Có cần lo lắng nếu bạn mãi chưa thành đạt?
- Hannah Hickok
- BBC Worklife
một giờ trước
Doree Shafrir tự coi mình thuộc dạng muộn màng. Cô lập gia đình ở tuổi 38, sinh con đầu lòng ở tuổi 41 và thường thấy mình đã muộn trong việc \”hẹn hò, quan hệ tình dục, kết hôn, làm mẹ, tìm được công việc thật sự muốn làm, để cảm thoải mái được là chính mình\”.
Mặc dù con đường của cô không phải lúc nào cũng suôn sẻ, tác giả 44 tuổi ở Los Angeles giờ đây lại biết ơn hành trình đó, cùng với quan điểm mới về những cột mốc mà trước đây cô cảm thấy đã bỏ lỡ. \”Những mục tiêu này tương đối tùy tiện và được văn hóa quy định,\” cô nói. \”Bây giờ tôi thấy những điều mà tôi xem là \’sai lầm\’ chỉ là một phần nữa trong câu chuyện của tôi.\”
Shafrir coi cuốn hồi ký của mình, có tựa đề \’Cảm ơn sự chờ đợi: Niềm vui (và sự lạ lùng) của việc muộn màng\’, là một \”lời đính chính một chút cho suy nghĩ rằng chúng ta phải làm mọi thứ theo quy trình\”.
Tuy nhiên, đó là quan niệm đã ăn sâu. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy – dù có ý thức hay không – rằng con đường chúng ta đi nên tuân theo một lịch trình cứng nhắc gồm các cột mốc sự nghiệp và cá nhân.
Chúng ta có thể tự phán xét bản thân một cách tiêu cực nếu đạt được những cột mốc này \’muộn\’, một phần vì xu hướng xã hội tôn sùng đạt thành tựu khi còn trẻ.
Tuy nhiên, nhiều người có sự nghiệp viên mãn, kiếm được nhiều tiền của hay có các mối quan hệ đáng giá theo khung thời gian riêng của họ.
Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy việc đạt được các cột mốc lớn trong đời khi đã lớn tuổi ngày càng phổ biến so với các thế hệ trước.
Do chúng ta sống lâu hơn, đổi nghề thường xuyên hơn và muốn tìm kiếm thêm ý nghĩa trong công việc, việc nhiều người thành đạt muộn màng cũng hợp lý. Và khi như thế, sự kỳ thị những người thành đạt muộn màng – bao gồm ý suy nghĩ nó ít gây ấn tượng và gây bất ngờ nhiều hơn so với thành công khi còn trẻ – là quan điểm về tuổi tác và thành đạt ngày càng lỗi thời và hẹp hòi.
Khung thời gian thành đạt
Việc ta dùng từ \’thành đạt muộn màng\’ một phần xuất phát từ kỳ vọng rằng ai cũng đạt được một số mục tiêu nhất định trong đời ở độ tuổi nào đó, thường là khi còn trẻ – và những ai bỏ lỡ những mốc đó là \’tụt hậu\’.
Về mặt văn hóa, chúng ta có xu hướng biến các mốc thời gian cụ thể thành đại trà – và xem những ai tuân thủ các mốc đó là thành đạt hơn – do ai cũng nhìn vào sự thành đạt khi còn trẻ.
Thông thường, lý tưởng thành công hiện đại đi kèm với áp lực phải làm được ở độ tuổi trẻ nhất có thể.
Kết quả là chúng ta có thể coi những thành tựu sớm trong đời là chuẩn mực, hoặc là, trong những trường hợp đặc biệt, truyền cảm hứng, trong khi thành công đến trễ chỉ đáp ứng kỳ vọng tối thiểu – hoặc thậm chí trong quan điểm cực đoan hơn còn được cho là \’muộn màng\’.
Tuy nhiên, mặc dù chúng ta tin vào quan niệm thành công sớm thì tốt hơn là thành công muộn, nhưng chúng ta không thực sự đạt được các cột mốc mà văn hóa đặt ra cho chúng ta theo đuổi.
Một nghiên cứu của Stanford hồi năm 2017 cho thấy qua nhiều thế hệ, thời gian lý tưởng để đạt các cột mốc trong đời nhìn chung vẫn nhất quán: bắt đầu làm việc toàn thời gian trước tuổi 22, bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu trước tuổi 25, kết hôn trước tuổi 27, mua nhà trước tuổi 28 và xây dựng tổ ấm trước tuổi 29.
Tuy nhiên, trong từng độ tuổi đều có sự sụt giảm liên tiếp về tỷ lệ phần trăm thực sự số người đạt được những thời hạn đó so với thế hệ trước, với những người trong độ tuổi từ 25 đến 34 tuổi có khoảng cách lớn nhất giữa thời hạn lý tưởng và thực tế.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng theo đuổi các mục tiêu cổ lỗ sỉ này là \’đưa giới trẻ vào thất bại\’.
Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều người trong chúng ta thành đạt muộn màng thì những ý kiến về việc thành đạt muộn màng không thay đổi.
Chúng ta tiếp tục ngạc nhiên trước những câu chuyện về thành công trễ tràng, và đóng khung chúng là phi chuẩn mực, mặc dù chúng rất phổ biến, cả lúc này và trong suốt lịch sử hiện đại.
\”Trong hệ thống hiện tại, nếu bạn chưa được xem là làm được gì đó ngay khi còn trẻ, chúng tôi cho là bạn không có năng lực thành công,\” Todd Rose, tác giả của \’Ngựa Ô: Thành đạt qua con đường theo đuổi sự viên mãn\’, vốn nghiên cứu thái độ văn hóa đối với thành công và tính cách, nói.
