Dùng văn hóa sợ hãi để điều hành đất nước (Phần 1)
100 năm qua, ĐCS Trung Quốc đã dựa vào ‘văn hoá sợ hãi’, sự thiếu hiểu biết và bạo lực để thay đổi suy nghĩ và kiểm soát lòng dân nhằm dễ dàng cai trị đất nước.
Gần đây, Perry Link, một nhà Hán học người Mỹ và là Giáo sư xuất sắc của Đại học California, Riverside, đã xuất bản một bài báo nhằm phân tích “Văn hoá sợ hãi” mà chính quyền Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dựa vào để điều hành đất nước. Ông Perry Link nói với VOA rằng: Sự sợ hãi, thiếu hiểu biết và bạo lực luôn là phương tiện chính mà ĐCSTQ dựa vào để thay đổi lòng người và kiểm soát lòng dân.
New York Review of Books – Tạp chí phê bình văn học và chính trị nổi tiếng của Mỹ, đã công bố kết quả nghiên cứu mới nhất của nhà nghiên cứu bệnh học nổi tiếng Perry Link với tên gọi: “Văn hóa sợ hãi” ở khắp mọi nơi và chi phối hoạt động xã hội Trung Quốc đương đại.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, ông Perry Link cho rằng, chính quyền ĐCSTQ kiểm soát toàn bộ đất nước bằng 3 thứ “vũ khí ma thuật” là: Sợ hãi, thiếu hiểu biết và bạo lực.
Ông Perry Link gọi đây là “nỗi sợ hãi đã hoá thạch” (fossilized fear), nó không phải là kiểu sợ hãi nhất thời hay dữ dội như chúng ta nói hàng ngày – mà là một kiểu sợ hãi quen thuộc và “thấm ngập” trong suy nghĩ của người dân. Nỗi sợ hãi này đã điều khiển hành vi, khiến người ta tự nhiên tránh những điều mà họ sợ trong cuộc sống theo bản năng.
Song song với “văn hoá sợ hãi”, ĐCSTQ vận dụng tiếp phương pháp “kiểm soát sự hiểu biết” của người dân, đó là: “thâu tóm trường học và kiểm soát truyền thông”. Bằng cách này, ĐCSTQ cho người dân chỉ được học tập và chỉ được biết những gì mà chính quyền này muốn người dân biết, thế nên người dân sẽ không có đủ kiến thức khác, hoặc góc nhìn khác để đánh giá hoặc phán xét vấn đề ngoài luồng, như trường hợp của Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu là một ví dụ. Dù truyền thông nước ngoài đều quy kết bà Mạnh Vãn Chu là gián điệp, nhưng khi trở về nước bà được người dân đón tiếp long trọng như một “anh hùng”.
Các phương tiện truyền thông nhà nước chính thống của Trung Quốc coi việc trả tự do cho Mạnh Vãn Chu là một chiến thắng của ĐCSTQ. Như tờ People’s Daily Online đưa tin hôm 25/9: “Bằng sự quan tâm và ủng hộ vững chắc của Đảng và nhân dân, bà Mạnh Vãn Chu đã trở về quê hương suôn sẻ sau khi kết thúc 3 năm bị giam giữ bất hợp pháp ở Canada. Đây là một sự kiện lớn đối với Trung Quốc, đây là một sự thắng lợi lớn của nhân dân Trung Quốc”.
Ông Perry Link lúc đó đã gọi điện cho vài người bạn trí thức ở Trung Quốc, họ đều có học thức cao, nhưng do mức độ kiểm soát và phong tỏa thông tin chặt chẽ dưới chế độ này, họ không biết rằng, có 2 công dân Canada bị giam ở Trung Quốc được thả cùng lúc với Mạnh Vãn Chu – thực chất, đó là một cuộc “trao đổi”.
