Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức Đại Hội Đồng Interpol giữa lúc căng thẳng với các nước thành viên
Đăng ngày: 23/11/2021
Chi Phương
Tổ chức Cảnh Sát hình sự quốc tế Interpol họp Đại Hội Đồng từ ngày 23 đến 25/11/2021, tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để bầu ra người lãnh đạo tổ chức. Đây là lần thứ ba Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức Đại Hội Đồng Interpol nhưng lần này, cuộc họp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Interpol và chính quyền Ankara.
Từ Istanbul, thông tín viên RFI Anne Andlauer tường trình :
« Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức Đại Hội Đồng Interpol lần thứ 89, trong bối cảnh nước này tăng cường tầm quan trọng của mình trong tổ chức và nhất là việc đưa người di cư bất hợp pháp sang châu Âu gia tăng cùng với nạn buôn người. Tuy nhiên, người ta có thể thấy rõ sự bất bình ở Ankara.
Nguyên do là vấn đề ban hành thông báo đỏ, những cảnh báo quốc tế được ban hành theo yêu cầu của các nước thành viên nhằm tạo thuận lợi cho việc bắt giữ và dẫn độ các cá nhân mà các nước này truy nã. Thế nhưng, trong những năm gần đây, Interpol đã thường xuyên từ chối chấp nhận yêu cầu của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo nhật báo trực tuyến T24, hơn 1 nghìn người bị Thổ Nhĩ Kỳ truy nã dường như đã không được Interpol chấp nhận ban hành thông báo đỏ, cho dù đã có yêu cầu. Đại đa số, khoảng 780 người, là đối tượng truy nã trong nước vì có liên hệ với mạng lưới của Fethullal Gulen, người được cho là đã chỉ đạo cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 07/2016.
Interpol biện minh cho các lần từ chối khi viện dẫn điều 3 trong quy chế của tổ chức, ngăn cấm « mọi can thiệp vào các vấn đề hoặc vụ việc có tính chất chính trị ». Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ đề cập đến vấn đề này trong cuộc họp Đại Hội Đồng »
Thứ Năm 25/11, Đại Hội Đồng Interpol sẽ bầu ra chủ tịch mới, đứng đầu tổ chức có 194 quốc gia thành viên, nhưng một số ứng viên bị coi là có « vấn đề ». Theo nhật báo Pháp Libération, trừ khi có điều bất ngờ xảy ra, chủ tịch mới của Interpol sẽ là một kẻ « tra tấn khét tiếng »: tướng Ahmed Nasser al-Raisin, tổng thanh tra bộ Nội Vụ của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Nhân vật này bị cáo buộc đã tiến hành các cuộc đàn áp khốc liệt đối với các đối thủ chính trị và các nhà hoạt động nhân quyền. Các tổ chức nhân quyền bày tỏ quan ngại về việc này.
Trung Quốc, Nga và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất được xem là những nước lạm dụng nhiều nhất các thông báo đỏ của Interpol để phục vụ mục đích chính trị.