Bill Gates: Đầu tư vào công nghệ mới là giải pháp
25/11/2021
Hội nghị Nhóm lần thứ 26 COP26 đã kết thúc trong buồn vui lẫn lộn. Gần 200 quốc gia đã đồng ý, và cam kết, cùng nhau không còn khí thải nhà kiếng (zero emission) vào năm 2050 để có thể ngăn chặn nạn hâm nóng trái đất không quá 1.5 độ C. Đó là một kết quả rất tích cực, dù hành động ra sao thì thời gian mới biết được. Tuy nhiên, bao nhiêu quốc gia và thành viên tham dự COP26 cũng bày tỏ thất vọng khi có quốc gia không cam kết để cùng nhau loại hẳn sự phụ thuộc vào than đá (“phase down”, not “phase out”), mà Ấn Độ là một trong những nước ủng hộ chủ trương này. Nếu không loại trừ than đá hoàn toàn mà vẫn còn phụ thuộc phần nào vào các nhiên liệu hóa thạch (fossil fuel) thì khả năng để có thể đạt mục tiêu không còn khí thải sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Tùy vào cách nhìn vấn đề, có người sẽ bảo kết quả COP26 là nửa ly nước vơi, còn người khác thì cho rằng là nửa ly nước đầy.
Ngay sau khi COP26 chấm dứt, phó giáo sư Jessica F. Green quan ngại rằng bằng chứng về hội nghị vừa qua cho thấy có nhiều thất bại. Viết trên tạp chí Foreign Affairs vào ngày 12 tháng 11, Green biện luận rằng tuy các chính trị gia đều công nhận nhân loại đang ở trong cuộc khủng hoảng về khí hậu, ‘nhưng họ đã chứng tỏ không có khả năng thực hiện hành động có tính cách quyết định mà một cuộc khủng hoảng như vậy đòi hỏi’. Các quốc gia đã không tìm ra được 100 tỷ đô la tài trợ cho các quốc gia đang phát triển mà đã hứa 11 năm trước tại COP16. Green biện luận rằng mọi hành động thành công về khí hậu cần phải bắt đầu với việc vận động chính trị ở tầm quốc gia. Green nhận định ‘Hầu hết mọi người không có quan điểm mạnh mẽ về nồng độ CO2 trong khí quyển, nhưng họ quan tâm sâu sắc đến việc làm đảm bảo, y tế sức khỏe với giá phải chăng, không khí và nước sạch.’ Green đề nghị là nên đánh thuế các tập đoàn lớn, cung cấp việc làm an toàn và thúc đẩy năng lượng sạch, bởi đó là những chính sách được sự ủng hộ rộng rãi ở nhiều quốc gia. Nói tóm lại, đối với Green, cần phải cải tổ thuế khóa và các luật lệ thương mại để đối phó với biến đổi khí hậu.
Trong khi Green hơi bi quan, thì Bill Gates cho biết ông nhìn kết quả của COP26 khá lạc quan. Cách phân tích và nhận định của Green và Gates có lẽ không khác nhau nhiều, chỉ là mối quan tâm nằm ở địa hạt khác nhau.
Bill Gates là một trong những người quan tâm sâu sắc và đầu tư đáng kể vào các vấn đề liên quan trực tiếp đến nhu cầu căn bản nhất trong đời sống con người, từ thức ăn, thuốc men, dịch bệnh, vaccines v.v… cho đến biến đổi khí hậu. Trong mọi vấn đề, Gates tin tưởng vào kiến thức, khoa học và công nghệ đóng vai trò quan yếu cho các giải pháp và thách thức lớn
Đối với biến đổi khí hậu, Gates tin rằng chìa khóa nằm ở chỗ giảm được phí bảo hiểm xanh (the Green Premiums), mà theo Gates, ‘thuật ngữ này đề cập đến sự khác biệt về chi phí giữa một sản phẩm có thải ra carbon và một sản phẩm thay thế nhưng không thải ra carbon.’ Bởi vì nếu các sản phẩm được tạo ra từ năng lượng xanh tốn kém hơn cho người dùng thì nó không thể thành công được, do đó Gates biện luận rằng cần phải dồn nỗ lực và đầu tư vào các công nghệ mới.
