4 nhà tiên tri lỗi lạc Việt Nam: Sấm truyền linh ứng cả ngàn năm sau

\"4

Nguyễn Bỉnh Khiêm được coi là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam với nhiều câu sấm được để lại và tập hợp trong Sấm Trạng Trình. (Tượng đài Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm trong khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hải Phòng. Ảnh: Wikipedia)

4 nhà tiên tri lỗi lạc Việt Nam: Sấm truyền linh ứng cả ngàn năm sau

 Bình luậnPhương Lam •  08/11/21

Nói đến tài tiên tri hẳn nhiều người biết đến bà Vanga – nhà tiên tri mù nổi tiếng thế giới người Bulgaria, Nostradamus – Nhà tiên tri lỗi lạc người Pháp thế kỷ 16, hay Gia Cát Lượng – bậc thầy tiên tri người Trung Quốc… Còn ở Việt Nam, thông qua những câu sấm truyền lưu danh hậu thế, nhiều bậc vĩ nhân trong lịch sử Việt Nam đã tiên đoán vô cùng chính xác những sự kiện diễn ra sau hàng thế kỷ.

Vùng đất Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng lại là vùng địa linh nhân kiệt. Trên thực tế, có không ít những nhà tiên tri lỗi lạc của Việt Nam được ghi nhận và lưu truyền sử sách.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Thánh nhân biệt hiệu ‘Đệ nhất tiên tri’

Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585), người mà dân gian quen là Trạng Trình – là một nhà văn hóa lỗi lạc của Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông cũng được coi là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam với nhiều câu sấm được để lại và tập hợp trong Sấm Trạng Trình. Tác phẩm này đưa ra những lời tiên tri trong chiều dài nhiều thế kỷ, đến nay vẫn còn được tìm hiểu và luận giải.

Về tài lý số, tiếng tăm của Trạng Trình truyền tới cả Trung Hoa. Sứ giả triều nhà Thanh tên là Chu Xán cũng dành lời ngợi ca cho ông rằng “An Nam Lý Học Hữu Trình Tuyền”.  

Tương truyền, trước khi chết, Trạng có ghi vào gia phả và dặn con cháu rằng: “Khi nào có khách tới viếng mộ và nói rằng: \”Thánh nhân mắt mù\”, thì phải lập tức mời người ấy vào nhà, nhờ họ đổi hướng lại ngôi mộ cho ta. Nếu trái lời ta, dòng dõi về sau sẽ suy tàn, lụn bại đấy”.

Con cháu làm y như đã dặn. Nhưng chờ mãi đến 50 năm sau, mới có người khách từ phương xa đến, nhìn mộ cụ một lúc rồi nói: “Cái huyệt ở đằng chân sờ sờ thế kia mà không biết, lại tự đem để mả thế này. Vậy mà thánh nhân gì chớ, họa chăng là thánh nhân mắt mù”.

Người trong họ nghe được, chạy về báo với trưởng tộc. Ông này vội vàng ra đón người khách Tàu kia về nhà, xin chỉ dạy cách đặt lại mộ. Thì ra đó là một thầy địa lý nổi danh ở phương Bắc, ông ta tự đắc cho rằng mình giỏi hơn Trạng Trình, và bảo: “Không cần phải đem đi đâu xa cả, chỉ đào mộ lên rồi xoay lại, nhích đi một chút là được”.

Lúc đào lên thấy tấm bia đá chôn trong mộ, lộ ra mấy câu thơ: \”Ngày nay mạch lộn xuống chân/ Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu/ Biết gì những kẻ sinh sau!/ Thánh nhân mắt có mù đâu bao giờ?\”.

Đọc tới đây, vị khách Tàu kinh sợ, lúc này mới thực sự bái phục tài tiên tri kiệt xuất của Trạng Trình.

Dưới đây là những câu sấm còn lưu danh hậu thế của ông:

“Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”: Được biết, khi triều Mạc lâm nguy, vua Mạc đương triều đã sai người đến hỏi Trạng Trình và ông đã đưa ra lời sấm này. Có nghĩa là nếu chạy lên Cao Bằng thì sẽ tồn tại được 3 đời. Quả nhiên, nhà Mạc lên Cao Bằng và tồn tại được thêm 3 đời nữa.

Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”: Đây là lời sấm truyền Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa ra cho nhà Nguyễn. Năm 1568, Nguyễn Hoàng lo sợ Trịnh Kiểm sẽ sát hại mình. Nghe tiếng Trạng Trình giỏi thuật số, nên ngầm sai sứ giả đến xin chỉ dẫn. Khi đó, Trạng trình chỉ vào đàn kiến trên hòn non bộ và nói “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, nghĩa là: Một dải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời. Nguyễn Hoàng nghe theo nên xin vào trấn thủ từ Đèo Ngang trở xuống, quả nhiên về sau gây dựng nên cả một cơ đồ thiên thu vạn đại, mở rộng bờ cõi nước Việt về phía Nam.

Ngoài ra, Trạng Trình từng tiên tri 500 năm trước một số sự kiện xảy ra trong thế kỷ 20, về sự cáo chung của nhà Nguyễn, có lời sấm rằng:

Ðến thời thiên hạ vô quân,
Làm vua chẳng dễ, làm dân chẳng lành
Gà kêu cho khỉ dậy nhanh,
Phụ nguyên số đã rành rành cáo chung”.

Câu sấm này ứng nghiệm vào năm con gà Ất Dậu 1945, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là vua Bảo Đại thoái vị – nhà Nguyễn cáo chung, đất nước “vô quân”, không còn vua nữa.

Một điều đặc biệt nữa, ngay trong phần đầu của tập Sấm ký có tựa đề Trình tiên sinh quốc ngữ, tên gọi Việt Nam đã được nhắc đến: “Việt Nam khởi tổ xây nền”. Danh xưng Việt Nam còn được sử dụng một lần nữa trong bài thơ chữ Hán của ông có tựa đề “Việt Nam sơn hà hải động thưởng vịnh” (Vịnh về non sông đất nước Việt Nam). Theo quan niệm chính thống, thì tên gọi Việt Nam không có trước năm 1804, trong khi cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm lại sống cách ta 500 năm. Vì thế, Trạng Trình được xem là người đầu tiên nhắc đến quốc hiệu Việt Nam. Sấm Trạng Trình về Biển Đông ngày nay: \”Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình/ Chí những phù nguy xin gắng sức/ Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình\”.(Tượng đài Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm trong khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hải Phòng. Ảnh: Wikipedia)

Trong một bài thơ là Cự Ngao Đới Sơn, thuộc tập thơ Bạch Vân am thi tập, Trạng Trình đã viết: \”Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình/ Chí những phù nguy xin gắng sức/ Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình\”. Câu này được xem như lời khuyên của Trạng Trình với thế hệ sau, rằng phải nắm giữ được biển Đông thì đất nước mới thái bình, thịnh trị muôn đời. Mặc dù lời sấm đã khoảng 500 năm nhưng dường như vẫn mang tính thời sự, là một dự báo vô cùng chính xác dành cho hậu nhân chúng ta.

Thiền Sư Định Không – Bậc đại sư tinh thông thế số

Thiền sư Định Không (730-808). Ông là một trong 3 thiền sư thuộc thế hệ thứ 8 thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, tu hành ở chùa Thiện Chúng, hương Dịch Bảng, phủ Thiên Đức.

Xuất thân từ một dòng tộc quyền quý họ Nguyễn, ở hương Cổ Pháp, Bắc Ninh. Sử sách ghi lại rằng ông là người am hiểu thế số, hành động đúng pháp tắc, biết đoán định tương lai, và nổi danh với sự việc giải đoán hậu vận đất nước.

Khi tuổi đã nhiều, nhân đi dự hội ở chùa Long Tuyền, nghe Thiền sư Nam Dương giảng kinh, ông lĩnh ngộ tôn chỉ, quy y đạo Phật, bước vào Phật môn.

Tương truyền, vào khoảng niên hiệu Đường Trinh Nguyên (785-805), khi xây chùa, thợ đào được một bình hương và mười chiếc khánh đồng. Từ đó, Sư Định Không đọc lời sấm truyền linh ứng sau 200 năm về sự ra đời của nhà Lý – đến nay vẫn còn được lưu lại, nội dung như sau:

Pháp khí xuất hiện; Thập khẩu đồng chung
Tính Lý hưng long; Tam phẩm thành công

Tạm dịch:

Hiện ra pháp khí; Mười chiếc chuông đồng
Họ Lý làm vua; Ba phẩm thành công

Trong sách Thiền Uyển tập anh cho rằng, ngay từ thời điểm năm 785 đến 804, tức hơn 200 năm trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, thiền sư Định Không đã biết trước được việc triều nhà Lý xuất hiện trong lịch sử nên đã làm bài thơ tụng. Câu chuyện mang màu sắc huyền bí này lại gắn liền với ngôi chùa Quỳnh Lâm nổi tiếng đất Kinh Bắc.

