Lá cờ Samsung bay bên ngoài trụ sở chính của công ty ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 12 /1/2017. (Ảnh: Chung Sung-Jun / Getty Images)
Hàn gắn quan hệ Mỹ – Hàn: Samsung đầu tư 17 tỷ USD xây dựng nhà máy chip tại Texas
Bình luậnBảo Nguyên • 24/11/21
Tập đoàn Samsung Electronics vào hôm thứ 4 (24/11) đã thông báo sẽ đầu tư 17 tỷ USD xây dựng dây chuyền sản xuất chip mới tại bang Texas, Mỹ, trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ. Quyết định của Samsung mang ý nghĩa về cả mặt kinh tế và chính trị cho 2 quốc gia Hàn Quốc và Mỹ.
Nhà sản xuất chip Hàn Quốc cho biết họ sẽ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn tiên tiến tại thành phố Taylor, gần Austin, trong nửa đầu năm 2022, với mục tiêu đưa cơ sở này vào hoạt động vào nửa cuối năm 2024.
Samsung cho biết, đây là khoản đầu tư lớn nhất của tập đoàn này tại Mỹ.
Ông Kim Ki-nam, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh chất bán dẫn của Samsung, cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao chính quyền Tổng thống Biden vì đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho các công ty như Samsung có thể mở rộng hoạt động sản xuất chất bán dẫn công nghệ tiên tiến ở Mỹ. Chúng tôi cũng cảm ơn chính phủ Mỹ và lưỡng đảng vì đã giúp nhanh chóng ban hành các biện pháp khuyến khích toàn liên bang đối với sản xuất và đổi mới chip tại Mỹ\”.
Ý nghĩa kinh tế và chính trị
Trong một tuyên bố của Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Mỹ đã bày tỏ hoan nghênh việc tập đoàn Samsung đầu tư lớn vào Mỹ. Chính phủ Mỹ \”đã làm việc suốt ngày đêm với Quốc hội, các đồng minh, và các đối tác, cùng với khu vực tư nhân, để có thể tăng cường năng lực sản xuất chất bán dẫn và đảm bảo rằng nước Mỹ sẽ không bao giờ bị thiếu hụt sản phẩm này trong tương lai\”.
Ông Park Sung-soon, nhà phân tích của Cape Investment Securities có trụ sở tại Seoul, đánh giá: “Chất bán dẫn đã trở thành một sản phẩm chiến lược của Mỹ, khiến Mỹ không thể chỉ phụ thuộc vào thị trường châu Á cho sản phẩm này”, theo Reuters.
Việc mở các nhà máy sản xuất chip tại Mỹ cũng đảm bảo nguồn cung ổn định cho nước Mỹ, chẳng hạn như trong trường hợp chuỗi cung ứng gián đoạn nếu Triều Tiên tấn công Hàn Quốc, theo The Epoch Times.
Quyết định mở nhà máy tại Mỹ của Samsung được công bố khi Phó Chủ tịch Samsung, ông Lee Jae-yong, có chuyến thăm kéo dài một tuần tới Mỹ, gặp gỡ các quan chức cấp cao của Nhà Trắng, các nhà lập pháp và lãnh đạo doanh nghiệp, bao gồm cả Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai. Đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông Lee kể từ khi ông được ân xá vào tháng 8 vừa rồi. Ông Lee đã hoàn thành việc thụ án hơn một nửa án tù 30 tháng vì tội tham nhũng.
Ông Liao Shiming, một nhà báo chuyên về tài chính và kinh tế Hong Kong, nói với The Epoch Times rằng, trong 2 năm qua, nỗ lực ‘thoát Trung’ của Mỹ đã trở thành một cuộc thảo luận sôi nổi, tập trung vào việc tách rời trong lĩnh vực công nghệ.
Ông Liao cho rằng xu hướng này sẽ không thay đổi với sự chuyển giao quyền lực từ Tổng thống Donald Trump sang Tổng thống Joe Biden, vì vấn đề này đã nhận được sự đồng thuận của lưỡng đảng.
Theo ông Liao, Mỹ muốn tách khỏi Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, vũ trụ, hóa sinh, và các lĩnh vực khác. Khi làm như vậy, Mỹ cần có kế hoạch tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ sẽ được chia thành 2 phân nhóm, sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm thông thường.
Vào đầu năm nay, khi Mỹ đưa ra các chính sách mới liên quan đến chuỗi cung ứng, Hàn Quốc sửng sốt nhận ra rằng họ đã bị loại khỏi tất cả các chuỗi cung ứng công nghệ cao của Mỹ. Điều này có nghĩa là, nếu Mỹ phát triển bất kỳ công nghệ hiện đại nào, Hàn Quốc sẽ bị hạn chế nhận chuyển giao công nghệ hoặc đầu ra thiết bị.