Trong bài viết “Đây là cách chúng ta xây dựng một nền kinh tế không thải khí” (This is how we build a zero emissions economy), phổ biến trên trang mạng của mình là GateNotes, Gates có phổ biến một nghiên cứu gần đây của ông. Với tựa đề “Tài trợ cho Cuộc Cách mạng Công nghệ Sạch” (Financing the Clean Industrial Revolution), Gates có vẻ thuyết phục người đọc vì sao ông nhìn vấn đề biến đổi khí hậu lạc quan.
Trong nghiên cứu của mình, Gates trình bày các nguồn thải ra khí nhà kiếng trên toàn cầu, trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất, vận chuyển, nông nghiệp và điện lực. Theo Gates thì một nhiên liệu được sử dụng rộng rãi nhất là xi măng. Nó là nền tảng của mọi xây dựng nhà cửa và đường xá. Ngày nay con người có thể dùng vật liệu khác, nhưng xi măng vẫn bền bỉ và an toàn hơn. Tuy nhiên, mỗi tấn xi măng được tạo ra cũng thải ra một tấn CO2, theo cách sản xuất hiện nay. Là người xuất thân từ công nghệ, và đầu tư nghiên cứu và có thẩm quyền về nó, Gates kết luận rằng chúng ta không thể đòi hỏi các quốc gia khác hay các thế hệ tương lai ngừng xây dựng tương lai của họ, vì đó là điều vô lý và không tưởng. Nhưng nếu biết đầu tư vào các sáng tạo hiện nay, nghiên cứu và phát triển (R&D), nhất là các công nghệ xanh và sạch, hùn vốn cho các công ty năng lượng sạch, thì từ năm 2022 đến 2050, Gates tin tưởng rằng bốn công nghệ đang có hiện nay có triển vọng giúp đạt được khí thải ZERO vào năm 2050. Nhưng điều quan trọng và thực tế không kém là cần đảm bảo rằng tất cả những sự thay thế về sản phẩm và dịch vụ này, kể cả các năng lượng xanh và sạch này, thì giá cả phải chăng và dễ dàng tiếp cận để mọi người trên khắp thế giới sử dụng chúng.
Bốn công nghệ mà Gates trình bày trong nghiên cứu này, tuy khá mới mẻ, nhưng có triển vọng rất cao. Đó là direct air capture (DAC), sustainable aviation fuel (SAF), long duration energy storage (LDES) và green hydrogen (GH2).
DAC là công nghệ mới có mục tiêu chiếm lấy, và loại trừ, khí thải carbon. Nó có triển vọng vì nếu đầu tư đúng mức, nó có khả năng loại trừ hàng tỷ tấn CO2.
Hàng không chiếm tỷ lệ sử dụng năng lượng rất cao. Một chuyến bay từ San Francisco đi London và về sẽ thải một tấn CO2. Đến năm 2050, số lượng hành khách bay mỗi năm lên 8 tỷ người, gấp hai hiện nay. SAF là năng lượng có khả năng thay thế nhiên liệu hóa thạch nhưng không thải khí ô nhiễm môi trường.
LDES là công nghệ mới để lưu trữ năng lượng, đặc biệt từ năng lượng tái tạo (renewable energies), với mức chứa cao nhất và dữ được lâu hơn 4 tiếng, và Hội đồng LDES hy vọng có thể đạt được dung lượng 85-140TWh (terawatt là một ngàn tỷ watts, 1012) vào năm 2040.
Hydrogen có thể được sử dụng làm nhiên liệu vận chuyển và lưu trữ điện, và Green Hydrogen có nghĩa nhiên liệu xanh do tái tạo.
