Miếng thịt bò ‘dát vàng’ và chuyện ‘nồi cơm chính trị’ nước Việt

Miếng thịt bò ‘dát vàng’ và chuyện ‘nồi cơm chính trị’ nước Việt

  • Võ Ngọc Ánh
  • Gửi bài từ Tacoma, bang Washington, Hoa Kỳ

2 giờ trước

\"Báo
Chụp lại hình ảnh,Báo chí tiếng Anh đưa nhiều về việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn ở nhà hàng đắt tiền tại London

Vài tuần sau sự việc, vẫn không một tờ báo được phép hoạt động nào ở Việt Nam đưa tin đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an ăn trong nhà hàng xa xỉ với món bít tết dát vàng ở Anh.

Nhiều tờ báo lớn trên thế giới đã đăng về sự việc này. Còn báo chí cách mạng bịt mắt trước một sự kiện nóng hổi, đầy tính báo chí của một Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam.

Ba năm trước, chính những tờ báo nhà nước đã rất nhanh nhạy trong việc đưa tin ông Nicolas Maduro, Tổng thống của Venezuela ăn tại nhà hàng xa xỉ cũng của đầu bếp Nusret Gökçe ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều này cho thấy, rõ ràng có những vùng cấm với nền báo chí cách mạng. Từ đó tôi thấy Việt Nam không có một nền báo chí đúng nghĩa.

Tôi nhớ lại câu chuyện một người anh làm báo kể. Hồi thập niên 90 của thế kỷ trước, có một vụ rơi máy quân sự ở Đồng Nai. Anh lặn lội trèo rừng, vượt suối để làm tin. Nhưng ngày hôm sau tin không xuất hiện trên báo. Tòa soạn giải thích, tin về quân đội không đưa được.

Tôi nhớ đại ý lời anh nói, \”tau tự thề mới mình sau vụ đó, sẽ không làm bất cứ tin gì liên quan đến quân đội và công an\”.

Trở lại chuyện ăn bò dát vàng của ông Bộ trưởng Bộ Công an. Quan sát trên mạng xã hội, nói chuyện với một số người đang làm trong các cơ quan nhà nước tại Việt Nam về việc này. Đa số đều giả vờ như không biết, hoặc không dám nói đến một cách công khai.

Một người em làm giáo viên tại một trường trung học phổ thông, ở tỉnh Khánh Hòa nói với tôi, có lẽ đa số công chức, viên chức đều biết chuyện ăn thịt bò dát vàng nhưng không ai dám bàn luận, vì chẳng có lợi cho bản thân. Trong trường cũng đầy tai mắt. Thôi giả như chưa biết để cầu an.

Một người bạn khác cũng làm giáo viên thì chia sẻ. Bàn công khai thì không, nhưng anh em, chiến hữu với nhau thì có.

\"Người
Chụp lại hình ảnh,Người dân Việt Nam nhiệt tình nói về bóng đá nhưng sợ nói về chính trị?

Câu chuyện của tôi và bạn bè

Vài ngày sau sự việc diễn ra, tôi gởi hình ảnh đầu bếp Nusret Gökçe đút miếng thịt bò bít tết dát vàng cho Bộ trưởng Bộ Công an lên nhóm của lớp đại học cũ trên mạng xã hội Zalo mà nhiều bạn bè hiện ở VN tham gia, như một phép thử.

Tôi nhanh chóng nhận được sự cảnh báo từ một người bạn học năm xưa giờ đang làm ở cơ quan tuyên giáo cấp huyện, không được gởi những hình ảnh như thế này lên nhóm Zalo của lớp.

Phải chăng nhóm của lớp không được nói về các vấn đề thuộc chính trị?

Hoàn toàn không phải thế. Trên group của lớp vẫn đầy rẫy những cuộc trò chuyện, hình ảnh về tham gia chống dịch ở địa phương, với cơ quan… Về hoạt động của các quan chức chính phủ, đảng, đoàn, về chức vụ trong các cơ quan, công tác cán bộ, chỉ thị, nghị quyết…

Cũng đã có những người bạn cùng lớp một thời, bị các bạn khác giáo huấn về tư tưởng từ trên nhóm Zalo của lớp.

Trước đó, khi tôi đưa đường link, hình ảnh người dân, công nhân phải lũ lượt bỏ thành phố, các khu công nghiệp để tìm đường về quê trên nhiều phương tiện nguy hiểm, kém an toàn. Nhiều người bạn cùng lớp nói, tôi ở xa lại suy diễn điều gì đó. Một người trong nhóm là hiệu phó một trường cấp hai thì cho rằng, tôi bơ thừa nên rảnh rỗi.

Các bạn cùng lớp đại học sau khi tốt nghiệp đa số làm giáo viên, quan chức chính quyền, hoặc trong các cơ quan đảng, đoàn.

Nhiều bạn trở thành người thăm dò dư luận trên mạng thuộc đảng Cộng Sản tai mắt trên nhóm Zalo của lớp chẳng có gì lạ.

Tai mắt, chỉ điểm là chuyện phổ biến trong các hội, nhóm, trên mạng xã hội, hoặc ở các diễn đàn trên internet ở Việt Nam.

Một người bạn nói với tôi. \”Tôi quý bạn dám nói. Tôi thì không thể, vì còn \’nồi cơm\’\”.

Trong lớp thời đại học được kết nối lại, tôi như một thành viên cá biệt. Bởi đằng sau, một số cựu sinh viên cùng thời còn có một nhóm khác để nói về tôi. Tôi biết được điều này là do một bạn trong nhóm này cho biết.

Với những suy nghĩ, cách viết không giống họ, tôi bị nhiều người cùng lớp một thời cho rằng, có thể biết nhiều thứ, nhưng lại không biết làm người.

