiều nước đang phát triển. Những nguồn tài chính ở những nước đó phải đối mặt với những thách thức gay gắt.
OCDE ước tính chỉ cần chuyển giao 1,1% (tức khoảng 4,2 tỷ đô la) tổng số vốn trong năm 2019 nằm trong tay các ngân hàng, các định chế tài chính và các nhà quản lý vốn trên thế giới, là cũng đủ để lấp đầy những khoản thâm hụt tài chính cho phát triển bền vững.
Trung Quốc : « Ông chủ nợ » lớn nhất thế giới
Trớ trêu thay, trước những chỉ trích của G7 về những hoạt động cho vay vô trách nhiệm từ Trung Quốc, tình trạng thiếu vốn cho phát triển trở nên nghiêm trọng hơn do Trung Quốc siết chặt cho vay. Một nghiên cứu của trường đại học Boston cho thấy, hai ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đã cam kết những khoản cho vay có bảo lãnh của Nhà nước trị giá tổng cộng 282 tỷ đô la trong giai đoạn 2013-2019.
Điều này tạo cơ sở cho hơn 750 tỷ đô la đầu tư và những hợp đồng xây dựng tại những nước nằm trong BRI từ năm 2013, theo như số liệu của China Global Investment Tracker. Tuy nhiên, những khoản vay này đã đạt đỉnh năm 2016 và hoạt động của các dự án đã bị thu hẹp lại kể từ năm 2018. Đại dịch bùng phát đã giáng cho BRI một đòn mới: Các khoản đầu tư và hợp đồng xây dựng kèm theo đã giảm xuống còn 65 tỷ đô la Mỹ năm 2020.
Tuy nhiên, nhiều nước đang phát triển mắc nợ rất nặng với Trung Quốc. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy Trung Quốc chiếm giữ đến 63% (112 tỷ đô la) tổng nợ của 68 nước có thu nhập thấp đối với các thành viên khối G20 tính đến cuối năm 2019. Con số này tương đương với mức nợ đối với Ngân hàng Thế giới và cao gấp hai lần mức nợ đối với các nước thuộc khối G7.
Vì sao nợ Trung Quốc lại cao như thế ?
Theo giải thích của Tom Miller, đó là vì tín dụng cho những dự án xây dựng nước ngoài thường được cấp thẳng cho các doanh nghiệp Nhà nước trong hệ thống tài chính công của Trung Quốc và do đó không được hiển thị trong những dòng luân chuyển vốn xuyên biên giới – các khoản Trung Quốc cho vay trên thực tế gần như chắc chắn là cao hơn so với dữ liệu chính thức được công bố.
Do vậy, đối với G7, sáng kiến B3W được xem như là một cơ hội mang đến một giải pháp thay thế có trách nhiệm hơn so với chính sách « ngoại giao bẫy nợ » của Trung Quốc. Sáng kiến này sẽ do các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính phát triển quốc gia, chẳng hạn như Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ và CDC Group của Vương Quốc Anh, thực hiện.
Cho dù những tổ chức đó sẽ khó mà sánh kịp với các ngân hàng Trung Quốc từng đô la một, nhưng họ là những nhà cho vay có kỷ luật hơn và có nhiều kinh nghiệm huy động vốn tư nhân. Tuy nhiên, các tổ chức tài chính đa phương cũng nên ít sợ rủi ro hơn để có cơ hội cạnh tranh với các ngân hàng nhà nước Trung Quốc.
Nhật Bản : Nước khai màn đầu tư lý tưởng cho G7 ?
Trong cuộc cạnh tranh này, Nhật Bản sẽ là quốc gia đặt nền tảng chính trị cho sáng kiến B3W. Về bản chất, sáng kiến này dường như là một phiên bản đa phương của Chương trình Đối tác Cơ sở Hạ tầng Chất lượng năm 2015 của Nhật Bản, chú trọng nhiều về chất lượng các công trình xây dựng, khả năng cạnh tranh cho vay, khả năng sinh lời và trả nợ, cũng như bảo vệ môi trường.
Những nguyên tắc này đã từng được thông qua trong khuôn khổ nguyên tắc của G20 cho những khoản đầu tư có chất lượng trong cơ sở hạ tầng, nhằm làm rõ các quy định và chuẩn mực quốc tế cho các quốc gia chủ nợ lớn.
Chính sách ngoại giao cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ít nhiều dựa trên ý tưởng của Nhật Bản, vốn có từ nhiều thập kỷ trước. Dẫu rằng Trung Quốc hiện là chủ nợ quốc tế lớn nhất, nhưng Nhật Bản vẫn là một đối thủ nặng ký, nhất là tại vùng Đông Nam Á.
Tổng cộng Nhật Bản đã đầu tư khoảng 102 tỷ đô la trong khu vực giai đoạn 2013-2018, cao gấp hai lần của Trung Quốc. Cụ thể, tại 6 nước có nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam, tổng giá trị các dự án đầu tư từ Nhật Bản là 367 tỷ đô la tính đến giữa năm 2019, so với con số 255 tỷ từ Trung Quốc. Cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết cho vay 200 tỷ đô la cho các dự án xây dựng trên thế giới giai đoạn 2017-2021, trong khuôn khổ một chiến dịch mở rộng ưu tiên phát triển những « cơ sở hạ tầng có chất lượng ».
Trong bối cảnh này, kế hoạch của G7 huy động 100 tỷ đô la cho các nước có nguồn thu thấp là không quá tham vọng. Dù vậy, cam kết hào phóng của Mỹ bảo đảm « hàng trăm tỷ đô la đầu tư trong cơ sở hạ tầng » cho sáng kiến B3W có vẻ mang tính cạnh tranh, nhưng dường như cũng khó thể thực hiện.
