Đường lối cứng rắn của Đức thời hậu Merkel khiến Trung Quốc lo ngại
Đăng ngày: 26/11/2021
Trọng Nghĩa
Sau gần 2 tháng thương thuyết kể từ khi cuộc tổng tuyển cử tại Đức kết thúc, ba đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân Chủ Tự Do (FDP) ngày 24/11/2021 đã thông báo thỏa thuận về việc thành lập chính phủ liên minh mới. Dù chưa được chính thức hình thành và đi vào hoạt đông, nhưng tân chính phủ Đức đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại tại Trung Quốc do quan điểm cứng rắn đối với Bắc Kinh được nêu lên trong bản thỏa thuận cầm quyền vừa công bố.
Đức sẽ không còn nhìn Trung Quốc qua lăng kính \”trọng thương\”
Nhận định của giới phân tích về chính quyền mới tại cường quốc kinh tế hàng đầu Châu Âu, môt trong hai đầu tầu của Liên Hiệp Châu Âu, đều thống nhất trên một điểm: Đức sẽ không còn nhìn Trung Quốc qua lăng kính “trọng thương” như trong 16 năm qua dưới thời bà Angela Merkel.
Thỏa thuận cầm quyền dài 178 trang của liên minh được báo giới gọi nôm na là liên minh “đèn hiệu giao thông” – bao gồm ba màu đỏ, biểu tượng của đảng SPD, xanh lá cây, biểu tượng của đảng Xanh và vàng, biểu tượng của đảng FDP – đã 12 lần nhắc đến Trung Quốc, trong đó có rất nhiều điểm chắc chắn làm cho Bắc Kinh tức tối vì nói đến các vấn đề như Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương, thậm chí cả Biển Đông.
Bắc Kinh được cho là cũng sẽ không hài lòng chút nào với chủ trương được chính quyền Đức thời hậu Merkel nêu bật là phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ, tăng cường quan hệ với Nhật Bản và Úc, hai trong số những đối thủ chính của Trung Quốc trong vùng châu Á-Thái Bình Dương.
Điểm điển hình nhất về khác biệt giữa hai chính quyền “mới” và “cũ” tại Đức là việc liên minh sắp lên cầm quyền tại Đức không ủng hộ Thỏa Thuân Đầu Tư Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc mà cựu thủ tướng Merkel đã hết sức thúc đẩy.
Đài Loan lần đầu tiên được nêu lên trong một thỏa thuận cầm quyền
Quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc của chính quyền Đức thời hâu Merkel được đã nêu lên bằng giấy trắng mực đen trong thỏa thuận liên minh. Theo giới quan sát, lập trường cứng rắn này xuất phát từ hai đảng nhỏ trong liên minh là đảng Xanh và đảng Dân Chủ Tự Do.
Thái độ cứng rắn đối với Bắc Kinh của chính quyền mới tại Đức được thể hiện trong quan điểm về Đài Loan. Theo ban biên tập Châu Âu tạp chí Mỹ Politico ngày 25/11, đây là lần đầu tiên mà một liên minh cầm quyền tại Đức đề cập đến Đài Loan.
Thỏa thuận công bố hôm 24/11 xác nhận là nước Đức vẫn tôn trọng nguyên tắc “Một Nước Trung Hoa Duy Nhất”, nhưng cho rằng: “Bất kỳ sự thay đổi hiện trạng nào ở eo biển Đài Loan đều phải diễn ra trong hòa bình và được cả hai bên đồng ý. Trong khuôn khổ chính sách Một Nước Trung Hoa của Liên Hiệp Châu Âu, chúng tôi ủng hộ sự tham gia của Đài Loan dân chủ vào các tổ chức quốc tế.”
Đây quả là một cú đánh mạnh vào Bắc Kinh, vốn luôn luôn tìm cách loại Đài Loan ra khỏi các tổ chức quốc tế.
Đức quan tâm đến nhân quyền tại Tân Cương, Hồng Kông
Lập trường quan tâm đến nhân quyền của liên minh cầm quyền mới tại Đức cũng là nguyên nhân khiến Trung Quốc bất bình. Thỏa thuận của Đức nhấn mạnh: “Chúng tôi rất quan tâm đến các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, đặc biệt là ở Tân Cương. Nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’ ở Hồng Kông phải được tái khẳng định”.
Vấn đề lao động cưỡng bức ở vùng Tân Cương cũng được ghi nhận trong thỏa thuận: “Chúng tôi ủng hộ đề xuất của Liên Âu cấm nhập khẩu các sản phẩm từ lao động cưỡng bức”.
Riêng về hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc, thỏa thuận của ba đảng sắp cầm quyền ở Đức ghi nhận thực tế: “Việc Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn Hiệp Định Đầu Tư EU-Trung Quốc trong không thể diễn ra vào lúc này vì nhiều lý do khác nhau”. Nói cách khác, tân chính quyền Đức cho rằng chừng nào mà các lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với các thành viên của Nghị Viện Châu Âu còn tồn tại, thì hiệp định đầu tư sẽ không được thông qua.
Kêu gọi tôn trọng luật quốc tế tại Biển Đông và Biển Hoa Đông
Một trong những điểm nhức nhối khác đối với Trung Quốc là việc chính quyền sắp nhậm chức tại Đức không ngần ngại phê phán đường lối bành trướng của Bắc Kinh, đặc biệt là tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trong phần liên quan đến lãnh vực đối ngoại, thỏa thuân liên minh giữa ba đảng cầm quyền tại Đức nói rõ: “Kỳ vọng của chúng tôi đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc là nước này đóng một vai trò có trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định ở khu vực lân cận”.
Một cách cụ thể hơn, thỏa thuận xác định rằng “các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông phải được giải quyết trên cơ sở luật biển quốc tế”.
Vấn đề kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc cũng được nhắc đến với chủ trương “hôi nhập mạnh mẽ hơn các quốc gia có vũ khí hạt nhân như Trung Quốc vào việc giải trừ hạt nhân và kiểm soát vũ khí”.
Phối hợp chặt chẽ với Mỹ và các nước đồng chí hướng
Chủ trương đoàn kết để tìm cách đối phó với Trung Quốc dù không được nói trắng ra, nhưng có thể được cảm nhận qua một số đề nghị như: “Chúng tôi tìm kiếm một sự phối hợp xuyên Đại Tây Dương – tức là với Hoa Kỳ – chặt chẽ hơn về chính sách đối với Trung Quốc và một sự hợp tác với các nước cùng chí hướng để giảm bớt sự phụ thuộc chiến lược”. Thỏa thuận đã nhắc tới các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ.
Dĩ nhiên, chính quyền Đức vẫn sẽ duy trì các cuộc tham vấn liên chính phủ với Trung Quốc, nhưng theo dân biểu Nils Schmid, người phụ trách chính sách đối ngoại của SPD, đảng của thủ tướng Đức tương lai Olaf Scholz, thì “sẽ có nhiều cuộc tham vấn trước với EU và các quan chức từ Ủy Ban Châu Âu”. Các cơ chế tham vấn tương tự cũng có thể được hình thành với Nhật Bản.
Lập trường cứng rắn của chính phủ sắp lên nắm quyền tại Berlin đã lập tức gióng lên những hồi chuông báo động tại Bắc Kinh, với lời cảnh cáo được chính thức đưa ra ngay từ hôm qua, 25/11, theo đó Đức không nên xen vào những vấn đề “nội bộ” của Trung Quốc.
Bắc Kinh cảnh cáo Berlin
Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, trong một cuộc họp thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đặc biệt đả kích quan điểm mới của Đức về Đài Loan: “Các chính quyền trước đây của Đức đều ủng hộ chính sách một nước Trung Hoa, và chúng tôi hy vọng chính quyền mới sẽ tuân thủ chính sách này, tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và bảo vệ nền tảng chính trị cho quan hệ song phương”.
Như thông lệ, theo Bloomberg, Bắc Kinh còn ám chỉ tới nguy cơ vấn đề Đài Loan gây tổn hại cho quan hệ Đức-Trung khi kêu gọi Berlin làm việc với Bắc Kinh để phát triển quan hệ “và tập trung vào hợp tác thiết thực, thay vì ngược lại”.
Như để khẳng định lập trường của Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên không ngần ngại nhắc lại: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Biển Đông, Hồng Kông và Tân Cương đều là công việc nội bộ của Trung Quốc”.