“Điều này khiến Hàn Quốc rất lo lắng. Vậy tại sao Mỹ lại loại Hàn Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng công nghệ cao? Tất nhiên là do Hàn Quốc ở quá gần Trung Quốc”, ông Liao giải thích.
Hiện chính phủ Hàn Quốc đã trả tự do cho ông Lee để ông ấy có thể gặp gỡ các đối tác của mình tại Mỹ. Ông Lee Jae-yong chính là nhân vật trong ngành công nghiệp Hàn Quốc có mối quan hệ hữu hảo tốt nhất với người Mỹ. Ông đã góp phần xúc tiến hợp đồng công nghệ quan trọng của Samsung tại Mỹ, trong bối cảnh Hàn Quốc muốn khôi phục mối quan hệ có phần rạn nứt với Mỹ.
Trong khi ông Lee có chuyến công tác tại Mỹ, đại diện thương mại Mỹ đã đến Seoul để gặp gỡ các Giám đốc điều hành của Samsung và các công ty Hàn Quốc khác. Bà Katherine Tai vào hôm thứ Sáu (19/11) đã đề cao khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trong cuộc họp với Bộ trưởng Thương mại Yeo Han-koo, đồng thời mạnh mẽ thúc giục Hàn Quốc tham gia các mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu do Mỹ dẫn đầu.
Vị thế của Samsung trong ngành sản xuất chất bán dẫn
Samsung hiện đang điều hành một nhà máy sản xuất chip ở Austin, Mỹ, chuyên sản xuất chất bán dẫn 14 nanomet cho một loạt khách hàng bao gồm cả Tesla. Samsung là nhà sản xuất chip lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co.) của Đài Loan.Một nhà máy của nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC ở Đài Trung, Đài Loan, ngày 25/3/2021. (Ảnh: Sam Yeh / AFP qua Getty Images)
Theo các nhà phân tích, mặc dù Samsung chắc hẳn đang rất kỳ vọng vào các công nghệ sản xuất chip tiên tiến của mình, nhưng sẽ rất khó để tập đoàn này thu hẹp đáng kể khoảng cách với TSMC, công ty dẫn đầu trên thị trường sản xuất chip toàn cầu. TSMC chiếm 52,9% thị trường, trong khi Samsung chỉ chiếm 17,3%, theo Statista.
Theo ông Eric Tseng, Giám đốc điều hành kiêm nhà phân tích trưởng của Isaiah Research, “Samsung vẫn cần phải nhanh chóng đuổi kịp về hiệu quả sản xuất, cũng như quy mô sản xuất và danh mục khách hàng”. Hiệu quả sản xuất (production yield) được tính theo tỷ lệ phần trăm các sản phẩm không bị lỗi trên tổng số sản phẩm được sản xuất. \”Quy mô sản xuất của Samsung cũng nhỏ hơn nhiều vì doanh nghiệp này không sở hữu một lượng danh mục khách hàng khổng lồ như TSMC\”.
Ông Tseng cho hay, hiệu quả sản xuất các chip tiên tiến của Samsung có thể vào khoảng 30 – 40%, trong khi đó ở TSMC, con số này là từ 60 – 70%.
Vào tháng trước, Samsung thông báo họ có kế hoạch tăng gấp 3 công suất sản xuất chip vào năm 2026. Tuyên bố này được đưa ra vào lúc lợi nhuận trong quý III của Samsung đạt mức cao khi mà tình trạng thiếu chip toàn cầu đang làm gián đoạn việc sản xuất ô tô, điện thoại thông minh, và một loạt các sản phẩm chủ chốt khác.
Samsung cho biết họ sẽ mở rộng dây chuyền sản xuất ở Pyeongtaek, phía nam Seoul, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao đối với chip sản xuất theo đơn đặt hàng của các khách hàng doanh nghiệp. Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc này đang nỗ lực nâng tầm công nghệ sản xuất chip của mình và cắt giảm chi phí.
Trong khi đó, TSMC hướng tới mục tiêu sản xuất chip tại Nhật Bản bằng cách liên doanh với Sony. Hai công ty vào đầu tháng này đã ký một thỏa thuận xây dựng một nhà máy trị giá 7 tỷ USD. Tập đoàn Sony sẽ vận hành công ty mới, Japan Advanced Semiconductor Manufacturing, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt vào cuối năm 2024.
Vào tháng 3, Intel của Mỹ đã công bố kế hoạch trở thành nhà cung cấp chính về chip tại Mỹ và châu Âu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao trên toàn cầu đối với chất bán dẫn.
Bảo Nguyên