Chống BRI : « Nói dễ, làm khó » !
Trên thực tế, B3W không phải là nỗ lực đầu tiên để chống BRI. Tổng thống Mỹ tiền nhiệm, Donald Trump, năm 2019, đã cho lập DFC, một Ngân hàng về Phát triển mới, với mức vốn ban đầu là 60 tỷ đô la. Sau hai năm hoạt động, quy mô cấp vốn và huy động vốn vẫn chưa thể sánh bằng của Trung Quốc.
Tại châu Á, Hoa Kỳ cùng với Nhật Bản và Úc có sáng kiến lập mạng lưới Blue Dot, một « cơ chế chứng nhận toàn cầu » cho những công trình cơ sở hạ tầng có chất lượng, nhằm làm nản lòng các nhà đầu tư hay các quỹ cung cấp vốn tư nhân tham gia vào các công trình cơ sở hạ tầng nằm trong dự án BRI của Trung Quốc, nhưng dự án này không tiến triển.
Tương tự, Liên Hiệp Châu Âu đưa ra chiến lược « Kết nối châu Âu và châu Á », cổ động cho « tính kết nối bền vững, toàn diện và dựa trên các quy định », được tài trợ từ mọi nguồn ngân sách, những khoản vay từ các ngân hàng phát triển và đầu tư tư nhân châu Âu. Nhưng ý tưởng này cũng gặp nhiều khó khăn do những rào cản quá lớn về các quy định và chuẩn mực của châu Âu.
Một dự án khác cho thấy rõ sự bất khả của G7 trong nỗ lực ngăn cản BRI của Trung Quốc : Tuyến đường cao tốc nối Nairobi và Mombasa trị giá 2,2 tỷ đô la, một chương trình hợp tác công-tư, đã bị Mỹ tạm ngưng cấp vốn tài trợ. Tuy đại sứ Mỹ lưu ý rằng dự án đầu tư này « sẽ không làm cho Kenya phải chịu một món nợ không thể gánh nổi », nhưng 5 năm sau, số tiền tài trợ vẫn chưa thấy đến.
Đối với tác giả, đây là một lời cảnh báo nhỏ cho B3W, dự án cũng đòi hỏi một sự phối hợp tài chính tương tự giữa Nhà nước và tư nhân. Rất ít các nước trong khối G7, thậm chí là không một nước nào, sẽ thông qua những nguồn quỹ quan trọng cho xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài trong điều kiện hạn chế ngân sách như hiện nay. Và người ta cũng không thể trông cậy vào nguồn vốn tư nhân để lấp đầy những lỗ thủng tài chính của những dự án nước ngoài đầy rủi ro đó.
G7 sẽ phải vất vả cạnh tranh
Khi sẵn sàng tài trợ cho những dự án xây dựng, Bắc Kinh nhắm đến những lợi ích chiến lược nhiều hơn là lợi nhuận tài chính. Trung Quốc đề nghị một gói duy nhất về tài chính và xây dựng, nhanh chóng, dễ dàng và giá rẻ. Trung Quốc chấp nhận đưa hối lộ nếu thấy cần thiết và đòi hỏi những hợp đồng khép kín có lợi cho chính các doanh nghiệp của mình.
Với Hoa Kỳ, những thỏa thuận này còn nhằm « che giấu các mánh lới » của những nước đó chẳng hạn như có được sự hậu thuẫn ngoại giao ngầm từ Bắc Kinh tại những diễn đàn quốc tế. Nhưng tác giả cũng cho rằng, thái độ khăng khăng của G7 về một sự quản trị tốt còn là một điều kiện tồi tệ cho rất nhiều nước nghèo, ít quan tâm đến một « giải pháp thay thế dân chủ » trong sạch, chậm chạp và đắt đỏ hơn so với đề nghị của Trung Quốc.
Dù có những khuyết điểm, nhưng BRI vẫn sẽ vận hành và khó mà khai tử. Bằng chứng là trong năm 2021, Nigeria vừa cho khánh thành tuyến đường sắt hai chiều hiện đại đầu tiên dài 157 km của Tây Phi, nối Lagos thành phố công nghiệp Ibadan. Dự án trị giá 1,5 tỷ đô la do China Civil Engineering Construction thực hiện và được China Exim Bank cấp vốn.
Trên toàn vùng châu Phi, Trung Quốc xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng hiện đại mà châu lục đang rất cần. Khối G7 cũng có kế hoạch tập trung mọi nỗ lực thiết yếu trên phương diện cơ sở hạ tầng tại châu Phi, nhưng Trung Quốc đã đi trước một bước rất dài.
Thế nên, cuộc cạnh tranh thật sự giữa BRI và B3W có lẽ sẽ rất tích cực cho những nước đang tìm kiếm các cơ sở hạ tầng, nhất là nếu cuộc cạnh tranh đó có thể thúc đẩy Trung Quốc cải thiện luật chơi của mình. Để cho điều đó có thể xảy ra, G7 phải chứng tỏ được B3W không chỉ là những tuyên bố suông, mà phải có một kế hoạch rõ ràng để gây quỹ và nêu rõ các mục tiêu của mình.
Điều này có thể bao gồm cả việc gộp các chương trình hiện có, như mạng lưới Blue Dot và chiến lược kết nối của EU, vào trong khuôn khổ sáng kiến B3W. Dù vậy, việc phát triển một chiến lược có điều phối sẽ đòi hỏi nhiều am hiểu ngoại giao lớn và một quyết tâm chính trị còn lớn hơn nữa. Chỉ có điều, tác giả bài báo trên tạp chí Conflict kết luận: những gì diễn ra những năm gần đây cho thấy điều này sẽ khó mà thực hiện!