Covid-19 : Biểu tình phản đối các biện pháp chống dịch nổ ra ở nhiều nước châu Âu
Đăng ngày: 21/11/2021
Thùy Dương
Làn sóng dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh ở nhiều nước châu Âu, như Đức, Bulgari, Hungary, Rumani, Áo, Hà Lan … kéo theo đó là các biện pháp phong dịch được siết chặt. Tuy nhiên, chính quyền nhiều nước cũng đang phải đối phó với sự phản kháng của dân chúng.
Biểu tình, tuần hành chống các biện pháp hạn chế, chống phong tỏa, chống tiêm chủng bắt buộc … đang diễn ra ở nhiều nơi, từ Áo, Ý đến Hà Lan. Riêng tại Hà Lan, bạo lực nổ ra trong đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay ở La Haye và nhiều thành phố khác. Cảnh sát đã bắt giữ 30 người. AP cho biết hôm nay, có thêm 19 người bị bắt ở La Haye. Cảnh sát cũng phải dùng vòi rồng dập các đám cháy trên đường phố do những người quá khích gây ra. 5 cảnh sát bị thương.
Tại Pháp, bạo loạn vẫn tiếp diễn ở lãnh thổ hải ngoại Guadeloupe bất chấp lệnh giới nghiêm. Bộ trưởng Nội Vụ Gérard Darmanin hôm qua thông báo điều khoảng 50 thành viên thuộc các lực lượng tinh nhuệ GIGN và Raid đến hỗ trợ Guadeloupe tái thiết an ninh.
Nhìn sang nước Áo, hôm qua 20/11, vài chục ngàn người đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Vienna. Cuộc tuần hành được phe cực hữu ủng hộ nhằm phản đối các biện pháp phòng chống dịch mà chính phủ Áo công bố hôm thứ Sáu 19/11, theo đó nước Áo bị phong tỏa trong 3 tuần, kể từ thứ Hai 22/11 và tiêm chủng là bắt buộc kể từ tháng 02/2022.
Từ Vienna, thông tín viên Isaure Hiace cho biết thêm :
« Các quyết định cứng rắn đã được đưa ra để đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh và tỷ lệ tiêm chủng được cho là quá thấp. Cho đến nay, mới chỉ có 66% người Áo tiêm đủ hai mũi vac-xin.
Từ \”Freiheit\” xuất hiện trên hầu hết các biểu ngữ bởi từ này có nghĩa là \”tự do\”. Tự do lựa chọn, như cô Bettina, một người biểu tình trẻ tuổi, giải thích: “Cho đến nay, tôi luôn cảm thấy có thể tự quyết định cách đối xử, chăm sóc bản thân mình, nhưng giờ thì không còn như vậy nữa. Tôi đã mất niềm tin vào hệ thống chăm sóc y tế cũng như vào hệ thống chính trị của chúng tôi.\”
Đám đông người biểu tình rất đa dạng, có nhiều người tự xưng là thuộc cánh tả. Dù đa phần là những người chưa tiêm chủng, nhưng cũng có những người đã chửng ngừa. Eva là một ví dụ. Cô nói : “Khi tôi tham gia vào một cuộc biểu tình như thế này, tôi luôn lo lắng khi thấy mình ở bên cạnh những người cực đoan cánh hữu. Tôi không muốn có việc gì phải làm cùng với họ. Nhưng tôi thấy rằng sự đa dạng trong ngôn luận hiện không được chấp nhận và đây là một sự phát triển phi dân chủ. Khi chỉ một ý kiến có giá trị thì đây là điều đáng báo động với chúng tôi.\”
Liệu biện pháp bắt buộc này có thúc đẩy những người biểu tình đi tiêm chủng hay không? Rất xúc động, cô Theresa trả lời : “Không. Tôi nghĩ sẽ làm những gì tôi thấy tốt chứ không phải những gì mà người ta ra lệnh cho tôi làm, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tôi bị mất việc hoặc mất trợ cấp xã hội. Tôi muốn có chủ quyền và đưa ra quyết định của mình dựa trên những gì mà tôi cho là đúng\”. Giống như cô, nhiều người muốn tiếp tục phản kháng, đặc biệt là trên đường phố. »