Chữ “tam phẩm” được cho là Lý Công Uẩn đang ở chức hàm Tam phẩm mà lên ngôi vua. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng “Tam phẩm thành công” là 3 đời họ Lý mới nên nghiệp – từ Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông ẩn họ Lê, tới Lý Thánh Tông mới chính thức xưng vương và lấy quốc hiệu Đại Việt.Hơn 200 năm trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, thiền sư Định Không đã biết trước được việc triều nhà Lý xuất hiện trong lịch sử nên đã làm bài thơ tụng. (Ảnh: NDTVN tổng hợp)

Theo sử sách, năm Giáp Thân (864), vua Đường cho Cao Biền là một nhà phong thủy đại tài của Trung Quốc thời đó đến Giao Châu làm Tiết Độ Sứ với ý đồ phá long mạch, chặt linh khí.

Ngay từ trước khi Cao Biền nhận lệnh trấn yểm nước Nam, thì năm 808, thiền sư Định Không đã cho gọi người kế tục mình là Sư Thông Thiện đến dặn dò trước khi viên tịch rằng: “Ta muốn mở rộng làng xóm, nhưng e nửa chừng gặp tai họa, chắc có kẻ lạ đến phá hoại đất nước ta. Sau khi ta mất, con khéo giữ pháp này, gặp người họ Đinh thì truyền, nguyện ta đã mãn”.

Nói xong, Thiền Sư Định Không viên tịch, thọ 79 tuổi, vào đời Đường niên hiệu Nguyên Hòa thứ ba (808) năm Bính Tý.

Khoảng 60 năm sau đó, lời của ông đã linh ứng. Nhà Đường cử Tiết Độ Sứ Cao Biền sang cai trị, bóc lột nhân dân ta. Thâm độc hơn, chúng còn đến nhiều vùng đất, thế núi linh thiêng, nơi sẽ sinh người tài giỏi, trấn yểm triệt phá long mạch, trong đó có đất Cổ Pháp của Thiền sư Định Không.

Thiền Sư La Quý – Tiên tri xuất thần, giữ long mạch nước nhà

Thiền sư La Quý (852 – 936 – thuộc thế hệ 10 của thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi) là người họ Đinh, cũng được lịch sử ghi nhận về khả năng tiên tri xuất thần của mình. 

Khi Thiền sư Thông Thiện sắp viên tịch đã gọi sư La Quý đến dạy rằng: “Xưa thầy ta là Định Không thường dặn ta rằng: Người giữ pháp ta, gặp người họ Đinh thì truyền, con đúng là người đó, ta đi vậy”.

Thiền sư La Quý còn được nhắc đến với câu chuyện tiếp tục bảo vệ phong thủy nước nhà, vốn bị Tiết Độ Sứ Cao Biền nhà Đường yểm bùa. 

Theo sách “Thiền Uyển tập anh” ghi chép thì vào thời nhà Đường ở Trung Quốc, vua Đường Ý Tông muốn xâm chiếm nước Nam, nhưng nhận thấy vùng đất nơi đây thời kỳ nào cũng có những nhân tài nổi lên. Vua Đường bèn cho Cao Biền là một nhà phong thủy đại tài sang tìm cách trấn yểm linh khí An Nam, 

Truyền rằng Cao Biền khi sang nước ta quan sát đã viết cuốn Địa lý Cao Biền cảo. Vốn là bậc thầy phong thủy, Cao Biền đã phát hiện một mạch đất cực lớn thuộc loại “đại cán long” xuất phát từ núi Côn Lôn bên Trung Quốc, chạy đến Việt Nam chia làm ba chi lớn, trong đó có hàng chục ngôi đất xuất sinh thiên tử và hàng nghìn ngôi đất lớn nhỏ sẽ sinh ra các bậc anh tài. 

