Để tránh chiến tranh, Mỹ phải xác định với đồng minh lằn ranh đỏ chiến lược về Trung Quốc

Để tránh chiến tranh, Mỹ phải xác định với đồng minh lằn ranh đỏ chiến lược về Trung Quốc

Đăng ngày: 19/11/2021

Thùy Dương

« Chúng ta vẫn có thể tránh được chiến tranh » là nhận định của cựu thủ tướng Úc, Kevin Rudd, một chuyên gia rất am hiểu về Trung Quốc đương đại, khi ông trả lời phỏng vấn tuần báo Pháp Le Point. Cựu thủ tướng Úc kêu gọi các nước tỏ thái độ cứng rắn nhưng không cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh.  

RFI giới thiệu bài phỏng vấn đăng trên Le Point số ra ngày 11/11/2021, chỉ vài ngày trước cuộc họp trực tuyến của nguyên thủ Mỹ – Trung. 

Pháp và châu Âu nên cảnh giác hơn với Trung Quốc ? 

Sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nước này sẽ trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu và làm đảo lộn các quy tắc về trật tự thế giới. Tất cả các nền kinh tế của châu Âu, trong đó có Pháp, sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sự vươn lên của Trung Quốc vừa là thách thức vừa là cơ hội cho tất cả chúng ta. 

Một cơ hội ? 

Trung Quốc là thị trường mới nổi lớn nhất về hàng hóa và dịch vụ. Mọi nền kinh tế đều có lợi nếu tăng cường các mối quan hệ với Trung Quốc. Đối với một trong những thách thức lớn của thế kỷ, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Trung Quốc có vai trò then chốt do tầm mức của nước này.  

Phương Tây đã quá ngây thơ với Bắc Kinh? 

Phương Tây đã mất nhiều thời gian mới hiểu bản chất của những thay đổi ở Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã làm thay đổi cả tư tưởng lẫn chính sách của đảng Cộng Sản. Chính sách kinh tế đã rời xa kinh tế thị trường, trong khi nền ngoại giao ngày càng mang nặng tính dân tộc. Những thay đổi này đặt ra những thách thức to lớn cho toàn thế giới.

Cán cân sức mạnh đã thay đổi sâu sắc. Đảng Cộng Sản cầm quyền hiện giờ ở Trung Quốc là tín đồ của « quyền lực chính trị », như Raymond Aron đã định nghĩa. Đối mặt với điều này, chúng ta cần phải tỉnh táo, có những suy nghĩ rõ ràng, rành mạch, đặt ra các mục tiêu dài hạn phù hợp và tìm cách hợp tác với Bắc Kinh nếu có thể. Nhưng phương Tây, nhất là Mỹ,  cũng phải xác định lằn ranh đỏ chiến lược về Trung Quốc với các đồng minh. 

Phương Tây có nên coi Đài Loan là lằn ranh đỏ ? 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rõ ràng là muốn đưa Đài Loan trở về « mẫu quốc ». Để đạt được mục đích của mình, ông Tập đã thay đổi chiến lược : gây áp lực chính trị, đồng thời treo lơ lửng giải pháp quân sự. Ông ta muốn buộc các chính đảng Đài Loan phải tìm kiếm một giải pháp thương lượng. Nhưng tôi không nghĩ rằng chiến lược này sẽ thành công. 

Sự vươn lên của Trung Quốc trên thực tế thể hiện như thế nào trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương? 

Đối với tất cả các nước đông Á, bao gồm cả Úc, Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế chính. Tập Cận Bình sử dụng vị trí thống trị này khiến các nước khác ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, để thay đổi các quy tắc chi phối thế giới. Từ lâu nay, Úc đã phải chịu áp lực như vậy. Nhật Bản và Hàn Quốc thậm chí còn chịu nhiều sức ép nữa, vì hai nước này có những vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đòi chủ quyền. 

Chúng ta đang chứng kiến ​​sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ? 

Tôi không nghĩ rằng thuật ngữ này phản ánh chính xác tình hình. Đặc trưng của cuộc Chiến tranh lạnh gần đây nhất, giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, là các mối đe dọa phá hủy bằng vũ khí hạt nhân diễn ra gần như hàng ngày, sự thiếu vắng mối quan hệ kinh tế giữa hai khối, các cuộc chiến tranh ủy nhiệm xảy ra khắp nơi trên thế giới và một cuộc chiến về ý thức hệ.  

Trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, chỉ có điểm cuối cùng trong số các điểm kể trên. Hai nước Mỹ – Trung không đe dọa nhau hàng ngày về các vụ hủy diệt hạt nhân, cho dù Bắc Kinh có một kho vũ khí nguyên tử đủ lớn và tinh vi để thực hiện một « cuộc tấn công thứ hai » [khả năng đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân bằng một cuộc tấn công hạt nhân khác]. Quan hệ kinh tế song phương Mỹ – Trung rất quan trọng. Và cuối cùng, đôi bên đều không tham gia vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở các nước đang phát triển, ít nhất là cho đến nay thì vẫn chưa. Vì thế, chúng ta phải thận trọng khi sử dụng thuật ngữ « chiến tranh lạnh ». 

