Laurent Ballesta, nhà chụp ảnh đáy biển tài ba nhất năm 2021
Đăng ngày: 16/11/2021
Tuấn Thảo
Hàng năm, cuộc thi nhiếp ảnh về môi trường thiên nhiên của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tại Luân Đôn là một giải thưởng có uy tín quốc tế. Năm nay, giải nhất đã được trao hồi cuối tuần qua cho nhà nhiếp ảnh người Pháp Laurent Ballesta. Đây là lần thứ nhì, anh đoạt danh hiệu cao quý \’\’Wildlife Photographer of the Year\’\’, Nhiếp ảnh gia tài ba nhất năm 2021 về các loài động vật hoang dã.
Cuộc thi do Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (Natural History Museum) tổ chức năm nay đã lập kỷ lục mới vì đã thu hút hơn 50.000 người tham gia đến từ 95 nước trên thế giới. Từ hình chụp chuyên môn do nhu cầu công việc cho đến ảnh nghiệp dư được thực hiện trong những lúc nhàn rỗi, tính tổng cộng có hơn 50.000 bức ảnh đã được gửi đến Luân Đôn để tham dự cuộc thi lần thứ 57.
Cuộc thi nhiếp ảnh lần này bao gồm 19 hạng mục, trong đó có 3 giải mới dành cho ảnh chụp về \’\’Vùng ẩm\’\’, \’\’Đại dương\’\’ và \’\’Nghệ thuật thiên nhiên\’\’. Nhà nhiếp ảnh người Úc Adam Oswell đã về đầu trong hạng mục nhiếp ảnh phóng sự về tình trạng giam cầm loài voi ở Thái Lan. Nhiếp ảnh gia người Ý Stefano Unterthiner về đầu trong hạng mục \’\’động vật có vú\’\’ khi chụp đàn tuần lộc \’\’chạm sừng\’\’ trong khung cảnh mùa đông.
Đáng chú ý hơn cả là con mắt của Vidyun Hebar, nhiếp ảnh gia trẻ tuổi người Ấn Độ, chụp hình một con nhện tí hon đang dệt mạng tơ. Tuy chỉ mới có 10 tuổi, nhưng cậu bé Vidyun đã chinh phục được ban giám khảo nhờ kỹ thuật chụp hình chuyên nghiệp trong cách dựng khung hình và tạo bố cục cho bức ảnh thêm sắc sảo. Tấm hình của Vidyun cũng có một thông điệp ẩn dụ, thay vì mỗi lần phải dệt thêm mạng mới, con nhện tí hon thường sửa đi sửa lại những mạng tơ đã tồn tại. Thông điệp ấy lại càng có ý nghĩa trong bối cảnh chung của Thượng đỉnh khí hậu COP26 tại Glasgow.
Bức ảnh chụp dưới đáy nước ở vùng rạn san hô
Về phần mình, anh Laurent Ballesta được ban giám khảo trao tặng danh hiệu \’\’Nhiếp ảnh gia của năm 2021\’\’, nhờ bức ảnh chụp ở dưới đáy biển mang chủ đề Khoảnh khắc của \”Sáng tạo\” nói về cách sinh sản của loài cá mú nâu. Để thực hiện bức ảnh chụp này, Laurent Ballesta đã mất khoảng 5 năm. Cứ mỗi mùa hè về, nhân kỳ trăng rằm tháng 7, anh đến khu bảo tồn đại dương gần rạn san hô Fakarava, ở vùng Polynesia thuộc Pháp. Cùng với một nhóm thợ lặn chuyên môn, Laurent Ballesta đã quan sát ngày đêm loài cá mú đang trong giai đoạn sinh sản và dĩ nhiên kéo theo cả một bầy cá mập đến săn mồi trong vùng rạn san hô. Trong cùng một đêm trăng tròn, có tới hơn 20.000 con cá mú và 700 con cá mập tập trung ở cùng một chỗ. Từ suốt thời gian quan sát ấy, Laurent Ballesta đã thực hiện hàng trăm bức ảnh chụp ngoạn mục, phản ánh hệ sinh thái cần được bảo vệ ở các rạn san hô nói riêng, vùng đại dương và thiên nhiên nói chung.
Năm nay 47 tuổi, Laurent Ballesta sinh trưởng tại Montpellier, miền Nam nước Pháp. Thời còn nhỏ, cậu bé rất ngưõng mộ các chuyến phiêu lưu của Thuyền trưởng Cousteau chuyên quay phim tài liệu dưới đáy biển. Vì thế cho nên, anh học môn lặn sâu dưới nước từ năm 13 tuổi để rồi trở thành huấn luyện viên năm 18 tuổi. Trong thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự tại rạn san hô Rangiroa trên quần đảo Polynesia thuộc Pháp, Laurent trở thành thợ lặn chuyên nghiệp, khi trở về chính quốc, anh tốt nghiệp thạc sĩ đại học Montpellier, chuyên nghiên cứu về các loài động thực vật hoang dã ở đáy biển, trong đó có cả bộ môn chụp ảnh dưới nước.