Cao Biền đã đi khắp nơi để tầm long điểm huyệt. Biết thế đất Cổ Pháp sẽ phát đế vương, Cao Biền đã cắt đứt long mạch nơi đây bằng cách đào đứt con sông Điềm (có thể là sông Đuống ngày nay) và 19 điểm ở ao Phù Chẩn (thị trấn Từ Sơn, Bắc Ninh).

Chính ngài La Quý là người đã nối lại long mạch cho làng Cổ Pháp. Năm 936, trước khi viên tịch, ngài La Quý gọi đệ tử chân truyền của mình là Thiền Ông đến dặn:

“Ngày trước, Cao Biền đã xây thành bên sông Tô Lịch, dùng phép phong thủy, biết vùng đất Cổ Pháp của ta có khí tượng Đế vương, nên đã nhẫn tâm đào đứt sông Điềm và khuấy động 19 chỗ trấn yểm ở Phù Chẩn. Nay ta đã chủ trì lắp lại những chỗ bị đào đứt được lành lặn như xưa. Trước khi ta mất, ta có trồng tại chùa Châu Minh một cây bông gạo.

Cây bông gạo này không phải là cây bông gạo bình thường, mà là vật để trấn an và nối liền những chỗ đứt trong long mạch, mục đích để đời sau sẽ có một vị hoàng đế ra đời và vị này sẽ phò dựng chính pháp của chư Phật”.

Thiền sư La Quý để lại lời sấm rằng: 

Đại sơn đầu rồng ngửng
Đuôi cù ẩn Châu minh
Thập bát tử định thành
Bông gạo hiện long hình
Thỏ gà trong tháng chuột
Nhất định thấy trời lên

Vậy việc nối lại khí tượng đế vương làng Cổ Pháp có tác dụng không? Vị đế vương đó là ai?

Có thể thấy, ở câu thứ 3 “thập bát tử” tức chữ thập (十), chữ bát (八), chữ tử (子) tạo thành chữ Lý (李) ý chỉ vị vua sau này mang họ Lý. Hai câu sau nói ra vị vua này lên ngôi vào tháng chuột (tháng 11) năm gà (tức năm dậu 1009). Vị vua mang họ Lý lên ngôi vua vào tháng 11 năm 1009 chính là vua Lý Công Uẩn.

Sự lên ngôi của vua Lý Công Uẩn đã mở ra thời kỳ cường thịnh của Đại Việt, cũng cho thấy sự tài ba của các thiền sư Việt khi tiên tri và phá giải thuật phong thủy của Cao Biền.Thiền Sư La Quý đã dự đoán chính xác thời gian một người họ Lý lên ngôi, chính là Lý Công Uẩn. (nguồn: NTDVN)

Thiền Sư Vạn Hạnh: Thông 3 cõi, Sấm truyền hàng thế kỷ

Thiền sư Vạn Hạnh (938 – 1025) là người họ Nguyễn, quê ở châu Cổ Pháp (Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay). Ông là vị thiền sư có nhiều đóng góp trong việc mở ra nhà Lý, được xem là cố vấn của vua Lê Đại Hành, là thầy của Lý Công Uẩn. Ông cũng là một nhà tiên tri lỗi lạc của nước ta.

Tương truyền, niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất (980), nước Trung Hoa sai Hậu Nhân Bửu đem quân qua đánh nước ta, khi giặc đóng quân ở núi Cương Giáp Lãng, vua Lê Đại Hành mời Thiền sư đến hỏi: “Quân ta thắng bại thế nào?” Ngài tâu: “Chỉ trong bảy ngày thì giặc tất lui”.  

Sau quả nhiên y như lời ngài đã nói, ngoài ra ngài còn rất giỏi về sấm ngữ và độn số, vua Lê Đại Hành và quần thần rất tôn kính, thán phục.

Khi vua Lê Ðại Hành muốn can thiệp vào Chiêm Thành để cứu sứ giả bị Chiêm Thành bắt giữ, nhưng còn do dự nên đã tham vấn Sư Vạn Hạnh. Sư nói ngay rằng đây là cơ hội đừng để mất. Sau đó lời này nghiệm, và trận ấy quân Lê thành công.