\”Chúng ta ngạc nhiên khi ai đó không còn trẻ có thành tích lớn – chúng ta không biết làm thế nào để nhìn nhận, và xem nó như là việc hy hữu gây tò mò chứ không phải là xu hướng nền tảng.\”
Người thành đạt muộn màng sẽ được gì?
Việc định hình những người thành đạt muộn không chỉ lỗi thời, mà còn có thể độc hại cho những người thành đạt trễ, sau độ tuổi họ được cho là \’phải\’ đạt được cột mốc. Những người như vậy có thể vật lộn với cảm giác thất bại, so sánh tiêu cực mình với người khác và thậm chí có cảm giác rằng họ đã bị lãng quên hoặc bị bỏ lại phía sau.
\”Tất cả chúng ta đều tiếp thu huyền thoại về thành công của giới trẻ đến mức, thật đáng buồn, nhiều người lớn tuổi cũng tin vào nó,\” Rose nói. \”Chúng ta cần vượt qua suy nghĩ nhanh là thông minh và chậm chạp là ngu ngốc, và thái độ rằng \’nếu tôi thành đạt khi lớn tuổi thì đã quá muộn\’. Chúng ta không thể tiếp tục để những người thành đạt muộn tự mình chống đỡ, và hy vọng rằng họ không bị hệ thống hiện tại nghiền nát.\”
Cuối cùng, bỏ đi áp lực buộc phải thành công theo trình tự nào đó không chỉ tốt cho sức khỏe tâm thần, mà còn có thể cho phép những người mà chúng ta hiện gọi là \’người muộn màng\’ tận hưởng thành công khác biệt của thành đạt trễ.
Nhiều thế mạnh và khả năng là kết quả trực tiếp của việc bỏ nhiều thời gian hơn để tìm hiểu bản thân, học hỏi và thậm chí thất bại.
\”Những người thành đạt muộn có thể đã phải đối diện những thách thức khác trên con đường thành đạt của họ, khiến họ có khả năng chống chịu tốt hơn,\” Chia-Jung Tsay, phó giáo sư trường University College London, vốn nghiên cứu tâm lý học và nhận thức về hiệu năng công việc và sự thăng tiến, cho biết.
\”Những người như vậy có thể sẵn sàng thích nghi hơn với hoàn cảnh khó khăn, sự bất trắc và thay đổi.\”
Ngoài tăng cường sự linh hoạt, con đường đi đến thành công dài hơn cũng đem đến cơ hội khám phá và vun xới các giá trị và niềm đam mê có ý nghĩa đối với bản thân, thay vì đi theo những gì xã hội thúc đẩy.
\”Điều giúp cho những người thành đạt muộn có đột phá là họ đã phải tích lũy đủ kinh nghiệm để nhận ra rằng đi theo quan điểm của người khác về thành đạt sẽ không bao giờ đưa họ đến chỗ họ muốn,\” Rose nói. \”Nghiên cứu của tôi cho thấy những người ở độ tuổi 40, 50 và 60 bất đắc chí và xoay trục về cuộc sống hay sự nghiệp cuối cùng thường có những đóng góp đáng kinh ngạc.\”
Shafrir đã có sự xoay chuyển như vậy khi cô rời bỏ công việc mơ ước trong ngành báo chí truyền thống để ra mắt một podcast ở độ tuổi 40.
Mặc dù có nhiều lúc trên hành trình cô cảm thấy mình thất bại – như khi cô bỏ ngang chương trình tiến sĩ, rời New York và chữa trị hiếm muộn – sau này nhìn lại, cô đã thấy giá trị của hành trình khúc khuỷu của mình.
Bất chấp lo ngại và ngờ vực, cô nhận ra rằng cô đã \”tìm thấy cái gì đó tốt hơn -cái gì đó, tôi chắc chắn, có tác động nhiều hơn đến cuộc sống người khác và của chính tôi\”.
Thay đổi quan niệm
Rõ ràng, chúng ta sẽ thiết lập lại cách chúng ta nhìn nhận sự thành đạt xét theo độ tuổi – chúng ta đơn giản không thể cứ mãi thiên kiến khiến mình bỏ qua toàn bộ số tiềm năng chưa được phát huy.
\”Với tư cách xã hội, chúng ta cần thay đổi não trạng xem thành đạt muộn là bất thường,\” Rose nói. \”Hoàn toàn không có liên quan gì giữa tuổi tác hay tốc độ thành đạt và những đóng góp mà rốt cuộc chúng ta làm được.\”
Mặc dù Shafrir học được bài học của riêng mình, nhưng cô hy vọng các thế hệ tương lai sẽ tránh khỏi những áp lực thành đạt theo độ tuổi mà cô phải đối mặt – nhất là khi là một người phụ nữ.
\”Chúng ta cần cảnh giác và tiếp tục thách thức hiện trạng mà suy cho cùng không giúp ích gì cho nhiều người trong chúng ta,\” cô nói thêm.
Đại dịch có thể đem đến cơ hội để văn hóa bắt đầu điều chỉnh.
\”Sự gián đoạn cho chúng ta cơ hội thay đổi có chủ ý và nhìn nhận người thành đạt muộn khác đi,\” Rose nói. \”Khái niệm \’thành đạt muộn\’ là chứng tích của thời kỳ khi chúng ta cho rằng tốc độ chính là năng lực. Giờ đây, chúng ta đi về hướng xem công việc là sự viên mãn, chứ không chỉ là thu nhập. Khi nào chúng ta nhận ra viên mãn chính là xuất sắc, chứ không phải ngược lại, chúng ta có thể giúp mọi người có đóng góp tốt nhất, bất cứ khi nào có thể.\”
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC WorkLife.