Tôi tự hỏi, phải chăng chỉ ai biết phục tùng đảng Cộng Sản mới là biết làm người Việt Nam?

\"Hình

Học chính trị để sợ hãi?

Sinh viên trong các trường đại học ở Việt Nam sẽ phải học nhiều môn về chính trị trong nhãn quan của chính quyền. Số môn học này nếu dồn lại sẽ chiếm một học kỳ trong tổng số 8 hoặc 9 học kỳ đại học. Đi cùng với đó là mất thời gian, tốn tiền của.

Chẳng mấy ai sau khi học có thể hiểu đúng về quyền chính trị. Và càng không thể bàn luận, nói đến chính trị một cách công khai, đúng nghĩa. Đây là một nguy cơ, thiệt thòi với người Việt, cho quốc gia.

Chính trị ở Việt Nam chỉ là một nỗi sợ bao trùm. Nỗi sợ có mặt ở đời thực và trên không gian mạng. Hiểu về chính trị cũng có nghĩa là ngoan ngoãn, tự kiểm duyệt để làm theo ý Đảng CS, chính quyền, hoặc nhìn mặt đảng mà nói.

Nỗi sợ không phải vô căn cứ. Mới đây, công an thành phố Đà Nẵng đã triệu tập anh Bùi Tuấn Lâm theo điều 188 – tội buôn lậu sau khi anh tự quay một clip rắc hành bắt chước của đầu bếp Nusret Gökçe.

Bàn về chính trị ở Việt Nam cũng có nghĩa đang thách thức sự độc quyền lãnh đạo của đảng.

Bởi thế, quan chức cấp cao được nói về chính trị, tham nhũng, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống. Nhưng người dân không thể được tự do nói về cùng chủ đề.

Khi viết ra điều này, tôi nhớ đến lời nhà văn George Orwell viết trong tác phẩm trại súc vật, được xuất bản lần đầu vào năm 1945, \”Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có một số con vật bình đẳng hơn những con khác\”.

Hồi năm 2008, tại Đà Nẵng, một phóng viên của báo Tiền Phong cho biết, anh không dám đọc BBC Việt ngữ, VOA Việt ngữ. Vì lo sợ đọc báo địch sẽ mất việc làm.

Chính quyền luôn tìm cách triệt tiêu sự phản biện của người dân. Những điều luật mơ hồ 109, 116, 117, 331… của Bộ luật Hình sự năm 2015 đang được áp dụng như cái rọ lơ lững treo trên đầu. Nó có thể chụp xuống bất cứ lúc nào cho bất kỳ ai dám thể hiện thái độ chính trị, hoặc có hoạt động thúc đẩy cho một xã hội dân chủ.

Chưa kể trong cơ quan luôn có phe phái canh chừng để bắt bẻ, đấu tố, hạ bệ nhau, bạn làm nhà nước mà nói về chính trị sẽ rất dễ sập bẫy chính trị của đồng nghiệp.

Quan chức và đội ngũ dư luận viên lại loan truyền những điều không đúng sự thật để làm đẹp lòng đảng, tiếp tục lừa nhau.

Trong sự kiện ăn thịt bò dát vàng của ông Tô Lâm, trên trang Facebook của một phó giám đốc sở ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước, Hoàng Mạnh Thường giải thích, \”Đây là bữa tối tiếp khách do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Gérald Darmanin mời người đồng cấp sau buổi hội đàm sáng nay. Và tất nhiên, với một người là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, ngài Gérald không thể mời anh Lâm ngồi quán cóc vỉa hè làm cốc trà đá\”

Về chuỗi sự kiện này, vị phó giám đốc cố bào chữa lại không biết rằng, ông Tô Lâm ăn ở London. Rồi từ nước từ thủ đô nước Anh, ông Tô Lâm mới sang Paris gặp bộ trưởng bộ Nội vụ của Pháp.

Vị phó giám đốc sở cũng chẳng hiểu gì về chính trị ở các nước dân chủ phương Tây. Bởi ở với nền dân chủ phương Tây, quan chức không bao giờ dám tiếp khách ở nhưng xa xỉ. Tặng, hoặc nhận những món quà có giá trị lớn phải khai báo vì dễ tự biến mình trở thành thỏi nam châm thu hút báo chí, đến mất chức.

Hồi giữa năm ngoái, ông Francois de Rygy, Bộ trưởng Bộ Môi trường Pháp đã phải từ chức vì tấm hình ông ăn tối với tôm hùm, uống sâm banh cùng với vợ và sử dụng nhà ở không đúng mục đích.

Hay như ông Gavin Newsom, Thống đốc ban California đi ăn sinh nhật cố vấn chính trị tại một nhà hàng, khi mà ông kêu gọi người dân ở nhà đã phải đối mặt với cuộc bầu cử bãi nhiệm.

Xét cho cùng Việt Nam sẽ tốt hơn khi người dân dám phản biện đúng nghĩa về các vấn đề xã hội, chính trị. Người dân dám thể hiện sự bức xúc, phẫn nộ với quan chức.

Người Việt Nam cần được thực hành về về chính trị, dân chủ, để hiểu mà tránh việc sùng bái, phong trào dân túy, lãnh đạo mị dân trong tương lai. Điều này đang xảy ở nhiều quốc gia không còn theo chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bởi quốc gia, dân tộc là trên hết, một thể chế không thể tồn tại mãi mãi với những khẩu hiệu quang vinh, vô địch, muôn năm, sống mãi trong sự nghiệp…mà không dám nhìn một sự thật…nhỏ như miếng thịt bò.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả từ Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ, từng sống, học, làm việc ở Việt Nam trong 37 năm trước khi sang Mỹ định cư.

Bài Liên Quan

Leave a Comment