Tổ chức nhân quyền lâu đời nhất ở Nga có nguy cơ bị xóa sổ
Đăng ngày: 12/11/2021
Chi Phương
Số phận tổ chức phi chính phủ Memorial ở Nga sẽ được quyết định vào ngày 25/11/2021 tại Tòa Án Tối Cao Nga. Trong thông cáo công bố hôm qua, 11/11, Memorial cho biết Viện Công Tố đã kháng nghị lên Tòa Án Tối Cao, đòi giải thể tổ chức bảo vệ nhân quyền và chuyên điều tra tội ác của chế độ Xô Viết.
Chính quyền Nga trong thời gian qua liên tục gia tăng áp lực đối với các tổ chức phi chính phủ, các phương tiện truyền thông độc lập và đối lập và coi họ là những tác nhân, tổ chức ngoại quốc vì được các quỹ nước ngoài tài trợ.
Hôm 12/11/2021 tổng thư ký của Hội Đồng Châu Âu, bà Marija Pejcinovic Buric chỉ trích việc giải thể tổ chức nhân quyền lâu đời nhất nước Nga là \”một đòn tấn công tàn khốc đối với xã hội dân sự, đây vốn là trụ cột thiết yếu của bất kỳ nền dân chủ nào ». Bà kêu gọi giới chức Nga xem xét lại vụ việc.
Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Jean-Didier Revoin giải thích thêm :
« Nằm trong danh sách các tác nhân ngoại quốc từ năm 2014, tổ chức phi chính phủ Memorial bị Viện Công Tố cáo buộc đã vi phạm liên tục các nghĩa vụ phải tự giới thiệu quy chế này trong các ấn phẩm, kể cả các bài viết đăng trên mạng xã hội. Memorial cho rằng đó là một quyết định chính trị nhằm giải thể tổ chức nhân quyền này, đồng thời cũng nhắc lại rằng ngay từ ban đầu, tổ chức này đã tố cáo luật về các tác nhân ngoại quốc đã được đưa ra để đàn áp các tổ chức độc lập.
Được thành lập bởi nhà đối lập Andrei Sakharov trong thời kỳ cải tổ (Perestroika) từ 1986 đến 1991 của Liên Xô, Memorial là tổ chức nhân quyền lâu đời nhất và mang tính biểu tượng nhất ở Nga. Do vậy tổ chức nhận được rất nhiều ủng hộ.
Ông Nikolaï Svanidze, thành viên Hội đồng cố vấn tổng thống Nga về Nhân quyền và Xã hội Dân sự, cho rằng yêu cầu của Viện Công Tố thật đáng xấu hổ. Ông cũng giải thích là sẽ phụ trách hồ sơ này nhưng không thể bảo đảm có được sự ủng hộ của toàn Hội đồng. Vậy phải chờ xem liệu ông Svanidez có đủ sức để chống lại các nhóm bảo thủ và giành thắng lợi trong vụ này hay không. Do đó, phải đợi đến thứ Năm tới, ngày mà Tòa Án Tối Cao đưa ra phán quyết về vụ này. »
Luật tác nhân ngoại quốc được thông qua vào năm 2012, bắt buộc các tổ chức nhận tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký với bộ Tư Pháp Nga và phải đính kèm từ này (tác nhân ngoại quốc) trên tất cả các ấn phẩm của họ. Danh sách các tác nhân ngoại quốc sau đó được mở rộng, nhắm đến các cá nhân, nhà báo hoặc blogger.
Theo AFP, nhãn mác tác nhân ngoại quốc làm gợi nhớ đến nhãn mác \”kẻ thù của nhân dân\” trong thời Xô Viết, nhằm ám chỉ những người nhận \”tài trợ nước ngoài\” và thực hiện \”hoạt động chính trị\”.