LHQ kêu gọi Việt Nam trấn áp nạn buôn bán người lao động xuất khẩu sang Ả-rập
15/11/2021
Liên Hợp Quốc vừa lên tiếng kêu gọi Việt Nam trấn áp nạn buôn người sau khi ghi nhận tình trạng lạm dụng phụ nữ và trẻ em gái được tuyển dụng từ Việt Nam sang Ả-rập Xê-út làm người giúp việc nhà.
Vụ việc thu hút sự chú ý gần đây sau khi VOA ghi nhận các trường hợp nữ lao động Việt Nam làm việc ở Ả-rập Xê-út báo cáo bị chủ ngược đãi dẫn tới những tổn thương về thể xác và tinh thần, trong đó có một thiếu nữ 17 tuổi tử vong sau hai năm lao động tại quốc gia Trung Đông.
Các ghi nhận của VOA cho thấy cách thức mà ít nhất một công ty tuyển dụng lao động ở Việt Nam đã sử dụng nhằm chiêu dụ các thiếu nữ thuộc sắc dân thiểu số từ những vùng quê nghèo hẻo lánh tham gia lực lượng lao động xuất khẩu, gồm cả một số em chưa đủ tuổi theo quy định của luật pháp Việt Nam.
“Chúng ta đang chứng kiến những kẻ buôn người nhắm vào phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói, nhiều người trong số họ vốn dễ bị tổn thương và bị gạt ra ngoài lề của xã hội,” các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 4/11. “Những kẻ buôn người này hoạt động mà không bị trừng phạt.”
Theo các chuyên gia của tổ chức liên chính phủ lớn nhất thế giới, sau khi ký hợp đồng với các công ty tuyển dụng lao động tại Việt Nam, một số trẻ em gái và phụ nữ đã làm việc tại Ả-rập Xê-út và bị chủ lao động ở đây “lạm dụng tình dục, đánh đập, tra tấn và đối xử tàn bạo.” Các chuyên gia còn cho biết, những phụ nữ Việt Nam thường bị bỏ đói và không được điều trị y tế cũng như không được trả lương hoặc trả lương thấp hơn quy định trong hợp đồng của họ.
Mười ba lao động nữ Việt tại Ả-rập Xê-út hồi tháng 6 nói với VOA rằng họ bị chủ ngược đãi dưới những hình thức khác nhau. Những phụ nữ, thuộc những dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền Trung Tây Nguyên và miền Bắc của Việt Nam, cho biết họ hoàn tất hợp đồng giúp việc nhà nhưng chủ không mua vé cho về nước và không được trả lương sau nhiều tháng làm việc. Họ còn nói bị chủ bạo hành và bị giữ lại hành lý cùng giấy tờ tuỳ thân. Trong số đó, chị Đinh Thị Ca nói với VOA rằng chị chủ “cưỡng hiếp nhiều lần” trong 2 năm làm giúp việc và sau đó đã bỏ trốn vì không chịu nổi “sự ngược đãi tàn tệ”.
Các chuyên gia nhân quyền của LHQ nói họ đã nhận được “những cáo buộc thực sự đáng báo động” rằng một số công ty ở Việt Nam đã tuyển dụng các thiếu nữ sang Ả-rập Xê-út làm giúp việc gia đình và giả mạo tuổi của họ trên giấy tờ tuỳ thân để che giấu sự thật họ là trẻ vị thành niên.
Tuyên bố của các chuyên gia LHQ hôm 4/11 dẫn ra trường hợp một cô gái Việt Nam 15 tuổi bị ốm vì bị chủ đánh đập và người chủ này đã bỏ đói và không chữa bệnh cho cô. Cô gái này đã chết trước khi có thể lên chuyến bay trở về Việt Nam. Do giấy tờ của cô bị đơn vị tuyển dụng làm giả nên gia đình không thể đưa được thi thể của cô về nhà.
VOA hồi đầu tháng 10 ghi nhận về trường hợp tử vong của H Xuân Siu, một thiếu nữ Việt Nam thuộc dân tộc Gia Rai đi xuất khẩu lao động giúp việc nhà ở Ả-rập Xê-út. Các tài liệu mà VOA có được cho thấy năm sinh của cô đã bị thay đổi trên hộ chiếu để làm cho H Xuân Siu lớn hơn 1 tuổi khi được công ty Vinaco chiêu dụ vào năm 2018 lúc gần 15 tuổi. Thi hài của cô được chôn ở Ả-rập Xê-út thay vì được đưa về nước theo nguyện vọng của gia đình.
Theo thống kê của LHQ trong khoảng thời gian từ 3/9 đến 28/10 năm nay, đã có gần 205 phụ nữ, nhiều trong số đó được cho là nạn nhân của nạn buôn người, đã được hồi hương về Việt Nam.
Các chuyên gia của LHQ kêu gọi chính phủ Việt Nam và Ả-rập Xê-út tiến hành một cuộc điều tra khách quan và độc lập về các vụ vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ và trẻ em gái nhập cư, cũng như cáo buộc các cơ quan công quyền tham gia vào nạn buôn người cũng như truy tố thủ phạm.
“Chúng tôi kêu gọi Ả-rập Xê-út và Việt Nam áp dụng các biện pháp và chính sách hiệu quả để phòng, chống buôn bán người và bảo vệ người lao động bị buôn bán,” các chuyên gia LHQ nói. “Chúng tôi cũng kêu gọi các chính phủ này đảm bảo sự hợp tác song phương về di cư lao động dựa trên quyền con người, trong đó bao gồm cơ chế trách nhiệm giải trình hiệu quả.”
Việt Nam chưa đưa ra phản ứng chính thức nào trước lời kêu gọi của các chuyên gia LHQ nhưng một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ở Hà Nội vào tháng trước nói rằng bộ này đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út “phối hợp chặt chẽ” với chính quyền sở tại cũng như làm việc với doanh nghiệp xuất khẩu lao động để “tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết” khi đề cập đến trường hợp của H Xuân Siu.