Có cảnh báo Nga \’gây bất ổn\’ ở Ukraine trong khi căng thẳng Belarus-Ba Lan chưa dứt
4 giờ trước
Trong lúc tình hình di dân ở biên giới Belarus và Ba Lan chưa yên, quan chức Ukraine vừa nói Nga tập trung hơn 90 nghìn quân ở biên giới với nước họ.
Tình hình này được giới chức tình báo phương Tây đánh giá là \”có nguy cơ gây bất ổn cao\” vào mùa đông năm nay với Nga là tác nhân, theo trang Financial Times ra ở Anh hôm 15/11/2021.
Tuy thế, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, Hanna Maliar nói với tờ báo Anh rằng \”đánh giá của tình báo phương Tây\” cần thảo luận thêm.
Cùng lúc, bà đồng ý về \”xác suất tăng độ căng thẳng của tình hình\”.
Bà Maliar cũng nói thông tin trên không chỉ dựa vào con số quân Nga tập trung ở biên giới với Ukraine, mà có thể còn đến từ nguồn Hoa Kỳ.
Tuần trước, giới chức tình báo Mỹ nêu ra ý rằng \”Moscow đang chuẩn bị một cuộc xâm lăng tiềm tàng nhắm vào Ukraine\”.
Đây không phải là lần đầu tiên các đánh giá tương tự về \”dự định của Nga với Ukraine\” được nêu ra.
Tháng 3/2021, đã có tiếng nói từ khối Nato cảnh báo về nguy cơ Nga lấn sang Ukraine khi quân đội Nga tập trung ở vùng biên giới và ở Crimea mà Nga sát nhập vào thành lãnh thổ của họ năm 2014.
Tuy nhiên, lần này, các động thái của Nga diễn ra cùng lúc với bất ổn ở biên giới Ba Lan, các vấn đề nảy sinh ở vùng Balkan, khiến một số giới bình luận phương Tây cho là ông Putin \”ra tay\” có bài bản.
Tại Bosnia, tin mới nhất cho hay lãnh đạo vùng tự trị của người Serbia, vốn được Nga ủng hộ, đang đe dọa sẽ tách ra.
Ông Milorad Dodik, lãnh đạo của thực thể chính trị có 1,2 triệu dân, tồn tại sau cuộc chiến Nam Tư, \’Republika Srpska\’ (CH Serbia-không được công nhận quốc tế), trong lãnh thổ CH Bosnia-Herzegovina, dọa sẽ tách hẳn ra.
Chính quyền của ông Dodik đã rút khỏi cơ chế thuế quan và quân đội của CH Bosnia-Herzegovina trong động thái bị cho là \”có bàn tay của Nga đằng sau\”, theo một số báo Anh.
Di dân, khí đốt và tập trận
Nga đã bác bỏ ý tưởng \”xâm lăng\” Ukraine, coi đó là \”chuyện chỉ gây báo động vô cớ\” từ phương Tây.
Lãnh đạo Nga cũng phủ nhận chuyện Moscow \”đứng đằng sau vụ đẩy di dân từ Belarus sang Ba Lan\”.
Tổng thống Vladimir Putin cũng nói hôm cuối tuần rằng Belarus \”có quyền ngăn dòng khí đốt từ Nga sang châu Âu\” vì nước ông ta là \”lãnh thổ trung chuyển\”.
\”Nhưng làm như thế sẽ là vi phạm hợp đồng mà Nga ký với châu Âu\”, ông Putin nói \”như một lời nhắc nhở ông Alexander Lukashenko không nên tự ý làm chuyện đó\”, các báo châu Âu bình luận.
Trước đó, tổng thống Belarus dọa cắt nguồn khí đốt Nga bán cho châu Âu với đường ống chạy qua Belarus.
Phản ứng của ông Lukashenko nổ ra sau khi EU và Ba Lan tuyên bố sẽ áp đặt thêm lệnh trừng phạt với chính quyền Minsk về vụ họ gọi là \”dùng di dân như vũ khí\” để gây bất ổn cho EU.
Nhiều quốc gia trong vùng cho rằng Nga hỗ trợ Belarus trong việc đưa di dân từ Trung Cận Đông tới Minsk bằng đường hàng không rồi đưa họ ra biên giới nhằm gây bất ổn ở Ba Lan.
Trong khi khủng hoảng biên giới Ba Lan – Belarus chưa giảm độ nóng, Nga cử một đơn vị 250 lính dù tới khu vực Grodno để tập trận cùng Belaurus.
Trong cuộc đáp xuống khu vực gần biên giới Ba Lan, hai lính dù Nga đã thiệt mạng vì gió to.
Nga cũng phê phán Anh đã \”gây ra căng thẳng\” sau khi quân đội Anh cử một đơn vị công binh nhỏ, có vũ trang tới giúp Ba Lan.
Đơn vị này tuy thế chỉ đóng cách biên giới Ba Lan – Belarus chừng 70km, và họ sẽ hỗ trợ quân Ba Lan gia cố các hàng rào.
Chừng 15 nghìn quân Ba Lan và cảnh sát, biên phòng được điều động ra biên giới phía Đông những ngày qua nhằm ngăn dòng di dân.
Cho đến cuối tuần qua, phía Ba Lan và một số báo Anh đăng tin và hình video cho thấy Biên phòng Belarus cung cấp kìm cộng lực cho thanh niên, đàn ông trong nhóm di dân từ Iraq, Afghanistan, Syria, Pakistan… để cắt hàng rào thép gai ở biên giới.
Xe chở các tấm gỗ và dụng cụ \”vượt rào\” cũng được điều đến từ phía Belarus.
Nga và Belarus lên án Nato \”thổi lửa\” vào tình hình vốn đã căng thẳng.
Ba Lan cấm cả nhà báo, hội từ thiện và nghị sĩ Quốc hội
Trước sức ép của EU, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq đã tạm cấm đường bay dân sự tới Belarus, nhưng số người đã có mặt ở biên giới đã lên tới trên 10 nghìn, nếu không nói là đông hơn.
Trong số họ có cả phụ nữ, trẻ em.
Có tám người đã chết cóng những ngày qua, và Ba Lan bị cáo buộc là vi phạm công ước quốc tế khi ngăn các nhóm cứu trợ và nhà báo vào các khu rừng biên giới, nơi người di dân trốn sang từ Belarus.
Một nữ dân biểu Quốc hội Ba Lan thuộc đảng Xanh, bà Urszula Zielinska nói với BBC News tại biên giới rằng bản thân bà bị cấm không được đến gần khu vực quân đội và cảnh sát kiểm soát.
Bà nói: \”đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo thực sự\” nhưng chính quyền Ba Lan (hiện do đảng cánh hữu dân tộc chủ nghĩa PiS nắm – BBC) đã cấm cả nhà báo vào đưa tin, điều không xảy ra kể cả khi đó là vùng chiến sự\”.