Giáo sư Vũ Quốc Thúc (1920-2021) – một trí thức dấn thân, một người yêu nước thiết tha
Tường An
2021-11-24
Giáo sư Vũ Quốc Thúc Hình cáo phó của gia đình
Giáo sư Vũ Quốc Thúc sinh năm 1920, tại Nam Định, là một giáo sư, một chính khách góp phần quan trọng trong việc đào tạo những thế hệ luật sư, chính khách cho Việt Nam từ năm 1951 đến 1975.
Về giáo dục, Giáo sư Vũ Quốc Thúc nguyên là Phó Khoa trưởng, phụ trách môn Kinh tế tại Đại học Luật khoa Hà Nội (1953-1954), nguyên Khoa trưởng, phụ trách môn Kinh tế tại Đại học Luật khoa Saigon (1954-1975). Giáo sư Thúc cũng giảng dạy tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (Saigon) và Viện Đại Học Đà Lạt*.
Sau biến cố 1975, ông sang Pháp (1978) cư ngụ tại thành phố Nanterre và tiếp tục dạy tại đại học Créteil (1978-1988) cho đến khi về hưu.
Về chính trị, giáo sư Vũ Quốc Thúc đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng dưới thời Việt nam Cộng Hoà như Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục và Thanh niên trong nội các Bửu Lộc (1953), Thống đốc Ngân hàng Quốc gia (1955-1956), Cố vấn Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1955)
Ngoài ra, ông cũng là đồng tác giả Phúc trình Staley – Vũ Quốc Thúc, Lilienthal – Vũ Quốc Thúc (1968); Trưởng nhóm Nghiên cứu Kế hoạch Hậu chiến (1963); Quốc vụ khanh trong nội các Trần Văn Hương (1968); Quốc vụ khanh đặc trách Tái thiết và Phát triển trong nội các Trần Thiện Khiêm (1971)*
Tại hải ngoại, giáo sư Vũ Quốc Thúc viết hồi ký mang tên “Thời đại của tôi” được báo Người Việt xuất bản năm 2010 thuật lại cuộc đời của ông trải qua các giai đoạn biến động của đất nước.
Tang lễ giáo sư Vũ Quốc Thúc sẽ được cử hành vào ngày thứ năm 25/11 tại Giáo xứ Việt Nam, quận 17 Paris.
Để tưởng nhớ một người thầy khả kính của nhiều thế hệ sinh viên, một kẻ sĩ* đã trải qua bao thăng trầm của đất nước, đài Á Châu Tự Do (RFA) có cuộc phỏng vấn với một đồng môn và cũng là đồng nghiệp với giáo sư Vũ Quốc Thúc, đó là Luật sư Lê Trọng Quát, hiện cư ngụ tại ngoại ô Paris.
RFA : Thưa luật sư Lê Trọng Quát, xin ông có thể nói qua về sự nghiệp của Giáo sư Vũ Quốc Thúc trong ngành luật cũng như về giáo dục không ạ?
Luật sư Lê Trọng Quát: Trước hết người ta biết Giáo sư Thúc nhiều vì ông là một vị khoa trưởng trường luật ở tại Việt Nam trong rất nhiều năm. Ông ta có thể gọi là người đầu tiên được bằng thạc sĩ luật khoa để dạy đại học luật khoa đầu tiên của nước Việt Nam. Khi sang Pháp thì ông được dạy tại trường đại học luật khoa ở Créteil một thời gian trước khi về hưu.
RFA: Riêng về sự nghiệp chính trị của giáo sư Vũ Quốc Thúc chắc cũng là một con đường khá dài, xin luật sư có thể tóm tắt được không ạ?
Luật sư Lê Trọng Quát: Tôi có thể nói theo thứ tự thời gian :
Khi Ngân hàng – trước kia của Pháp- bàn giao lại cho Việt Nam để làm Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thì ông Thúc là Thống đốc Ngân hàng Quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Sau khi làm Thống đốc Ngân hàng quốc gia một thời gian thì ông trở về trường luật làm khoa trưởng, rồi được mời làm Quốc Vụ Khanh đặc trách về kinh tế trong chính phủ Việt Nam Cộng Hoà.
