COP26 : Hình thành liên minh chống năng lượng hóa thạch
Đăng ngày: 05/11/2021
Thùy Dương
Năng lượng hóa thạch là nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu. Ngày 04/11/2021, tại Hội nghị khí hậu thế giới COP26 tại Glasgow, Scotland, ít nhất 19 quốc gia, trong đó có những nước đầu tư lớn như Mỹ và Canada, và nhiều định chế tài chính, đã cam kết ngưng đầu tư ngay trước năm 2022 vào các dự án năng lượng hóa thạch ở nước ngoài không sử dụng công nghệ thu giữ CO2.
Trong một thông cáo chung, các nước và định chế tài chính quốc tế ký cam kết ngưng cấp vốn cho các dự án năng lượng hóa thạch, và nhấn mạnh là đầu tư vào các dự án về nhiên liệu hóa thạch không sử dụng kỹ thuật thu giữ cac-bon sẽ ngày càng gây nhiều nguy cơ, rủi ro về kinh tế và xã hội.
AFP nhắc lại, tuần trước, các quốc gia G20 đã nhất trí ngừng hỗ trợ các dự án nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài. Nhưng kế hoạch mới hôm qua lần đầu tiên mở rộng sang cả khí đốt và dầu lửa. Các bên ký cam kết hứa hẹn sẽ chuyển hướng đầu tư sang các loại năng lượng tái tạo. Theo các chuyên gia, nếu cam kết này được duy trì, lĩnh vực năng lượng sạch sẽ được hưởng hơn 15 tỷ đô la đầu tư.
Cũng trong ngày hôm qua, tại COP26, khoảng 40 nước, trong đó có Việt Nam và nhiều vùng lãnh thổ cũng như tổ chức, cam kết dần loại bỏ điện than, tuyên bố chuyển đổi từ than đá sang năng lượng sạch. Trong số này, có các quốc gia nằm trong « top 10 » nước sử dụng than đá để sản xuất điện, như Hàn Quốc, Indonesia và Ba Lan. Đáng tiếc là những nước sản xuất nhiều điện than như Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản hoặc Nga lại không nằm trong « liên minh chống than đá ».
Theo Tasneem Essop, giám đốc Mạng lưới Hành động Khí hậu Quốc tế, sau khi các nước hồi đầu tuần cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải mê-tan, nhiều nhà quan sát cho rằng các thông báo hôm qua thể hiện một « bước đi đúng hướng ». Điều đáng tiếc con số hơn 40 nước lại là quá ít so với kỳ vọng ban đầu của COP26 là sẽ có 190 nước ký cam kết.