Vậy trong thập niên tới, chúng ta sẽ chứng kiến ​​một cuộc xung đột lớn giữa Washington và Bắc Kinh? 

Điều đó có thể xảy ra ? Đúng như vậy. Nhưng có nhiều khả năng xảy ra không ? Theo tôi thì điều đó sẽ chưa xảy ra trong nửa đầu thập kỷ này, bởi vì Trung Quốc biết rằng họ không có ưu thế quân sự áp đảo ở eo biển Đài Loan nếu đối đầu với Hoa Kỳ, Đài Loan hay Nhật Bản. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự của Bắc Kinh nhận định vào cuối thập niên này, Trung Quốc sẽ vượt trội hơn rất nhiều so với các lực lượng Mỹ trong khu vực về quân sự. Tôi nghĩ rằng nguy cơ xung đột giữa hai cường quốc khi đó sẽ nghiêm trọng hơn.

Vậy điều gì có thể ngăn cản Tập Cận Bình sử dụng vũ lực? 

Điều này chỉ phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất là khả năng của Mỹ trong việc duy trì sự cân bằng sức mạnh quân sự ở eo biển Đài Loan. Washington đã hiểu ra điều này, Mỹ dường như đã quyết tâm khôi phục lực lượng tấn công của họ trong vùng. Thứ hai là phản ứng của phần còn lại của thế giới trong trường hợp Trung Quốc xâm lược Đài Loan. 

Một liên minh quân sự chống Trung Quốc có phải là một giải pháp ? 

Tất cả đều sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh. Trường hợp xung đột được châm ngòi từ cuộc tấn công của Bắc Kinh sẽ khác trường hợp xung đột xảy ra do Đài Bắc đơn phương tuyên bố độc lập và tuyên bố trở thành một nước Cộng hòa Đài Loan mới. Sẽ là viển vông nếu nghĩ rằng một cuộc chiến tranh ở eo biển Đài Loan sẽ chỉ là một cuộc giao tranh ngắn hạn. Tất cả các kịch bản quân sự đều sẽ kéo theo sự tham gia của Guam và Hawai, các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Mỹ, các căn cứ của Hoa Kỳ ở Nhật Bản, cũng như hạm đội Hoa Kỳ và tất cả các khu phóng tên lửa của Trung Quốc ở tỉnh Phúc Kiến, phía đối diện với Đài Loan. Theo tôi, điều đó sẽ ngay lập tức biến thành một cuộc chiến tranh phổ quát, với mức độ bạo lực cao chưa từng thấy kể từ Đệ nhị Thế chiến hay Chiến tranh Triều Tiên. 

Liệu hai siêu cường có thể gạt sang bên cạnh mọi chuyện để thiết lập một mối quan hệ hòa bình và hiệu quả không? 

Có. Năm tới, tôi sẽ cho xuất bản một cuốn sách có tiêu đề « Chiến tranh có thể tránh được ». Tôi ủng hộ một khuôn khổ mà tôi gọi là « sự cạnh tranh chiến lược được kiểm soát », dựa trên ba yếu tố. Trước tiên, chính phủ hai nước sẽ cần xác định các lằn ranh đỏ chiến lược nền tảng cơ bản của họ, tránh sự mơ hồ. Thứ hai, phần còn lại của mối quan hệ Mỹ – Trung phải được điều chỉnh bởi các nguyên tắc cạnh tranh mở trong mọi lĩnh vực : chính sách đối ngoại, thương mại, kinh doanh, công nghệ, thậm chí là cả hệ tư tưởng. Và cuối cùng, cần có chỗ cho một sự hợp tác quốc tế song phương về những thách thức lớn, như về biến đổi khí hậu, sự ổn định tài chính thế giới và xử lý đại dịch.  

Điều đáng khích lệ là kể từ chuyến thăm thứ hai của John Kerry đến Bắc Kinh, cuộc điện đàm của Tập Cận Bình với Jeo Biden vào tháng 9/2021, và cuộc gặp sau đó ở Zurich giữa Dương Khiết Trì (Yang Jiechi – chánh Văn phòng Ban chỉ đạo đối ngoại trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc) và Jake Sullivan (cố vấn an ninh của Nhà Trắng), thì căng thẳng đã hạ nhiệt phần nào. Các cuộc họp giao ban của bộ Ngoại giao Trung Quốc nói về một « con đường đối thoại đang được nối lại ».  

Chúng ta vẫn có thể tránh được chiến tranh, nhưng nếu chỉ thiết lập lại đối thoại thì chưa đủ. Khuôn khổ chiến lược mới của mối quan hệ Mỹ – Trung phải thực tế, không viển vông hão huyền.   

