Người Việt thế hệ hai trong xã hội Anh đi tìm văn hóa Việt

Người Việt thế hệ hai trong xã hội Anh đi tìm văn hóa Việt

21 tháng 11 2021

\"BBC\"/

\”Liverpool là thành phố khuyến khích những nền văn hóa khác nhau,\” Kenny nói với BBC trước khi bắt đầu ca làm việc của mình tại một tiệm làm móng tay ở trung tâm thành phố Liverpool.

\”Tôi nghĩ nay thì hầu hết mọi nền văn hóa đều được chấp nhận ở đây. Thành phố có rất nhiều loại đồ ăn khác nhau đến từ khắp nơi trên thế giới, và mọi người thích điều đó.\”

Nhưng trong thời gian lớn lên, Kenny và anh trai – con của một gia đình gốc Việt – đã có những lúc gặp khó khăn.

\”Tôi nghĩ là chúng tôi muốn thích nghi tốt với tất cả bạn bè, và đó là một trong những lý do khiến chúng tôi không bao giờ học tiếng Việt,\” Astro nói. \”Bạn bè đều là người Anh, nên chúng tôi cố gắng thích nghi theo cách dễ dàng nhất có thể.\”

Hai anh em Astro và Kenny chào đời tại Birmingham nhưng chuyển tới Liverpool sống khi còn nhỏ.

Hai người nói rằng hồi nhỏ và trong những năm tháng niên thiếu, họ thỉnh thoảng bị chế nhạo vì gốc gác Việt Nam.

Đó là \”những dấu ấn nhỏ mà mọi người gắn lên bạn mà bạn nhớ cho tới tận bây giờ\”, Kenny, 22 tuổi, nói. \”Bạn sẽ không bao giờ quên.\”

Astro, 23 tuổi, nói thêm: \”Chúng tôi được xếp vào nhóm người Trung Quốc. Khi đó, điều này đã ảnh hưởng tới tôi rất nhiều, bởi tôi là người rất ý thức tới chuyện này.\”

\"BBC\"/

Nhà xã hội học, Tiến sĩ Tamsin Barber từ Đại học Oxford-Brookes đã nghiên cứu về trải nghiệm của những người Anh gốc Việt sống tại Anh Quốc.

\”Người gốc Việt đi học tại các trường [Anh] có những trải nghiệm rất đặc biệt,\” bà nói về những người trẻ gốc Việt tham gia nghiên cứu của bà.

\”Hầu hết họ thường là người Đông Á hoặc Đông Nam Á duy nhất trong lớp, do đó họ cảm thấy khá cô đơn. Họ không cảm thấy mình thuộc về một nhóm nào đó có chung những mối quan tâm, nhóm có những người hiểu được cảm xúc của họ.\”

\”Họ vấp phải rất nhiều những lời bình luận khiếm nhã, tầm thường mang tính phân biệt sắc tộc từ bạn bè cùng lứa, những người khá thờ ơ, không quan tâm tới nguồn gốc văn hóa của họ.\”

\’Những người ở tiệm móng tay đã dạy chúng tôi rất nhiều\’

Khi còn nhỏ, để tìm cách che bớt đi gốc gác và để dễ hòa nhập hơn, Kenny và Astro không bao giờ mời bạn bè tới nhà chơi. Họ cũng tìm cách không để bạn bè nghe thấy mẹ nói tiếng Việt ở cổng trường hay tại các buổi họp phụ huynh.

\”Chúng tôi gần như không bao giờ nói chuyện với mẹ,\” Astro nói. \”Chúng tôi từng chỉ ra lấy đồ ăn, đi vào phòng riêng và cắm đầu chơi game. Có vậy thôi.\”

\”Mẹ thì đến bây giờ vẫn không thạo tiếng Anh, cho nên có rào cản giữa mẹ với chúng tôi,\” Kenny nói và giải thích thêm rằng hai anh em chỉ hiểu chút ít tiếng Việt đơn giản, đủ để giao tiếp với mẹ.

Thế nhưng kể từ khi vào làm ở tiệm móng tay, họ đã bắt đầu học hỏi nhiều hơn về cội nguồn Việt Nam của mình.

\”Kể từ khi làm việc với anh trai và những người khác ở đây, tôi nghĩ mọi thứ đã được khơi dậy trong chúng tôi. Họ đã dạy chúng tôi rất nhiều thứ,\” Kenny nói.

Một phần trong văn hóa Việt Nam mà họ học được, đó là việc phải kính trọng người lớn trong nhà. \”Đó là điều to lớn mà chúng tôi chưa từng quen làm – nay chúng tôi luôn làm thế,\” Astro nói.

\"BBC\"/

Họ cũng chú tâm học tiếng Việt nhiều hơn, và đi thăm Việt Nam.

\”Lẽ ra đó phải là ngôn ngữ thứ nhất của chúng tôi, hy vọng chúng tôi có thể sớm học được nó. Hy vọng chúng tôi có thể khám phá thậm chí sớm trở lại Việt Nam.\”

Tiến sĩ Tamsin Barber nói nghiên cứu của bà cho thấy nhiều người trẻ Anh gốc Việt chỉ có vốn tiếng Việt \’trong nhà\’ hoặc \’sơ sài\’, bởi bà nói thường thì cha mẹ bận rộn làm việc nhiều giờ để gây dựng sự nghiệp, cơ sở làm ăn khi con cái còn nhỏ, và nhiều người không có cơ hội học tiếng Việt tại các lớp dạy thứ Bảy hàng tuần.

Nhưng, cũng giống như Kenny và Astro, Tiến sĩ Tamsin Barber thấy rằng nhiều người có mong muốn mãnh liệt tới Việt Nam để học thêm về văn hóa và ngôn ngữ, và bà nói gần đây đã có xu hướng kết nối, hình thành các cộng đồng người trẻ gốc Việt trên mạng xã hội.

Hai anh em Kenny và Astro nói rằng họ hoàn toàn hãnh diện về gốc gác Việt Nam của mình, và khuyến khích những người trẻ từ các gia đình di dân tại Anh hãy tự hào về cội nguồn của mình, về di sản của mình.

\”Mọi người thực sự nghĩ rằng điều đó rất tuyệt,\” Astro nói. \”Việc biết một ngôn ngữ khác hoặc có một lối sống khác không phải là điều tệ.\”

\”Hãy kể cho với bạn bè của bạn về điều đó,\” Kenny nói. \”Để họ biết thêm về điều đó cũng là chuyện tốt.\”

Và mối quan hệ của họ với mẹ thậm chí đã được cải thiện kể từ khi hai anh em quan tâm nhiều hơn tới nguồn gốc Việt Nam của mình.

\”Tôi nghĩ là mẹ trông vui vẻ hơn nhiều,\” Astro nói. \”Nếu có bất kỳ vấn đề gì hay có chuyện gì, mẹ đều hỏi ý kiến chúng tôi.\”

\”Chúng tôi bắt đầu nói chuyện với mẹ nhiều hơn, bắt đầu làm người Việt nhiều hơn, điều mà chúng tôi lẽ ra nên bắt đầu từ thời đầu, thật sự là vậy. Bây giờ, chúng tôi sống như một gia đình thực sự, hơn nhiều so với trước.\”

Câu chuyện về hai anh em Kenny và Astro là một phần trong loạt bài Nail Bar Boys do BBC Three thực hiện.

Bài Liên Quan

Leave a Comment