Có thể nói là Laurent Ballesta đã dung hòa được cả hai vế đam mê và nghề nghiệp khi bắt đầu đăng tải trên báo chí các tấm ảnh chụp dưới đáy biển. Anh đã từng hợp tác với nhiều tờ báo Pháp (Paris Match, Figaro, Sciences & Vie …..) cũng như báo chí nước ngoài (National Geographic, Stern, Daily Mail, Corriere Magazine …..). Kể từ khi anh thành lập công ty Andromède Océanologie chuyên nghiên cứu về thủy sinh và hải dương học vào năm 2000, anh đã cho xuất bản 13 quyển sách ảnh chụp và thực hiện một số phim tài liệu về hệ sinh thái dưới đáy biển, trong đó có phim tài liệu \’\’Cá mú nhiệm mầu\’\’ vào năm 2015 và \”700 con cá mập giữa đêm\” vào năm 2018.
Giấc mơ của nhà thám hiểm đáy biển
Trong giới nghiên cứu khoa học, Laurent Ballesta còn nổi tiếng là người đầu tiên đã thu vào ống kính loài cá cổ xưa nhất trên thế giới. Đó là giống cá vây tay \’\’cœlacanthe\’\’, được cho là đã tuyệt chủng, cho tới khi được phát hiện lại vào năm 1938, thời mà các ngư phủ tìm thấy giống cá này bị sa lưới. Đến năm 1987, hai nhà khoa học Hans Fricke và Raphaël Plante lần đầu tiên chứng kiến một con cá vây tay còn sống. Để quan sát và thu hình giống cá này, Laurent Ballesta vào năm 2010 đã buộc phải chế tạo các loại ống kính rõ nét có thể lặn sâu đến 120 thước rồi theo dõi loài động vật \’\’rất xưa\’\’ này trong môi trường tự nhiên của chúng.
Giống cá vây tay \’\’cœlacanthe\’\’ đã xuất hiện trên địa cầu hơn 350 triệu năm về trước, vì thế cho nên hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng loài cá này chỉ còn ở dạng mẫu hóa thạch, nhưng thật ra cá vây tay lặn trốn ở dưới đáy sâu, ít được thấy vì giống loài ngày càng trở nên khan hiếm. Riêng đối với Laurent Ballesta, loài cá \’\’tiền sử\’\’ này là một sinh vật huyền thoại. Thời còn nhỏ, anh chỉ nhìn thấy qua sách vở để rồi hình dung trong đầu cả một thế giới tưởng tượng của đáy biển \’\’thần tiên\’\’. Có thể nói là anh đã thực hiện được một trong những giấc mơ của mình, dựa trên ba giá trị quan trọng : giải mã bí ẩn khoa học, vượt qua giới hạn của thợ lặn chuyên môn, thu thập những hình ảnh mới lạ chưa từng thấy.
Chính với niềm đam mê tìm hiểu không ngừng ấy, mà vào năm 2015, Laurent Ballesta cùng với đồng nghiệp là nhà nhiếp ảnh Vincent Munier đã dẫn đầu một đội thợ lặn chuyên môn để khám phá đáy biển vùng Nam Cực. Từ các chuyến đi này, hai nhà nhiếp ảnh người Pháp đã cho xuất bản bộ sách mang tựa đề : \”Adelie, biển băng và đất liền\”. Với sự giúp đỡ của nhóm, Laurent Ballesta Pháp đã thực hiện các đợt lặn thật lâu và sâu nhất ở vùng biển Nam Cực. Vào năm 2017, bức ảnh của Laurent Ballesta chụp một núi băng, nhưng không phải là chụp phần nổi trên mặt biển, mà là chụp toàn bộ phần chìm từ góc nhìn dưới đáy nước. Nhờ vào bức ảnh vô tiền khoáng hậu này mà anh lần đầu tiên được trao giải \’\’Nhiếp ảnh gia xuất sắc nhất trong năm\’\’ về ảnh chụp đời sống hoang dã. Theo ban giám khảo, để thực hiện một tấm hình như vậy, nhà thám hiểm đã thực hiện được một kỳ công nhưng đồng thời con mắt nhiếp ảnh vẫn không quên điều quan trọng : dùng khung hình để gieo vào lòng ….. nỗi xúc động mênh mông.