Với mọi công nghệ mới, ban đầu giá thành mắc hơn sản phẩm cùng loại rất nhiều. Chẳng hạn, năng lượng mặt trời. Bell Labs chế tạo ra tế bào quang điện silicon (silicon photovoltaic cell) đầu tiên vào năm 1954. 20 năm sau, tấm năng lượng mặt trời tốn 100 Mỹ kim cho một watt. Giữa thập niên 1980s, giá thành xuống còn 1 phần 10, 10 Mỹ kim. Mất thêm 20 năm nữa, nó xuống thêm 1 phần 10 nữa, ít hơn 1 Mỹ kim cho một watt vào đầu thập niên 2010s.
Từ bài học trên, Gates biện luận rằng bốn công nghệ này có triển vọng để có thể giúp nhân loại đạt được mục tiêu không thải khí năm 2050, với điều kiện là chính quyền, công ty và tư nhân cùng nhau đầu tư để nó có khả năng thực hiện tầm lớn (scaling or scale up). Đầu tư càng nhiều và càng nhanh thì chúng ta có thể bắt kịp cho những năm tháng hay thập niên bị bỏ lỡ cơ hội giảm thiểu khí thải trước đây.
Sau khi tham dự và phát biểu tại COP26, Gates đã viết bài cảm tưởng trên mạng của mình GateNotes vào ngày 8 tháng 11, trong đó ông cho rằng đã có nhiều thay đổi trong 6 năm qua. Một trong những chuyển đổi lớn là sự đề cao sáng tạo về năng lượng sạch được ưu tiên trong nghị trình của COP26. Đối với Gates, để không còn khí thải nhà kiếng vào năm 2050, nó “sẽ đòi hỏi một cuộc Cách mạng Công nghệ xanh, trong đó chúng ta khử carbon trong hầu như toàn bộ nền kinh tế vật chất: cách chúng ta tạo ra mọi thứ, tạo ra điện, di chuyển chung quanh, trồng thực phẩm, làm mát và sưởi ấm các tòa nhà. Thế giới đã có một số công cụ mà chúng ta cần để làm điều đó, nhưng chúng ta cũng cần một số lượng lớn những phát minh mới.” Chuyển đổi lớn thứ hai là Gates thấy rằng các khu vực tư nhân hiện đang đóng vai trò trung tâm cùng với các chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận. Sự chuyển đổi lớn thứ ba là Gates đang thấy khả năng thích ứng với khí hậu thậm chí còn nhiều hơn trước. Gates cho biết ông rất vui mừng thấy Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo khác lập đi lập lại tầm quan trọng của việc thích nghi với những biến đổi trong cuộc sống.
Gates kết luận rằng khi nhìn vấn đề đang cần giải quyết, sẽ luôn có người nhìn ở khía cạnh nửa ly nước vơi, trong khi ông nhìn thấy cái ly đó đang ngày càng được đong đầy. Nếu tiếp tục như thế, tức dồn nỗ lực vào sáng tạo, giảm phí tổn để đạt mục tiêu không thải khí nhà kiếng, và giúp cho các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu, thì sẽ tránh được thảm họa khí hậu trong tương lai.
Nửa ly nước vơi cũng là cơ hội để cho tất cả chúng ta, trong đó có Bill Gates, góp phần làm cho nó đầy lại. 30 năm, chỉ một thế hệ thôi, để đạt được mục tiêu không thải khí ô nhiễm, là một thử thách cực lớn, mà chính Gates cho rằng là thử thách lớn nhất của nhân loại hiện nay. Chúng ta có quyền lạc quan, vì những người giàu có nhất trên thế giới như Gates, đã không chỉ góp công, góp của mà còn góp trí tuệ và tâm huyết, vì tương lai của các thế hệ mai sau.
Phần còn lại là bổn phận của mỗi người: Ai cũng nên tự hỏi mình có thể làm được gì cho thử thách chung này!
- Phạm Phú KhảiTừ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.