“Ở phương Tây, mọi người đều hiểu rằng, đây là ngoại giao con tin – nếu tôi thả người của anh, anh sẽ trả tự do cho người của tôi. Và bất kỳ doanh nhân phương Tây nào ở Trung Quốc cũng có thể bị giam giữ và trở thành con tin. Đây là một sự thật rất quan trọng. Và bởi vì mọi người đều không biết gì về vụ ‘trao đổi’ giữa Mạnh Vãn Chu và 2 doanh nhân người Canada, nên người dân đều tin rằng, đó là một chiến thắng của ĐCSTQ” – ông Perry Link nói.
Phương pháp thứ 3 mà ĐCSTQ sử dụng để cai trị đất nước được giáo sư Perry Link đề cập đến là: Sử dụng bạo lực để tạo ra nỗi sợ hãi.
Trong bài viết trên tạp chí The New York Review of Books, ông Link đề cập đến một loạt các hệ thống trừng phạt, bắt đầu từ việc “đến thăm” của cảnh sát. Họ nói với bạn rằng, nếu bạn không nói hoặc không làm một việc nào đó thì tương lai bạn sẽ rất xấu. Sau đó, họ sẽ đưa ra những lời đe dọa tinh vi, chẳng hạn như con bạn có thể không được vào trường mà bạn thích. Sau đó là đi đến một kết cục nghiệt ngã như: Giám sát 24 giờ, quản thúc tại gia, nhà tù, tra tấn, tử vong…
Trong toàn bộ xã hội Trung Quốc đều được kiểm soát theo cách thức như vậy. Dần dà, nó tạo ra một nỗi sợ hãi chung và tự động “kích hoạt” để mọi người dân đều “tự kiểm duyệt” chính mình.
Ông Perry Link cho rằng, sự sợ hãi, thiếu hiểu biết và bạo lực chính là 3 cách chính để ĐCSTQ thay đổi suy nghĩ và kiểm soát người dân thời đương đại.
‘Hệ thống sợ hãi’ đi kèm ‘Phần thưởng’ thúc đẩy người dân tự kiểm duyệt chính mình
Xe tăng trong lực lượng quân đội Trung Quốc (Ảnh: Getty)
Ông Link dẫn chứng bằng một nhóm trí thức đã thức tỉnh dưới thời cai trị của Mao Trạch Đông để chỉ ra “chế độ tự kiểm duyệt” được nuôi dưỡng như thế nào dưới một chính quyền độc tài.
Vào mùa thu năm 1952, nhà vật lý thiên văn Phương Lệ Chi, người sau này trở thành một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng, đã đến học tại Đại học Bắc Kinh. Mặc dù ký túc xá của đại học vẫn chưa được xây dựng vào thời điểm đó, ông và các bạn cùng lớp phải ngủ và làm bài tập trên sàn nhà thể dục, nhưng họ vẫn đam mê nghiên cứu và học tập, với tinh thần tràn đầy nhiệt huyết muốn vào Đảng. Nhưng khi nhận thấy mình không còn phù hợp với lý tưởng của ĐCSTQ, ông Phương Lệ Chi tự nghi ngờ bản thân trong một thời gian dài.
Đầu những năm 1950, Lưu Tân Nhạn, người sau này trở thành nhà báo kiêm nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc, cũng bị thu hút bởi những ý tưởng về một “xã hội mới” và làm việc chăm chỉ để hiện thực hoá lý tưởng của mình. Tuy nhiên, ông bất ngờ bị chính phủ gán cho cái mác “cánh hữu”. Ông đã rất ngạc nhiên, phản ứng đầu tiên của ông là: “Ôi trời! Tôi là một người cực hữu. Tôi không nhận ra rằng, Mao Chủ tịch không bao giờ sai. Tôi phải nhìn nhận lại bản thân, tìm hiểu vấn đề này và sửa chữa nó”.