Câu chuyện nổi tiếng nhất về khả năng tiên tri của thiền sư Vạn Hạnh gắn liền với cây gạo do thiền sư La Quý trồng ở làng Diên Uẩn. Theo Đại Việt Sử Ký, vào năm 1009, cây gạo này đã bị sét đánh và hiện lên những dòng chữ như sau:

“Thọ căn diễu diễu/ Mộc biểu thanh thanh/ Hoa đao mộc lạc/ Thập bát tử thành/ Đông a nhập địa/ Dị mộc tái sanh/ Chấn cung kiến nhật/ Đoài cung ẩn tinh/ Lục thất niên gian/ Thiên hạ thái bình”

Sư Vạn Hạnh đã giải đoán rằng, trong câu “Thọ căn diễu diễu” – chữ “căn” là gốc, gốc là vua; chữ “diễu” đồng âm với chữ yểu – nghĩa là nhà vua Lê Long Đĩnh sẽ chết yểu. Ở câu 3, chữ “hoa đao mộc” (禾刀木) ghép lại thành chữ “lê” (梨), tức là nhà Lê sẽ sụp đổ. Trong câu “Mộc biểu thanh thanh” – chữ “biểu” là ngọn, ngọn là bầy tôi, chữ “thanh” đồng âm với chữ thịnh, nghĩa là một người trong số quần thần sẽ lên nắm chính quyền. 

Ở câu 4, ba chữ “thập bát tử” (十八子) ghép lại là chữ Lý (李), tức là nhà Lý sẽ lên ngôi. Trong câu “Đông a nhập địa”, chữ “đông” (東) và chữ “a” (阿) ghép thành chữ Trần (陳), nói về sự kế tiếp của nhà Trần sau nhà Lý. Câu “Dị mộc tái sanh” nghĩa là một họ Lê khác (Lê Lợi và nhà Hậu Lê) sẽ lại nổi lên…

\"\"/

Thiền sư Vạn Hạnh không những dự đoán chính xác sự ra đời của nhà Lý mà còn dự đoán sự ra đời của nhà Hậu Lê. (Tượng Lê Lợi ở Thanh Hóa – Nguồn wikipedia – CC BY SA 3.0)

Qua lời sấm này, thiền sư Vạn Hạnh đã tiên đoán chính xác những diễn biến lịch sử của dân tộc trong khoảng 5 thế kỷ, từ thời Tiền Lê đến thời Hậu Lê. Việc cây gạo bị sét đánh và hiện ra lời sấm cũng đã được thiền sư La Quý tiên đoán trước đó với câu “Miên thọ hiện long hình” (Cây gạo hiện long hình), câu thứ 4 trong bài kệ năm 936 của ông.

Thiền Sư Vạn Hạnh được Lý Thái Tổ phong làm Quốc sư, nhưng vẫn ở tại Chùa. Khi quốc gia hữu sự mới vào triều giúp ý kiến cho vua rồi trở về Chùa.

Ngày Rằm tháng Năm năm Thuận Thiên thứ 9 (tức 30/6/1018), khi công hạnh đã viên mãn, Thiền sư gọi đồ chúng lại dặn dò, rồi thị tịch. Cảm mộ đức hạnh của Thiền sư, về sau, vua Lý Nhân Tông (1072-1127) có bài kệ truy tán rằng:

Vạn Hạnh thông ba cõi
Thật hợp lời sấm xưa
Quê hương tên Cổ Pháp
Chống gậy trấn kinh vua

Lời kết

Chúng ta biết rằng những hiện tượng khoa học chưa giải thích được còn rất nhiều, trong đó, những lời truyền dạy của Thần, của Thánh nhân cũng không phải là điều bình thường. Và Sấm ký cũng vậy, đó là một dạng Thần môn – được cho là do các vị thánh nhân, lĩnh ngộ được đạo lý cao thâm lưu lại để chỉ dẫn con người. 

Quả là, khi sự việc chưa diễn ra, khó ai mà đoán biết được ý nghĩa sâu xa của lời sấm. Triều đại hưng vong là do số trời, việc các nhà tiên tri có thể tiên đoán trước sự việc xảy ra hàng trăm năm sau, thậm chí hàng mấy thế kỷ sau – phải chẳng chứng tỏ rằng mọi việc ở thế gian đã có sự sắp đặt, và sự biến động của thời cuộc vốn dĩ nằm ngoài khả năng chi phối của con người?

Phương Lam
Theo Ngẫm Radio

Bài Liên Quan

Leave a Comment