Ông lại còn làm Trưởng Nhóm Nghiên cứu về Kế hoạch Phát triển Kinh tế. Giáo sư Thúc cũng đặc trách Nhóm Nghiên cứu về đồng bằng sông Cửu Long, và cuối cùng, Giáo sư Thúc cũng làm Quốc Vụ Khanh lần thứ hai trong chính phủ Trần Thiện Khiêm, cũng đặc trách về kinh tế.
Tóm lại, trong thời kỳ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà thì ông Thúc đã tham gia chính sự rất nhiều.
RFA: Được biết luật sư sang Pháp đúng vào ngày 29/4/1975, nhưng Giáo sư Vũ Quốc Thúc thì còn kẹt ở lại Việt Nam, tuy không bị đi tù cải tạo nhưng mãi đến năm 1978, Giáo sư Thúc mới được đến Pháp, đây cũng là một câu chuyện khá đặc biệt, xin luật sư có thể cho biết thêm.
Luật sư Lê Trọng Quát: Đó cũng là một câu chuyện rất là hi hữu. Sau 1975, Giáo sư Thúc cũng như nhiều người khác bị kẹt ở lại Sài Gòn, nhưng sau nhờ một sự tình cờ, bạn học của Giáo sư Thúc là một người Pháp –ông Raymond Barre- lúc đó là Thủ tướng của chính phủ Pháp. Ông Barre là Thủ tướng mà cũng là bạn học của giáo sư Thúc. Giáo sư Thúc nhờ ông Barre can thiệp với Thủ tướng Phạm văn Đồng. Nhờ sự can thiệp đó mà vài năm sau, Giáo sư Thúc được sang Pháp.
RFA : Vừa là đồng môn, vừa là đồng nghiệp, sau này khi sang Pháp thì luật sư và Giáo sư Vũ Quốc Thúc cũng vẫn liên lạc với nhau chứ ạ ?
Luật sư Lê Trọng Quát: Trong thời gian hai năm gần đây thì giáo sư Thúc rất yếu. Chúng tôi có đến thăm nhà ba lần thì chỉ thấy ông nằm vậy thôi, nhưng đầu óc còn minh mẫn lắm, còn ngâm thơ, còn nói chuyện. Còn cách đây gần hơn nữa thì chúng tôi không thể đến được vì confinement (phong toả) thứ hai là ông đã yếu lắm, cho đến sáng hôm qua thì tôi được tin giáo sư Thúc từ trần.
RFA : Giáo sư Vũ Quốc Thúc cũng được biết đến qua phúc trình Staley-Vũ Quốc Thúc năm (1961) và phúc trình Liliantal-Vũ Quốc Thúc (1968) về tái thiết kinh tế Việt Nam thời hậu chiến, xin luật sư cho ý kiến về hai bản phúc trình này và tính khả thi của nó?
Luật sư Lê Trọng Quát: Chúng ta nên nhớ rằng Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam rất nhiều, từ khi ông Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng, Hoa Kỳ đã giúp đỡ rất nhiều để Việt Nam đứng vững được về phương diện kinh tế. Sự giúp đỡ, muốn được lâu dài hiệu quả hơn để đi đến sự tự túc, bớt sự viện trợ của Hoa Kỳ thì Hoa Kỳ mới bàn với chính phủ Việt Nam để làm một chương trình phát triển kinh tế đặc biệt cho Việt Nam, thì giao cho ông Vũ Quốc Thúc và ông Staley, kinh tế gia của Hoa Kỳ để lo cho việc đó.
Giáo sư Thúc cũng để nhiệt tâm làm việc đó với ông Staley, lúc đó có lẽ chưa có kết quả cụ thể vì lúc đó chúng ta nên nhớ là Việt Nam vừa phải tập trung mọi phương tiện để chống Cộng, vừa phải điều hành việc nước của chính phủ lúc đó. Cho nên chương trình phát triển kinh tế chỉ trong vòng nghiên cứu chứ chưa đến giai đoan thực hiện được.
