Rosneft bán toàn bộ cổ phần trong liên doanh khai thác ở lô dầu khí 06.1
RFA
2021-11-12
Giàn khoan Hakuryu 5 ở ngoài khơi Vũng Tàu hôm 29/4/2018 Reuters
Hãng tin Nhà nước Nga TASS hôm 12/11 trích báo cáo tài chính của công ty Rosneft cho biết công ty này đã bán toàn bộ cổ phần của công ty trong liên doanh Rosneft Vietnam BV, liên doanh hoạt động tìm kiếm và khai thác dầu khí ở lô 06.1 thuộc bể Nam Côn Sơn của Việt Nam đã từng bị tàu hải cảnh Trung Quốc quấy nhiễu từ năm 2019 đến nay.
Rosneft nắm giữ 35% cổ phần trong Liên doanh Rosneft Vietnam BV, công ty ONGC của Ấn Độ nắm 45% cổ phần, 20% cổ phần còn lại do PVN của Việt Nam nắm giữ. Dự án khai thác khí và khí ngưng tụ ở lô 06.1 được thực hiện theo hợp đồng chia sẻ sản phẩm giữa ba bên và đã kéo dài khoảng 18 năm qua với ba mỏ là Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại.
Từ khoảng giữa tháng 5/2019 đến gần cuối tháng 10 cùng năm, Trung Quốc đã điều tàu hải cảnh và tàu thăm dò Hải dương địa chất 8 vào quấy nhiễu hoạt động thăm dò khi công ty Rosneft Vietnam BV triển khai giàn khoan Hakuryu 5 ra thăm dò ở tại một giếng ở mỏ Phong Lan Dại, cách bờ biển Việt Nam khoảng 190 hải lý, tức nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời cũng nằm trong đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên biển.
Vào tháng 6 năm ngoái, dưới sức ép của Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã phải quyết định bỏ hợp đồng thuê giàn khoan Noble Clyde Boudreaux được sử dụng trong khoan thẩm lượng mỏ Phong Lan Dại của liên doanh Rosneft Vietnam BV.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã cho các tàu khảo sát, tàu cá và tàu hải cảnh vào quấy nhiễu các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của các quốc gia láng giềng bao gồm Việt Nam, Malaysia và Philippines.
Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển nhưng đã bị Toà Trọng tài Quốc tế bác bỏ tính hợp lệ trong một phán quyết vào năm 2016.
Bắc Kinh không muốn các quốc gia láng giềng thực hiện thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông với các nước bên ngoài khu vực mà chỉ muốn hoạt động này được thực hiện với các công ty của Trung Quốc.