Năm 1991, Tạp chí “Viêm Hoàng xuân thu” bắt đầu xuất bản những hồi ức của những thế hệ người đi trước đã sống dưới chế độ này. Hồi ký mô tả chi tiết cách ĐCSTQ đã lừa dối họ trong những năm đầu mới thành lập của nó. Vì trình độ và tầm ảnh hưởng của những người này rất khó để những người có quyền bắt họ phải im lặng. Tuy nhiên, tạp chí đã ngừng xuất bản vào năm 2016 do chủ tạp chí này bị loại bỏ và thay thế.
Những hành động của nhóm trí thức có khả năng, có học thức để tự nhìn nhận, đánh giá lại bản thân trong những năm đầu ĐCSTQ mới thành lập đã nhanh chóng bị thay thế bằng những cuộc xem xét, “đấu tố và sửa sai” tập thể trong một môi trường chính trị cực đoan.
Ông Perry Link đã đề cập cụ thể trong bài viết rằng, trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa, mọi người bị bắt buộc tham gia “các buổi học tập” để bày tỏ quan điểm của mình. Sau đó, quan điểm của họ bị người khác soi xét xem nó có dấu hiệu nào trái ngược với “tính đúng đắn” của tư tưởng Mao chủ tịch hay không. Nếu ai đó phát hiện ra “vấn đề” hoặc mâu thuẫn trong lời khai của những người nêu quan điểm, họ có quyền “vạch tội” và “quy kết tội” cho người đó. Đó sẽ là một điểm cộng cho người “vạch tội”.
Theo Steve Tsang – Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi, Đại học London (Vương quốc Anh), tin rằng, cho đến tận hôm nay, “văn hoá sợ hãi” dưới thời Mao Trạch Đông vẫn đang được sử dụng ở Tân Cương – nơi người dân hiểu rõ rằng, họ đang bị giám sát, bị theo dõi và bị đo lường rõ ràng. Nếu ai đó làm sai bất kỳ bước nào trong hệ thống tư tưởng của ĐCSTQ, họ sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, ở các khu vực khác của Trung Quốc, “hệ thống sợ hãi” đã trở nên tinh vi và phức tạp hơn.
ĐCSTQ thiết lập một hệ thống bài bản để khiến người dân chìm trong “văn hoá sợ hãi”. “Hệ thống sợ hãi” này có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước Trung Quốc, nó kết hợp với “phần thưởng” nào đó tương ứng để thúc đẩy người dân dưới chế độ cai trị của mình “tự kiểm duyệt” chính mình.
“Người dân được giáo dục để hiểu rằng, không nên vượt qua “lằn ranh đỏ”, nếu ai vượt qua sẽ nhận lấy hậu quả nghiêm trọng. Và, nếu không vượt qua “lằn ranh đỏ”, họ sẽ được thưởng bằng điểm tín dụng công dân, hệ thống tín dụng xã hội sẽ thể chế hóa điều đó. Do đó, bằng một cách âm thầm và lặng lẽ hơn thời của Mao hoặc các vấn đề ở Tân Cương, nó cung cấp “nhiều tự do” hơn một chút cho người dân Trung Quốc. Bởi vì, phần lớn người dân đều không quan tâm đến việc công khai bày tỏ quan điểm chính trị, hoặc thực hiện các hành động chính trị” – ông Steve Tsang nói.
Do đó, Steve Tsang tin rằng, những gì chúng ta đang thấy ngày nay không phải là sự trở lại của “Chủ nghĩa toàn trị Mao cũ”, mà là một phương pháp mới, một chủ nghĩa toàn trị kỹ thuật số hoặc công nghệ thông minh.
“Một hệ thống kiểm soát có chọn lọc suy nghĩ và sở thích của mọi người không chỉ trong phạm vi công cộng mà còn trong phạm vi riêng tư. Đây không phải là một “Hệ thống sợ hãi” chính thức, mà là một hệ thống vào thời gian và địa điểm cần thiết sẽ khiến những người không tuân thủ các quy định có lý do để lo sợ”.
(Còn tiếp)
Theo secretchina