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire mới đây đã nói rằng Liên Hiệp Châu Âu nên cố gắng hợp tác với Trung Quốc hơn là đối đầu với Bắc Kinh như Mỹ đang làm … 

Có những lĩnh vực, những giá trị phổ quát và những lợi ích chiến lược, mà ở đó chúng ta, các nền dân chủ, sẽ luôn có những lập trường khác với Trung Quốc và không thể tránh khỏi việc sẽ dẫn đến đối đầu. Nhưng giải pháp đơn giản nhất thường là sự răn đe lẫn nhau có hiệu quả. 

Việc tuyên bố thành lập một liên minh Ấn Độ – Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc là một cú sốc đối với Pháp. Paris có còn giữ vai trò gì trong khu vực không? 

Trướ đây, trên cương vị thủ tướng Úc, tôi luôn ủng hộ sự tham gia của Pháp vào khu vực của chúng ta, nơi nước Pháp của các bạn có các vùng lãnh thổ Nouvelle Caledonie, Polynesie, Wallis et Futuna, thậm chí là các tỉnh Mayotte và La Réunion ở Ấn Độ Dương. Pháp là một cường quốc trên thế giới, thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An. Theo tôi, chính sách đối ngoại của Pháp rất phù hợp với các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Úc, bất chấp sự cố gần đây do quyết định tồi tệ của chính phủ Scott Morrison về hợp đồng tàu ngầm. 

Đâu là chiến lược các nước cần áp dụng để tránh bị đè bẹp trong cuộc chiến giữa hai siêu cường? 

Việc một số quốc gia sẽ luôn là đối tượng để Trung Quốc trút cơn giận là điều không thể tránh khỏi. Nếu chúng ta có chung cách phản ứng đối phó thì sẽ có lợi. Các bạn không bao giờ biết ai sẽ là người tiếp theo (hứng cơn giận của Bắc Kinh)! Trung Quốc đã cho thấy rõ rằng là họ sẽ luôn tìm cách thay đổi các quy tắc về trật tự thế giới. Đối mặt với Bắc Kinh, các nền dân chủ lớn phải áp dụng một chiến lược chung để bảo vệ các định chế đang điều hành thế giới. Và nước Pháp sẽ rất có ích trong việc này. 

Có phải các nước đã thiếu đoàn kết với Úc khi vào năm 2020, nước này phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Trung Quốc vì Canberra đòi điều tra về nguồn gốc của virus corona ? 

Đúng là như vậy. Ngay khi một nước áp dụng biện pháp trừng phạt, vì những lý do chính trị hoặc địa chính trị, các nguyên tắc thương mại mở đều bị suy yếu. Ngoài ra, nước nào được hưởng lợi từ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Úc mà Trung Quốc đưa ra? Đó là Hoa Kỳ. Nhưng sự ích kỷ này chỉ phục vụ bạn chừng nào bạn không gặp khó khăn. Mọi người ta thường quên rằng chúng ta đang ở một trong những thời kỳ hiếm hoi trong lịch sử có một hệ thống và luật pháp quốc tế. Chúng ta phải cùng nhau phối hợp hành động để bảo vệ hệ thống này, nếu không nó sẽ sụp đổ. 

Cuộc tranh luận về Trung Quốc khuấy động nước Úc, mọi chuyện cũng đang bắt đầu ở Pháp. Làm thế nào để kiểm soát những sự chia rẽ trong nội bộ do sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc? 

Cuộc tranh luận là không thể tránh khỏi. Nhà nước đầu tiên không phải ở phương Tây, không phải nước nói tiếng Anh và không phải nền dân chủ từ 250 năm nay sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bản thân tôi đã áp dụng hàng loạt nguyên tắc ở Úc. Trước tiên, đừng bao giờ xin lỗi về việc chúng ta đã tuân thủ các quyền phổ quát về con người. Thứ hai, duy trì liên minh với những người bạn Mỹ. Thứ ba, chẳng có gì phải xấu hổ khi tối đa hóa lợi ích kinh tế của bạn, tức là tiếp cận được với thị trường Trung Quốc. Thứ tư, hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề về quản lý thế giới. Thứ năm là duy trì sự đoàn kết giữa các nền dân chủ.

Trung Quốc có xu hướng hành động theo kiểu, như người Hoa hay nói, « giết 1 để cảnh cáo 100 ». Chúng ta phải đáp lại bằng câu « Mọi người vì mỗi người, mỗi người vì mọi người ». Và nguyên tắc cuối cùng là không bao giờ để cuộc tranh luận chính đáng về chiến lược đối phó với Trung Quốc chệch hướng thành một cuộc tấn công phân biệt chủng tộc nhắm vào người Hoa và công dân gốc Hoa của chính đất nước chúng ta. Chúng ta đã chứng kiến điều đó xảy ra quá nhiều ở Mỹ. Thật không hay chút nào ! 

Bài Liên Quan

Leave a Comment