RFA : Theo luật sư thì tại sao nó không thực hiện được?
Luật sư Lê Trọng Quát: Tôi thấy việc đó hơi sớm, bởi vì cái nghiên cứu một chương trình phát triển toàn bộ của Việt Nam từ một nền kinh tế hậu chiến (của một nước chậm tiến) trở nên một nền kinh tế phú cường thì gay go lắm, khó lắm ! Thì chỉ trong vòng nghiên cứu chứ chưa đi vào phương diện thực hành.
RFA: Sau khi ra hải ngoại thì Giáo sư Vũ Quốc Thúc còn quan tâm đến những công cuộc liên quan đến việc vận động dân chủ cho Việt Nam không?
Luật sư Lê Trọng Quát: Có thể nói qua về lập trường chính trị của Giáo sư Thúc, thì ông là một người yêu nước, thiết tha yêu nước. Sau khi ra hải ngoại mấy chục năm, tôi gặp ổng nhiều lần, cũng có làm việc chung thì thấy ông lúc nào cũng dấn thân, muốn tham gia chính trị để vãn hồi sự độc lập, tự do, dân chủ cho quê hương. Ông là một người rất ôn hoà.
RFA : Như luật sư đã nhận xét, Giáo sư Vũ Quốc Thúc là một người ôn hoà, có lẽ vì thế mà ông mong muốn Việt Nam trong tương lai sẽ đi theo thể chế trung lập như Thuỵ Sĩ để có hoà bình, không bị xâu xé bởi các đại cường, thế nhưng giữa Giáo sư Vũ Quốc Thúc và luật sư đã có bất đồng trong quan điểm này phải không?
Luật sư Lê Trọng Quát: Ông Thúc mong muốn, ước mơ một Việt Nam độc lập và trung lập, trung lập !…
Đối với mọi người Việt Nam yêu nước thì cái đó lý tưởng lắm, nếu được độc lập như Thuỵ Sĩ hay Áo quốc gì đó….Tôi thì nghĩ là chuyện đó chưa có thể đến với Việt Nam được trong thời gian còn lâu dài, bởi vì về phương diện địa chính trị thì mình phải đứng bên cạnh một anh Trung Hoa hết sức là mạnh mà bây giờ còn là mưu đồ xâm lăng Việt Nam. Mình không thể có cái thế độc lập, trung lập được !
Nếu mà mình trung lập, độc lập thì là mình tự trói tay mình. Do đó tôi có nhiều lần bàn cãi với giáo sư Thúc về chuyện đó.
RFA: Xin luật sư câu hỏi cuối, dù có những bất đồng về một vài quan điểm, thế nhưng, sau bao nhiêu năm cùng làm việc, xin luật sư cho một nhận xét về Giáo sư Vũ Quốc Thúc dưới nhãn quan của ông ạ.
Luật sư Lê Trọng Quát: Đó là một nhà trí thức dấn thân, chứ không phải trí thức tháp ngà, thứ hai. Giáo sư Thúc là một người yêu nước chân thành, thiết tha, luôn luôn lo toan việc nước dù gặp những sự thay đổi của thời cuộc và vẫn luôn luôn mơ tưởng một ngày được về quê hương tự do. Điều thứ ba, Giáo sư Thúc là một nhà mô phạm, một bậc thầy của hàng vạn sinh viên trường luật. Về phương diện giáo dục. Giáo sư Thúc đã đào tạo không biết bao nhiêu là môn đệ. Ông đã làm cái thiên chức đó một cách tuyệt vời.
Đài Á Châu Tự Do xin cám ơn luật sư Lê Trọng Quát.
*(Từ áo thụng luật khoa đến áo gấm điền viên, Giáo sư Vũ Quốc Thúc vừa thiên thu vĩnh biệt- Lê Đình Thông)