Chuyên gia Liên Hiệp Quốc kêu gọi Việt Nam và Ả Rập Xê Út chấm dứt nạn buôn người làm nô lệ lao động
RFA
2021-11-04
Những người phụ nữ Việt lao động tại Ả Rập Xê Út kêu cứu BPSOS/CAMSA International
Các chuyên gia về Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 4/11 đã ra thông cáo báo chí kêu gọi Chính phủ Việt Nam và Ả Rập Xê Út hợp tác ngăn chặn việc đưa phụ nữ Việt sang làm giúp việc nhà ở Ả Rập Xê Út nhưng thực ra là làm nô lệ và bị đối xử tàn tệ.
Thông cáo báo chí có đoạn viết: “Chúng tôi đang chứng kiến bọn buôn người đang nhắm đến những phụ nữ và em gái Việt Nam nghèo khó, rất nhiều người dễ bị tổn thương và đẩy ra ngoài lề… Bọn buôn người hoạt động mà không chịu sự trừng phạt”.
Trong tháng 9 vừa qua, Đài Á Châu Tự Do đã có hai bài phóng sự về tình trạng phụ nữ và em gái Việt Nam bị hành hạ khi làm công việc giúp việc nhà ở Ả Rập Xê Út. Các nạn nhân cho phóng viên RFA biết họ thường bị bỏ đói, đánh đập đến thương tích mà không được đưa đi điều trị, bị quịt tiền lương, thậm chí khi họ yêu cầu được về nước thì chủ nhà cũng không cho về.
Các nạn nhân này đã lên Facebook kêu cứu và được các tổ chức như BPSOS và CAMSA International trợ giúp đưa về nước.
Thậm chí, những công ty tuyển lao động từ Việt Nam đã làm giả giấy tờ đưa những em gái dưới 18 tuổi người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sang làm việc ở Ả Rập Xê Út.
Thông cáo báo chí của các chuyên gia UN đã nói đến trường hợp một em gái 15 tuổi người Việt Nam đã bị chết ở Ả Rập Xê Út sau khi bị chủ nhà đánh đập nhưng không được cho ăn và không được điều trị y tế. Em gái này đáng nhẽ đã được lên máy bay trở về nước nhưng bị từ chối vì giấy tờ giả.
Theo các chuyên gia của UN, từ ngày 3/9 đến 28/10/2021, có khoảng gần 205 phụ nữ, phần đồng là nạn nhân của buôn người, đã được đưa về Việt Nam.
Các chuyên gia UN kêu gọi hai chính phủ tiến hành điều tra độc lập và công bằng về tình trạng vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ và các em gái, điều tra các giới chức có liên quan và truy tố những kẻ phạm pháp.
Báo cáo năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần phải theo dõi về nạn buôn người, tức cấp độ hai (tier 2). Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm nay vẫn đánh giá Việt Nam là chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xoá bỏ tình trạng buôn người dù chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể.