Mỹ: Yếu tố chủ chốt thúc đẩy Nga-Trung gia tăng hợp tác quân sự
Đăng ngày: 26/11/2021
Thanh Hà
Nga và Trung Quốc tiến thêm một bước trên con đường thành lập một liên minh quân sự để đối phó với Hoa Kỳ. Ngày 23/11/2021 bộ trưởng Quốc Phòng hai nước họp trực tuyến thông qua lộ trình đẩy mạnh hợp tác quân sự cho 5 năm tới.
Người Pháp có câu “kẻ thù của địch là bạn ta”. Vào lúc Washington xem cả Bắc Kinh lẫn Matxcơva là những đối thủ quan trọng nhất, Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau về mọi mặt, kể cả trong lĩnh vực quân sự.
Trong cuộc họp trực tuyến đầu tuần này, bộ trưởng Quốc Phòng hai nước, Serguei Shoigu và Ngụy Phượng Hòa, đồng ý “nâng cấp các cuộc tập trận mang tính chiến lược và tuần tra chung”, đôi bên là những “đối tác chiến lược của nhau”. Trong bối cảnh “địa chính trị càng lúc càng bất ổn và trước những xung đột tiềm tàng ở nhiều nơi trên thế giới”, sự phối hợp chặt chẽ song phương càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Ông Shoigu nêu bật các hoạt động của máy bay ném bom Mỹ sát gần biên giới Nga đã « gia tăng đáng kể », cụ thể là đã có tới 30 máy bay ném bom chiến lược hoạt động chỉ trong tháng 10 vừa qua, cao gấp 2,5 lần so với cùng thời kỳ năm ngoái. Thêm vào đó là những hoạt động dồn dập của Không Quân Hoa Kỳ ở phía đông nước Nga, trong khu vực thuộc vùng biển Okhotsk (giữa đảo Sakhalin với bán đảo Kamchatka). Matxcơva xem đây là một mối đe dọa đối với cả Nga lẫn Trung Quốc”.
Đáp lời đồng nhiệm Nga, ông Ngụy Phượng Hòa ca ngợi Matxcơva đã “thành công” chống lại áp lực và đe dọa quân sự của Mỹ. Bắc Kinh đồng thời cam kết “tăng cường hợp tác song phương qua các cuộc tập trận và tuần tra chung cũng như là trong nhiều lĩnh vực khác nhằm duy trì ổn định và an ninh quốc tế và trong khu vực”.
Trên thực tế đôi bên không đợi đến cuộc họp qua cầu truyền hình giữa hai ông Ngụy Phượng Hoàng và Serguei Shoigu để phô trương tình đoàn kết. Tháng 8/2021 Bắc Kinh là khách mời danh dự trong sự kiện Đại Hội Thể Thao Quân Đội tổ chức tại Matxcơva. Hải quân hai nước thông báo lần đầu tiên cùng với Iran mở một cuộc thao diễn vào cuối năm nay trong vùng Vịnh. Cũng tháng 8/2021 Bắc Kinh ồn ào thông báo một tập trận chung với Nga trong khuôn khổ chiến dịch Zapad 2021 tại vùng tự trị Ninh Hạ (Ningxia). Tân Hoa Xã khi đó coi đây là một sự kiện đánh dấu “thời đại mới” trong hợp tác phòng thủ với nước Nga, chống khủng bố và “bảo đảm ổn định trong khu vực”.
Trên báo Le Monde, chuyên gia Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp Antoine Bondaz cho rằng Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác quân sự với Nga nhằm chứng tỏ với Hoa Kỳ là Bắc Kinh “hoàn toàn không bị cô lập”.
Một điểm quan trọng trong chiến dịch hồi tháng 8/2021 được nhà nghiên cứu Alexandre Gabouev, chuyên gia của Trung Tâm Carnegie tại Matxcơva, ghi nhận đó là “lần đầu tiên lực lượng đôi bên thử nghiệm một mô hình chỉ huy chung và các bài tập tương tác để đối phó với một lực lượng thứ ba”.
Cũng trung tâm nghiên cứu Carnegie tại Matxcơva đưa ra hai lý do khiến Trung Quốc và Nga thắt chặt quan hệ quân sự: thứ nhất, chiến dịch Zapad năm nay diễn ra trong bối cảnh cả Matxcơva lẫn Bắc Kinh cùng lo ngại về tình hình Afghanistan và xem ổn định tại Trung Á là một ưu tiên. Thứ hai là cả bên quân đội và tập đoàn sản xuất vũ khí Nga Rostec cùng chủ trương “thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh” trong tất cả các lĩnh vực, “trên bộ, trên biển, trong phòng thủ chống tên lửa và máy bay ném bom”.
Tuy nhiên còn quá sớm để nói đến khả năng Trung Quốc và Nga tiến tới liên minh quân sự. Le Monde ấn bản ngày 25/08/2021 giải thích “do những khác biệt về lợi ích chiến lược” liên minh quân sự giữa Nga và Trung Quốc còn xa vời. Bắc Kinh và Matxcơva là hai cường quốc sát cạnh nhau và luôn nghi kỵ lẫn nhau về mặt an ninh.
Có thực là Trung Quốc và Nga dễ dàng thành lập một liên minh quân sự hay không ? Tuần báo Courrier International trong ấn bản ngày 12/04/2021 trích lại một bài viết của Guevorge Mirzaian trên tờ báo uy tín tại Matxcơva, Expert Moscou, cho rằng câu trả lời là “không”.
Đơn giản là vì thứ nhất, phía Nga thận trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Đông Nam Á, làm phương hại trực tiếp đến một số quyền lợi của Matxcơva trong khu vực này. Lý do thứ hai là Kremlin ý thức được rằng, Bắc Kinh muốn lợi dụng uy tín của nước Nga để củng cố vị thế của Trung Quốc trên sân khấu chính trị. Điểm thứ ba và đây mới là cốt lõi của vấn đề là Bắc Kinh không tin vào nước Nga.
Tác giả bài viết nhấn mạnh là “một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng nước Nga xích lại với châu Á chỉ là một giải pháp tình thế” và đây không là một nước cờ “chiến lược” bởi vì chỉ cần phương Tây “biết điều” với Matxcơva, thì lập tức “Nga sẽ không cưỡng lại” và sẽ quay lưng lại với châu Á.
Đành rằng đa số công luận Nga có một cái nhìn tốt về Trung Quốc, nhưng “tầng lớp tinh hoa và trung lưu tại Nga vẫn gắn bó với châu Âu và vẫn quan niệm rằng nước Nga là thuộc về châu Âu”. Trong những điều kiện đó khó có thể tin rằng, hợp tác quân sự giữa Matxcơva và Bắc Kinh có triển vọng đi xa hơn.